Ngân hàng SCB hoạt động ra sao trước khi người dân ồ ạt rút tiền trước hạn?

Lợi nhuận tăng trưởng mạnh và liên tục trong nhiều năm, Ngân hàng SCB là nhà băng có quy mô tổng tài sản lớn nhất trong nhóm các ngân hàng tư nhân. Đồng thời, SCB luôn chủ động ưu tiên \'hy sinh lợi nhuận\' để trích lập dự phòng rủi ro tín dụng.

Ngân hàng tư nhân có tổng tài sản lớn nhất đang hoạt động ra sao?

Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) hiện là ngân hàng tư nhân có tổng tài sản lớn nhất, đứng thứ 5 hệ thống ngân hàng sau khi được hợp nhất vào năm 2011 từ 3 ngân hàng Đệ Nhất (Ficombank), Việt Nam Tín Nghĩa (TinNghiaBank) và Sài Gòn (SCB) đều có trụ sở tại TPHCM.

Ngân hàng SCB hoạt động ra sao trước khi người dân ồ ạt rút tiền trước hạn? - Ảnh 1

Ngoài tổng tài sản khủng, lợi nhuận tại SCB cũng có sự tăng trưởng khá ấn tượng.

Cụ thể, năm 2015 SCB ghi nhận 110 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, giảm 7,5% so với năm trước và lợi nhuận sau thuế đạt gần 80 tỷ đồng. Tuy nhiên, từ năm 2017 đến nay, lợi nhuận tại nhà băng này có chuyển biến tích cực.

Theo đó, năm 2017 lợi nhuận trước thuế hợp nhất của ngân hàng SCB đạt 164 tỷ đồng, tăng tới 21% so với năm 2016 và lợi nhuận sau thuế hơn 124 tỷ đồng, tăng mạnh 57%. Tuy nhiên, SCB cho rằng mức lợi nhuận còn khiêm tốn chủ yếu do SCB vẫn đang trong quá trình củng cố nền tảng tài chính, các chi phí tái cơ cấu phát sinh trong năm tương đối cao (đặc biệt là chi phí thoái thu lãi do xử lý nợ xấu) và SCB phải tập trung nguồn lực để trích lập đầy đủ dự phòng rủi ro tín dụng, dự phòng trái phiếu VAMC theo đúng quy định.

Năm 2018, lợi nhuận trước thuế tại nhà băng này tăng tới 40% so với năm trước, ghi nhận gần 229 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế ở mức 176 tỷ đồng. Lợi nhuận của SCB có phần khiêm tốn so với quy mô của ngân hàng là do đã cân đối nguồn lực để trích lập 2.162 tỷ đồng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng. 

Đến năm 2021 mặc dù trải qua giai đoạn khó khăn chung do ảnh hưởng của dịch bệnh, song nhờ phân bổ chi phí hợp lý, nỗ lực đẩy mạnh các giải pháp kinh doanh và mở rộng thị trường, SCB đã đạt được kết quả ấn tượng.

Do đó, theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2022, SCB ghi nhận 1.434 tỷ đồng lãi trước thuế, cao gấp 15,7 lần so với năm 2020 và lãi sau thuế gần 1140 tỷ đồng, cao gấp 16 lần năm trước.

Trong bối cảnh dịch bệnh tác động nặng nề tới nền kinh tế năm 2021, SCB đã nhanh chóng triển khai các chương trình miễn giảm lãi, gia hạn nợ cho các khách hàng chịu ảnh hưởng của đại dịch theo chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng nhà nước. Đồng thời tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tăng trưởng tín dụng, tạo bộ đệm sẵn sàng để xử lý nợ xấu. 

Các biện pháp tăng cường chất lượng tài sản và phát triển kinh doanh theo hướng an toàn và bền vững được SCB thực thi hiệu quả. Chất lượng nợ tại SCB cải thiện rõ rệt, tỷ lệ nợ xấu của Ngân hàng SCB tại thời điểm 31/12/2021 được kiểm soát ở mức 1,11%. 

Bước sang năm 2022, lợi nhuận sau 6 tháng đầu năm của SCB vẫn tăng trưởng tới 47% so với cùng kỳ 2021, đạt 717 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt đạt gần 600 tỷ đồng, tăng mạnh 44% so với cùng kỳ.

Ngân hàng SCB hoạt động ra sao trước khi người dân ồ ạt rút tiền trước hạn? - Ảnh 2

Đến hết tháng 6/2022 tổng tài sản đạt hơn 739.000 tỷ đồng, tăng nhẹ 5% so với hồi đầu năm. Tín dụng tăng trưởng 8% sau 6 tháng đầu năm trong khi huy động tiền gửi tăng đến 16% trong bối cảnh ngân hàng này luôn là một trong những cái tên đưa ra mức lãi suất gửi tiền cao nhất trên thị trường.

Tỷ lệ nợ xấu nội bảng của SCB tính đến 30/6/2022 còn gần 1%, giảm nhẹ sau 6 tháng. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu của ngân hàng dù giảm sau khi hoàn nhập dự phòng trong quý 2/2022 nhưng vẫn ở mức cao, đạt 145%.

Thực tế, vài năm trở lại đây, bên cạnh việc đẩy mạnh xử lí nợ xấu theo Nghị quyết 42, ngân hàng SCB đã chủ động trích lập dự phòng rủi ro tín dụng. Đồng thời luôn ưu tiên trích lập dự phòng trong giai đoạn tái cơ cấu.

Bất ngờ lan truyền tin tiêu cực gây thất thiệt cho ngân hàng SCB

Sáng 8/10, thông tin bà Trương Mỹ Lan - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát bị Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam chính thức được công bố, thì người dân đổ về các chi nhánh của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB) để rút tiền diễn ra rầm rộ.

Cũng trong sáng 8/10, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có thông cáo báo chí liên quan đến hoạt động của Ngân hàng SCB. Theo NHNN, vào ngày 7/10, trên mạng xã hội lan truyền thông tin tiêu cực về SCB, dẫn đến hiện tượng một số người dân rút tiền trước hạn.

Về việc này, NHNN khẳng định, sẽ theo dõi sát tình hình để ngân hàng hoạt động bình thường và có giải pháp, chính sách theo quy định của pháp luật để đảm bảo quyền và lợi ích của người gửi tiền, giữ vững ổn định của SCB nói riêng và hệ thống các tổ chức tín dụng nói chung.

NHNN khuyến cáo người gửi tiền không nên rút tiền trước hạn ở SCB, tránh ảnh hưởng đến quyền lợi của người gửi tiền. Được biết, tính đến ngày 31/3/2022, Ngân hàng SCB hiện có vốn điều lệ hơn 20.200 tỷ đồng, với tổng tài sản hơn 761.000 tỷ đồng.

SCB thông tin về vụ việc.
SCB thông tin về vụ việc.

Tại Họp báo thông tin về hoạt động của SCB chiều ngày 8/10, ông Hoàng Minh Hoàn, Phó Tổng Giám đốc Phụ trách Điều hành ngân hàng SCB khẳng định: "Ngày 8/10/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an có thông tin quyết định khởi tố vụ án và khởi tố bị can đối với bà Trương Mỹ Lan về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, liên quan đến việc phát hành, mua bán trái phiếu của CTCP Tập đoàn Đầu tư An Đông.

Về vụ việc này, SCB đã rà soát và khẳng định Công ty An Đông không phải là cổ đông của SCB, bà Trương Mỹ Lan không giữ chức vụ quản lý và điều hành tại SCB, do đó không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh bình thường của SCB.

SCB cam kết có đầy đủ giải pháp, nguồn lực để đảm bảo quyền lợi, lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, cũng như quyền, lợi ích đối tác và khách hàng hàng của SCB theo quy định pháp luật.

Tại SCB, quyền lợi của khách hàng được đặt ở vị trí cao nhất. Các nhu cầu, thắc mắc của khách hàng trong mọi tình huống sẽ được xử lý tận tâm, trọn vẹn. SCB rất mong tiếp tục nhận được sự đồng hành, ủng hộ và tin tưởng của khách hàng, cổ đông trong thời gian tới”.

Ông Hoàng Minh Hoàn, Phó Tổng Giám đốc Phụ trách Điều hành SCB chia sẻ tại Họp báo thông tin về hoạt động của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB)
Ông Hoàng Minh Hoàn, Phó Tổng Giám đốc Phụ trách Điều hành SCB chia sẻ tại Họp báo thông tin về hoạt động của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB)

Cũng theo thông tin từ đại diện SCB, tính đến ngày 30/9/2022, SCB có 4.132 cổ đông. Trong đó, có 7 cổ đông nước ngoài sở hữu 27,91% vốn điều lệ. Cổ đông trong nước là 4.125 cổ đông, trong đó 11 cổ đông tổ chức sở hữu 15,7% vốn điều lệ và 4.114 cổ đông cá nhân sở hữu 56,11% vốn điều lệ.

Chia sẻ thêm về các phương án trong bối cảnh hiện nay, ông Hoàn cho biết SCB đã tăng cường lượng tiền mặt tại tất cả các điểm giao dịch để đáp ứng nhu cầu thanh toán và rút tiền chính đáng của người dân. Bên cạnh đó, SCB tăng tiền gửi tại NHNN để đảm bảo thanh toán liên ngân hàng (thanh toán từ SCB sang những ngân hàng khác).

Đến sáng 10/10, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng đã trả lời phỏng vấn Đài truyền hình Việt Nam (VTV) về tình hình hoạt động của SCB và việc đảm bảo các khoản tiền gửi tại ngân hàng.

Theo đó, Thống đốc NHNN cho biết đã áp dụng các biện pháp cần thiết để SCB hoạt động bình thường, đảm bảo khả năng thanh khoản. 

Đồng thời khẳng định: \'Ở Việt Nam từ trước đến nay, các khoản tiền gửi của người dân tại ngân hàng trong đó có ngân hàng SCB thì đều được Nhà nước đảm bảo trong mọi trường hợp. Tôi cho rằng những người gửi tiền tại SCB thì cần hết sức bình tĩnh, không nên rút tiền nhất là rút trước hạn để đảm bảo quyèn lợi của mình\'.

Ngân hàng SCB là một trong những ngân hàng có mức lãi suất huy động cao nhất trên thị trường ở nhiều kỳ hạn. Đặc biệt, ngày trong ngày 8/10 vừa qua, SCB đã điều chỉnh tăng biểu lãi suất huy động tại hầu hết kỳ hạn đối với nhiều sản phẩm.

Cụ thể, với gửi tiết kiệm online, lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 6 tháng tăng thêm 0,95 điểm % từ 6,85%/năm lên 7,8%/năm. Tại kỳ hạn 9 tháng, lãi suất tăng thêm 1 điểm % từ 7%/năm lên 8%/năm; lãi suất kỳ hạn 12 tháng tăng thêm 0,9 điểm % lên 8,2%/năm.

Mức lãi suất tiết kiệm online cao nhất hiện đang áp dụng tại ngân hàng là 8,9%/năm đối với kỳ hạn 36 tháng, tăng 1,35 điểm % so với con số trước đó là 7,55%/năm.

Các sản phẩm các như chứng chỉ tiền gửi và hình thức gửi tiết kiệm tại quầy cũng được SCB điều chỉnh tăng lên khoảng 1 điểm %.

Trước đó, vào đầu tháng 10, SCB đã điều chỉnh tăng từ 0,9-1 điểm % lãi suất tiền gửi tiết kiệm thông thường và lãi suất tiền gửi online tại một số kỳ hạn nhất định. 

 

Hà Phương

Sở hữu trí tuệ
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục