Ngân hàng phải thành lập CTTC: Quy định không đầy đủ, rủi ro có thể cao hơn

Hiện nay các Công ty tài chính (CTTC) chưa được quản lý bằng các quy định chặt chẽ như các ngân hàng. Các công ty này thường có khuynh hướng là mạnh tay cho vay tiêu dùng, với lãi suất rất cao và tiêu chí thấp. Chính vì vậy Ngân hàng Nhà nước muốn giảm rủi ro khi các ngân hàng cho vay tiêu dùng thì cần phải có những quy định đầy đủ rõ ràng.

Khoanh vùng rủi ro

Mới đây Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã công bố dự thảo Thông tư quy định hoạt động tín dụng tiêu dùng của công ty tài chính. Theo đó, để được thực hiện cho vay tiêu dùng theo quy định, các ngân hàng phải thành lập công ty tài chính.

Hiện nay, các ngân hàng thương mại và công ty tài chính đều cho vay tiêu dùng cho những tài sản như nhà, ô tô, tiện nghi gia đình,... Tuy nhiên, thông thường các ngân hàng cho vay với các đối tượng có các tiêu chuẩn để được cho vay tín chấp. Còn các công ty tài chính cho vay đại trà hơn, với các đối tượng chưa đáp ứng đủ tiêu chuẩn. Chính vì vậy, lãi suất cho vay của các công ty tài chính thường cao hơn do rủi ro cao, còn với ngân hàng, mức độ rủi ro thấp hơn nên lãi suất cũng thấp hơn.

Theo đánh giá của một chuyên gia tài chính ngân hàng, hiện nay do đầu ra đang khó khăn nên các ngân hàng cũng phải đẩy mạnh tín dụng tiêu dùng, lấn sân sang lĩnh vực của các công ty tài chính. Vì vậy, mục đích của quy định mà NHNN dự kiến áp dụng là buộc các ngân hàng trở lại quản lý rủi ro chặt chẽ hơn theo tiêu chuẩn, còn các lĩnh vực rủi ro cao hơn thì để cho các công ty tài chính thực hiện.

Theo đó, để cho vay tiêu dùng thì các ngân hàng phải thành lập công ty tài chính với một số vốn điều lệ nhất định. Khi đó, nếu công ty tài chính này kinh doanh thua lỗ, không thu hồi được vốn thì chỉ ảnh hưởng đến công ty tài chính, mà không ảnh hưởng đến ngân hàng. Ngược lại, nếu ngân hàng cũng cho vay mở rộng như công ty tài chính, đến khi xảy ra thua lỗ, thất thoát sẽ ảnh hưởng cả ngân hàng đó. Đây là một biện pháp tích cực cần ghi nhận.

Tuy nhiên, quy định này không phải là thông lệ quốc tế. Thông thường ở các nước, ngân hàng có thể cho vay tiêu dùng với mọi đối tượng, lĩnh vực, miễn là nằm trong quy định của luật pháp. Ít có nước nào khoanh vùng đối tượng cho vay chia ra đối tượng nào, món vay nào thì do công ty tài chính làm, hoặc do ngân hàng làm.

Quy định không đầy đủ, rủi ro có thể cao hơn

Để quản lý rủi ro, các nước thường có những quy định, tiêu chí chặt chẽ về cho vay tại các ngân hàng thương mại, tại các công ty tài chính. Khi có quy định, các định chế tài chính sẽ phải tuân thủ quy tắc và sau đó họ tự do lựa chọn đối tượng, lĩnh vực cho vay. Đối với nền kinh tế thị trường, cách quản lý tốt nhất là giảm mệnh lệnh hành chính, quản lý bằng chỉ tiêu, quy định rõ ràng và sau đó để các thành phần kinh tế tự do sắp xếp.

Một quan điểm nữa chuyên gia tài chính ngân hàng nói trên lưu ý là về quản lý rủi ro. Mặc dù mục tiêu của NHNN là muốn giảm rủi ro khi các ngân hàng cho vay tiêu dùng, nhưng nếu không quy định đầy đủ, rủi ro thậm chí có thể cao hơn. Lý do là bởi hiện nay các công ty tài chính chưa được quản lý bằng các quy định chặt chẽ như các ngân hàng. Các công ty này thường có khuynh hướng là mạnh tay cho vay tiêu dùng, với lãi suất rất cao và tiêu chí thấp. Để giảm rủi ro, cần có các quy định chặt chẽ hơn với các công ty tài chính.

Tuy nhiên, công ty tài chính cũng khó có thể áp dụng những quy định như ngân hàng, nếu không sẽ khó đáp ứng nhu cầu vay vốn của một bộ phận người dân. Trong xã hội có những nhóm người tiêu dùng có thể dễ dàng đáp ứng các tiêu chí để được vay, nhưng cũng có những nhóm khó đáp ứng được các tiêu chí này, dù họ vẫn có khả năng chi trả. Nếu áp dụng các quy định cứng nhắc thì họ sẽ không thể vay được tiền. Vì vậy, cần thiết có các quy định được thiết kế riêng cho công ty tài chính để vừa đảm bảo quản lý rủi ro, đặc biệt khi do ngân hàng quản lý, đồng thời vẫn đáp ứng được nhu cầu hoạt động cho vay tiêu dùng đối với nhóm khách hàng phi chuẩn.

Hiện tại, dự thảo thông tư cũng đưa ra các quy định về trách nhiệm của công ty tài chính, của khách hàng, quy định về lãi suất, thời hạn vay, lãi suất quá hạn,... tuy nhiên, một số quy định còn chưa cụ thể, chưa rõ tiêu chí xác định,... Nên chăng, NHNN cần tổ chức những cuộc lấy ý kiến của các bên liên quan là ngân hàng thương mại, công ty tài chính, đại diện người tiêu dùng,... để có những quy định phù hợp nhất cho lĩnh vực vốn đang còn rất nhiều tiềm năng phát triển này.

Theo TBTC

 

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục