Dự kiến tỷ lệ sàng lọc tự nhiên của ngành tài chính ngân hàng trong thời gian tới sẽ ở mức 5%. Từ năm 2016, nguồn cung nhân lực ngành ngân hàng vượt khoảng 150% so với nhu cầu.
Khảo sát về “Cung cầu nhân lực ngành ngân hàng tài chính Việt Nam” của Viện BTI và Hay Group cho thấy, ngày càng có nhiều ngân hàng áp dụng việc trả lương theo hiệu quả lao động chứ không chỉ theo hệ số thâm niên.
Hiện nay, để đảm bảo tính bền vững và gắn kết của người lao động, việc trả thưởng, lương kinh doanh sẽ được phân bổ đều theo thời gian chứ không chỉ dồn vào cuối năm. Hình thức thu nhập cũng được đa dạng hóa bằng cổ phiếu, bảo hiểm… chứ không chỉ bằng tiền mặt.
Tỷ lệ thanh lọc nhân sự tài chính ngân hàng sẽ khoảng 5%/năm
Theo thống kê, từ năm 2016 các trường đại học có khả năng cung ứng 61.000 cử nhân chuyên ngành tài chính ngân hàng, vượt 150% so với nhu cầu của ngành.
Tuy nhiên, về chất lượng các ngân hàng nhận định: Sinh viên mới ra trường còn có các lỗ hổng kỹ năng và kiến thức đáng kể để sẵn sàng làm việc tốt.
Ba kỹ năng thiếu hụt nghiêm trọng nhất là tiếng Anh, khả năng làm việc nhóm, khả năng thích ứng với môi trường mới.
Ba mảng kiến thức thiếu hụt nghiêm trọng nhất là: Nền tảng ngân hàng thương mại, nền tảng kinh tế vĩ mô và nền tảng quản lý rủi ro.
Theo nhận định của một số chuyên gia tài chính, trái với xu thế tuyển dụng nóng để có đủ nhân sự cho việc mở rộng mạng lưới trong 3 năm qua, trong các năm sắp tới ngành ngân hàng sẽ chủ động sàng lọc nhân sự để có chất lượng nhân lực tốt hơn, cạnh tranh hơn.
“Việc được tuyển dụng vào ngân hàng không đồng nghĩa với việc đảm bảo có công việc ổn định mãi mãi”.
Ngân hàng sẽ chủ động đưa ra các định biên năng suất lao động và đo lường hiệu quả lao động… để sàng lọc nhân sự. Việc sàng lọc nhân sự sẽ được coi là một hoạt động thường xuyên dù có hoạt động tái cấu trúc hay không.
Dự kiến tỷ lệ sàng lọc tự nhiên sẽ ở mức khoảng 5%, tương ứng với 5% nhân sự không phù hợp tiêu chuẩn sẽ được thanh lọc.
Nợ xấu bắt nguồn từ lỗ hổng về năng lực và đạo đức nhân sự ngân hàng
Khảo sát của Viện BTI và Hay Group cũng cho hay, tỷ lệ nợ xấu của hệ thống ngân hàng lên tới 202 ngàn tỷ đồng, các vụ việc cố ý làm trái, gian lận và lừa đảo với các thất thoát hàng ngàn tỷ đã khiến các ngân hàng đang phải đối mặt với việc giảm sút lòng tin của người dân với hệ thống ngân hàng.
“Việc mất lòng tin này có nguyên nhân sâu xa bắt nguồn từ các lỗ hổng về năng lực đạo đức nhân sự” – Bản khảo sát nêu rõ.
Chính vì thế, nhiều chuyên gia đã cho rằng, các ngân hàng sẽ tìm kiếm giải pháp dài hạn cho vấn đề này bằng cách tiêu chuẩn hóa năng lực nhân sự cho các vị trí chủ chốt của ngành.
Theo Infonet