Ngân hàng “khốn khổ” vì thừa vốn mà không thể cho vay

Các ngân hàng hiện nay đang phải chạy vạy tìm kiếm các doanh nghiệp tốt để cho vay cải thiện tình trạng thừa vốn quá nhiều mà không thể cho vay.

 “Săn” doanh nghiệp tốt

Ông Văn Đức Mười, Tổng giám đốc VISSAN nhận định: Nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ ở nước ta tiếp cận vay vốn rất thiếu chuyên nghiệp. Họ cứ muốn ngân hàng cho vay nhưng không có tài sản đảm bảo và lại không muốn ngân hàng giám sát việc sử dụng đồng vốn đó như thế nào.

Do đó, xét về nguyên tắc bảo vệ tín dụng thì ngân hàng không thể cho vay. Chính vì không đủ điều kiện theo quy định, không vay được vốn nên nhiều doanh nghiệp quay ra phàn nàn ngân hàng gây khó khăn. Nhưng đến thời điểm này phải khẳng định, ngân hàng cần doanh nghiệp hơn là doanh nghiệp cần ngân hàng, chỉ có điều ngân hàng không tìm ra được doanh nghiệp tốt để cho vay.

Từ đầu năm 2014 đến nay tăng trưởng tín dụng ở khách hàng doanh nghiệp của Ngân hàng ACB chỉ được 2%, so với tăng trưởng tín dụng chung của ngân hàng này là 7%. Điều này cho thấy, khả năng tăng trưởng tín dụng ở khu vực doanh nghiệp rất khó khăn mặc dù ngân hàng đã đưa ra nhiều gói tín dụng kích thích doanh nghiệp vay vốn với lãi suất ưu đãi nhưng vẫn không thu hút được khách hàng.

Tại Viet Capital Bank, số vốn hạn mức cho doanh nghiệp vay với lãi suất ưu đãi là hơn 11.000 tỷ đồng nhưng đến nay số tiền doanh nghiệp không dùng là 2.450 tỷ đồng, chiếm khoảng 20%. Tổng giám đốc Viet Capital Bank Đỗ Duy Hưng lý giải: “Ngân hàng rất muốn cho doanh nghiệp vay nhưng các doanh nghiệp tốt ngân hàng lùng sục hết rồi, họ không còn nhu cầu vay thêm vốn, còn nhiều doanh nghiệp khác thì chưa đáp ứng được theo quy định”.

Tình hình cũng tương tự với EximBank. Ngân hàng này cam kết cho các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường ở TP HCM là 300 tỷ đồng, nhưng đến nay mới giải ngân được 114 tỷ đồng; chương trình kết nối ngân hàng và doanh nghiệp với cam kết cho vay là 3.781 tỷ đồng nhưng 8 tháng đầu năm dư nợ chỉ đạt 1.841 tỷ đồng.

“Thậm chí có những hạn mức lên đến hơn 20.000 tỷ đồng nhưng các doanh nghiệp không sử dụng hết, mặc dù EximBank cũng rất đeo bám, tiếp cận khách hàng liên tục để biết khi nào doanh nghiệp cần sẽ giải ngân ngay, nhưng đến nay vẫn còn một lượng rất lớn hạn mức tín dụng ngân hàng cấp nhưng doanh nghiệp chưa dùng đến”, ông Nguyễn Quang Triết, Phó tổng giám đốc EximBank nói.

TS. Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế nhận định: Để gỡ vướng mắc này, không chỉ ngành ngân hàng nỗ lực là đủ mà còn phải ở cả phía doanh nghiệp. Các doanh nghiệp đang gặp khó khăn phải làm sao có kế hoạch phục hồi tốt, đáp ứng yêu cầu vay vốn thì ngân hàng mới có thể cho vay.

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM, các doanh nghiệp gặp khó khăn thì tài sản thế chấp để vay vốn lại rất hạn chế, do đó các doanh nghiệp khá thờ ơ với việc vay vốn bởi họ biết không đủ điều kiện vay.

Ngoài ra, theo các doanh nghiệp ngân hàng nên tăng cường cho doanh nghiệp vay trung, dài hạn chứ không chỉ những khoản ngắn hạn vì chỉ với những khoản vay trung, dài hạn doanh nghiệp mới có đủ thời gian để tái cơ cấu, tổ chức lại hoạt động sản xuất.

Tuy nhiên, các ngân hàng lại bị chốt chặn là chỉ được sử dụng 30% vốn huy động ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn nhằm đảm bảo an toàn. Do đó, các ngân hàng chỉ có thể cho vay trung, dài hạn tối đa khoảng 45% tổng vốn huy động.

Dè dặt vì sợ nợ xấu

Ông Nguyễn Tiến Vĩnh, Phó giám đốc VietinBank Chi nhánh TP HCM phân trần: Mặc dù trong các hợp đồng thế chấp, các tổ chức tín dụng luôn có điều khoản quy định rõ ràng, trường hợp khách hàng không trả được nợ thì ngân hàng được quyền xử lý tài sản thế chấp để thu hồi nợ. Tuy nhiên, hầu như không bao giờ ngân hàng làm được chuyện này nếu khách hàng không đồng ý mà phải thông qua con đường khởi kiện ra tòa, thi hành án. Thủ tục khởi kiện ra tòa, trải qua một quá trình tố tụng, xét xử rất nhiêu khê, sau đó qua giai đoạn thi hành án lại càng khó khăn hơn gấp nhiều lần. Có những vụ cách đây hơn chục năm nhưng ngân hàng vẫn không thu hồi được nợ mặc dù có điều kiện thi hành án (có tài sản).

Công tác xử lý nợ chậm là nguy cơ đe dọa khả năng tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng, bởi gây ra tâm lý ức chế trong việc cho vay khách hàng mới, khiến cán bộ ngân hàng dè dặt hơn, kém tự tin trong việc thẩm định cho vay đối với những doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh.

“Tại ACB những cán bộ ngân hàng vướng nợ xấu trên 3% phải ngưng cho vay để tập trung xử lý nợ. Khi nào nợ xấu xuống dưới mức này thì mới được phục hồi lại chức danh và tiếp tục cho vay”, ông Đỗ Minh Toàn, Tổng giám đốc Ngân hàng ACB cho hay.

“Doanh nghiệp lúc nào cũng muốn ngân hàng đưa tiền ra một cách đơn giản, nhưng nếu đơn giản thì nợ xấu tăng lên, thu hồi lại không được. Chuyện này gây ra tâm lý e ngại cho cán bộ tín dụng lẫn phê duyệt tín dụng ở các ngân hàng bởi nếu có rủi ro thì khó thu hồi nợ là một chuyện, đôi khi còn liên quan đến vấn đề hình sự rất nghiêm trọng”, bà Trương Thị Thúy Nga, Phó tổng giám đốc kiêm Giám đốc Chi nhánh VietcomBank TP HCM phân trần.

Theo TS Trần Du Lịch, cần có một nghị quyết Quốc hội để xử lý vấn đề này, nếu không sẽ khó tháo gỡ các vướng mắc cho các ngân hàng. Ngân hàng muốn bán một tài sản thể chấp phải trải qua quá trình cực kỳ phức tạp, đặc biệt khi con nợ không hợp tác. Tình trạng này dẫn đến ách tắc trong thanh khoản về tài sản đảm bảo và khi không bán được tài sản thì thị trường mua bán nợ không thể hình thành.

Khó khăn lớn nhất, ảnh hưởng đến tín dụng là vấn đề xử lý nợ quá phức tạp. Những khó khăn này, không phải mới đây các ngân hàng mới đưa ra mà việc này đã nói đến rất nhiều từ những năm 2000 nhưng đến nay vẫn chưa được tháo gỡ gì nhiều. Thiết nghĩ cần quyết liệt trong tháo gỡ khó khăn này để các ngân hàng xử lý rốt ráo nợ xấu, từ đó mạnh dạn đưa vốn vào nền kinh tế.

Theo Petrotimes

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục