Ngân hàng Nhà nước yêu cầu chấn chỉnh toàn bộ hoạt động cho vay của FE Credit

Ngày 29/6, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành các văn bản yêu cầu rà soát, chấn chỉnh ngay hoạt động cấp tín dụng, thu hồi nợ tại: VPBank, FE Credit, HD SAISON, Shinhan Finance... sau vụ việc lùm xùm đòi nợ của FE Credit gây bức xúc gần đây.

Ngân hàng Nhà nước yêu cầu chấn chỉnh toàn bộ hoạt động cho vay của FE Credit - Ảnh 1
Ngân hàng Nhà nước yêu cầu khẩn trương rà soát, chấn chỉnh toàn bộ hoạt động cho vay, thu hồi nợ của FE Credit.

 

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước ban hành công văn số 4660/NHNN- TTGSNH và 4661/NHNN- TTGSNH yêu cầu làm rõ việc tuân thủ quy định của pháp luật và có đủ thông tin cung cấp cho tổ chức, cá nhân liên quan đến vụ việc đòi nợ của Công ty tài chính TNHH một thành viên Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (FE Credit) đối với khách hàng vay gây bức xúc cho dư luận.

Sự việc mới nhất liên quan đến ông Lê Thành Tâm (quận Gò Vấp, TP. HCM), là khách hàng vay nợ của FE Credit. Ông Tâm đã nhảy sông tự tử sau khi bị một nhóm côn đồ đến đòi nợ.

Trong vài năm qua, FE Credit nổi lên trên thị trường cho vay tiêu dùng với sự tăng trưởng "nóng", mở rộng chiếm lĩnh thị phần lớn, được ví như "con gà đẻ trứng vàng" khi đóng góp đáng kể vào tăng trưởng tín dụng và lợi nhuận cho ngân hàng VPBank trong giai đoạn 2016-2019. Tuy nhiên, FE Credit cũng là công ty tài chính nhận được nhiều khiếu nại, tai tiếng xấu về cho vay, thu hồi nợ. Đã có hơn 100 vụ việc khiếu nại liên quan đến FE Credit, trong đó tập trung chủ yếu vào các giao dịch vay tiền để mua bộ mỹ phẩm và hành vi thực hiện công việc thu hồi nợ gây bức xúc, hoảng sợ cho khách hàng...

Cụ thể, rà soát toàn bộ các quy định nội bộ của FE Credit về cấp tín dụng, đôn đốc thu hồi nợ, các thỏa thuận với các đối tác về thu nợ, bán nợ để bảo đảm tuân thủ đầy đủ các quy định tại Thông tư 43/2016/TT-NHNN (đã được sửa đổi, bổ sung) và các quy định của pháp luật có liên quan. Đồng thời, FE Credit phải chấn chỉnh toàn bộ hoạt động cấp tín dụng, bao gồm việc xét duyệt, cấp tín dụng; theo dõi, đôn đốc, thu hồi nợ; thỏa thuận và việc thực hiện thỏa thuận của FE Credit với các đối tác thu hồi nợ.

Tất cả hoạt động trên phải bảo đảm tuân thủ các quy định của pháp luật, trường hợp phát hiện vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định pháp luật và quy định nội bộ của FE Credit.

Ngân hàng Nhà nước yêu cầu chấn chỉnh toàn bộ hoạt động cho vay của FE Credit - Ảnh 2
FE Credit là công ty tài chính nhận được nhiều khiếu nại, tai tiếng xấu về cho vay, thu hồi nợ.


Ngoài FE Credit, Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu VPBank, FE Credit và hai công ty tài chính HD SAISON, Shinhan Finance phải khẩn trương rà soát toàn bộ các quy định nội bộ và việc thực hiện các quy định nội bộ của Công ty về cấp tín dụng, đôn đốc thu hồi nợ; các thỏa thuận với các đối tác về thu nợ nợ, bán nợ để bảo đảm tuân thủ đầy đủ các quy định tại Thông tư 43/2016/TT-Ngân hàng Nhà nước (đã được sửa đổi, bổ sung) và các quy định của pháp luật có liên quan, xử lý nghiêm trường hợp vi phạm...

Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng và các Công ty tài chính trên báo cáo kết quả thực hiện gửi Ngân hàng Nhà nước(qua Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng) và Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hồ Chí Minh chậm nhất ngày 15/07/2020.

Khách hàng tự tử sau khi vay tiền FE Credit

Mới đây, thông tin về một người đàn ông có tên Lê Thành Tâm (trú phường 14, quận Gò Vấp, TP HCM) đã tự tử sau khi vay tiền của FE Credit được lan truyền, gây bức xúc dư luận. Một luồng thông tin khác hé lộ ông Tâm vào ngày 19/6 đã bị một nhóm đối tượng côn đồ công khai đến nhà đòi nợ đe dọa, chửi bới, hành hung, thậm chí đưa vợ chồng ông Tâm về trụ sở Công ty để tiếp tục uy hiếp trong nhiều giờ. Đến ngày 21/6, người dân phát hiện ông Tâm đã nhảy xuống sông, tử vong.

Ngay sau đó, Công ty tài chính FE Credit đã phát đi thông báo liên quan đến sự việc khách hàng vay tiền của FE Credit là ông Lê Thành Tâm (quận Gò Vấp, TP.HCM) nhảy sông tự tử. FE Credit cho biết qua kiểm tra trên hệ thống, ông Lê Thành Tâm hiện đang có 2 khoản nợ quá hạn với tổng dư nợ là 51 triệu đồng tại FE Credit (số ngày quá hạn của 2 hợp đồng lần lượt là 257 ngày và 347 ngày).

Ngoài ra, theo kết quả tra cứu thông tin tín dụng của khách hàng tại Trung tâm Thông tin Tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC), ông Tâm còn có nợ xấu tại 3 công ty tài chính khác với tổng dư nợ hơn 83 triệu đồng.

Theo quy định của FE Credit, các khoản nợ xấu (trên 180 ngày) sẽ được chuyển cho các đối tác thực hiện việc thu hồi nợ theo thỏa thuận với khách hàng tại hợp đồng tín dụng, tuân thủ theo quy định tại “Luật bảo vệ người tiêu dùng”.

Do vậy, FE Credit khẳng định không có việc nhân viên của công ty đến nhà khách hàng Tâm để thu hồi nợ như thông tin lan truyền.

Phó Thủ tướng yêu cầu khẩn trương xác minh làm rõ

Liên quan đến vụ việc này, mới đây, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình đã yêu cầu UBND TP.HCM chỉ đạo lực lượng chức năng kiểm tra, xác minh làm rõ thông tin "Trả nợ cho FE Credit bằng cách tìm cái chết" và "Đòi nợ kiểu bất lương, có dấu hiệu bắt cóc con nợ" theo phản ánh của báo chí.

Phó Thủ tướng yêu cầu, sau khi xác minh, nếu đúng như nội dung bài báo phản ánh thì phải xử lý nghiêm minh các tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định pháp luật; báo cáo kết quả lên Thủ tướng trước ngày 10/7.

 

 

 

Theo Kinhtemoitruong

 

 

 

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục