Những bước sóng mới
Ngay sau quyết định điều chỉnh của NHNN, tỷ giá niêm yết của các ngân hàng lập tức nhảy vọt 80 VND/USD, và xác lập kỉ lục giao dịch mới. Tuy nhiên, cũng như kịch bản lần điều chỉnh trước đã diễn ra đầu năm, tỷ giá đã hạ nhiệt thực sự được một thời gian (lần này là tính theo ngày)... chứng tỏ sự can thiệp của NHNN vẫn là liều thuốc hiệu nghiệm trấn an tâm lí thị trường. Tuy nhiên, nếu theo “đơn” mà nhà quản lí đã kê thì liều thuốc điều chỉnh đến thời điểm này đã hết biên độ sử dụng. Thuốc sẽ phải kê thế nào nếu xuất hiện thêm đợt tăng nhiệt tỷ giá từ nay đến cuối năm ?
Sau mấy ngày hạ nhiệt mang tính “hưởng ứng”, tỷ giá trên thị trường vẫn chưa đứng yên ở một mặt bằng mà NHNN mong muốn. Cặp ngoại tệ VND/USD tiếp tục nâng bước giá mới. Trong vòng chưa tới hai tuần, tỷ giá đã tăng từ từ, mỗi ngày 10 - 20 đồng, và vượt qua mức kỉ lục đã xác lập khi NHNN vừa điều chỉnh, hình thành ngưỡng dao động từ 21.760 – 21.775 VND/USD.
Tại thời điểm hiện nay, tỷ giá đã chững lại nhưng trên mức xác lập mặt bằng sau đà tăng những 20-25 VND/ USD, bám sát đúng giá mua bán USD mà Sở giao dịch của NHNN vừa thực thi niêm yết mới.
Trước đó một tuần, dù NHNN đã điều chỉnh tỷ giá lên 1% nhưng Sở giao dịch của NHNN vẫn chưa thay đổi mức giá tham khảo. Có lẽ cơ quan quản lí cũng muốn thông qua động thái “đứng im” của sở, để “kiểm tra” tác động điều chỉnh của thị trường, dựa trên cơ sở thị trường tự quyết định cung - cầu và phản ứng tâm lí. Tuy nhiên, với những bước giá từ từ đi lên chưa chạm trần, chưa chấp nhận dừng, thì giải pháp mới, đồng bộ, tăng thêm hiệu lực của “thuốc” điều chỉnh chính là thay đổi mức giá tham khảo mua bán tại Sở giao dịch của NHNN. Biểu tỷ giá niêm yết tại các NHTM đến đây mới chịu “vào khung”, cho dù tỷ giá còn xa mới chạm trần 21.890 VND/USD, nhưng các ngân hàng nói chung cũng khó tự ý nâng giá theo kiểu “một mình một chợ”.
Cam kết “cứng” hay “mềm”?
Đầu 2015, NHNN đã cam kết chỉ điều chỉnh tỷ giá trong biên độ 2%. Biên độ nay đã tiêu hết, cam kết đã không còn cơ sở mở rộng nếu xem đó là cam kết “cứng”. Nhưng thực tế diễn biến thị trường ngoại hối, tỷ giá và các vấn đề tiền tệ bản chất luôn là những biến số - không đứng yên. Do đo, những biến động và sai số so với dự báo tất nhiên không thể loại trừ 100%. Vì lẽ đó, thực tế NHNN khó có một cam kết “cứng”.
Hiện tại, liên quan đến dự báo biến động tỷ giá từ nay đến cuối năm, có thể nêu 2 “trường phái” khá đối lập: Một bên dự báo tỷ giá sẽ trong vòng kiểm soát - là NH HSBC Việt Nam, và một bên dự báo tỷ giá sẽ biến động mạnh tới 4-5% trong cả năm 2015 - với đại diện CTCK HSC.
Theo đó, HSBC Việt Nam, cho rằng: “Chúng ta không chứng kiến cặp tỷ giá VND/USD có sự thay đổi cao quá mức nào đó trong một vài tháng tới”. Nhìn nhận rõ hơn dự báo này, rõ ràng HSBC cũng không đưa ra một dự báo “cứng”. Có vẻ như định chế này nghiêng về sự thay đổi, có thể xảy ra, nhưng ở một biến số nhỏ, không thay đổi cao quá mức, đối với tỷ giá thời gian tới.
Còn HSC quyết định giữ nguyên ước tính tỷ giá sẽ tăng 4-5% trong năm 2015, tức tăng thêm 2-3% trừ hạn mức biên độ điều chỉnh đã dùng hết, là có cơ sở riêng dựa trên trên dự báo thâm hụt thương mại lẫn áp lực thanh toán/ cầu ngoại tệ cuối năm của chính HSC. “Chúng tôi nâng dự báo thâm hụt thương mại năm nay lên 5-6 tỷ USD. Cho dù vậy, trước mắt chúng tôi giữ nguyên dự báo tỷ giá sẽ được điều chỉnh 3-4% trong năm 2015 (gấp đôi năm ngoái)”, báo cáo của Chứng khoán TP HCM đánh giá.
Gánh lo và ẩn số
Áp lực thâm hụt thương mại tương lai đang là một ẩn số trong bức tranh thương mại của nền kinh tế. Ngoài ra, nếu xét các yếu tố khác có thể tác động đến tâm lí – chi phối biến động tỷ giá trên thị trường VN, còn có giá trị đồng USD trên thị trường quốc tế, giá dầu và giá vàng.
Tính đến 18/5/2015, đồng USD đang đảo chiều, giảm sâu, xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm sau khi dữ liệu kinh tế Mỹ công bố tiếp tục yếu kém được đưa ra. Sự suy giảm này lại là tác động tích cực đối với tâm lí thị trường, giải tỏa áp lực về tỷ giá. DN, NH đều sẽ dần cởi bỏ được nhu cầu “găm” ngoại tệ để “phòng”. Đây sẽ là sự giải tỏa sức ép có ý nghĩa đối với NHNN.
USD chốt thấp sẽ khiến Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) khó có động lực nâng lãi suất. Vàng, dầu, theo đó sẽ có cơ hội tăng giá như một kênh đầu tư và trú ẩn mới. Dầu tăng cũng là cơ sở giúp VN giảm áp lực thâm hụt thương mại, giảm áp lực khát ngoại tệ khi xuất khẩu dầu thô là một nguồn lớn đóng góp tỷ trọng cao trong cơ cấu cấu kim ngạch xuất khẩu của nước ta mỗi năm.
Báo cáo nhanh của Vụ Chính sách Tiền tệ cho biết các TCTD đang dư thừa tiền VND trên thị trường liên ngân hàng và các TCTD đã nỗ lực mua ròng ngoại tệ trong thời gia qua. Việc TCTD dư tiền, cũng như điều chỉnh hy vọng sẽ góp phần làm các TCTD giảm chi phí nắm giữ USD. Nếu tình trạng này ổn định suốt trong những tháng còn lại của năm, NHNN cũng sẽ hội đủ các yếu tố để không cần phải bận tâm nhiều đến chuyện “cố định” một cam kết.
Nhận định xa, TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng tới năm 2016, NHNN cần linh hoạt trong điều hành tỷ giá để có lợi cho nền kinh tế và DN.
Mặt khác, sự chủ động linh hoạt thích ứng với mọi biến động của các thành phần kinh tế, bao gồm DN và cả các DN “buôn tiền” là NH cũng vô cùng cần thiết để ứng phó với một xu hướng kinh doanh mở và hội nhập sâu trên toàn cầu; với đặc thù khởi đi từ một kinh tế vẫn đang có đồng nội tệ “neo” vào những ngoại tệ mạnh.
Cần nhớ thêm rằng không chỉ động nội tệ VN, mà bất kì một thay đổi nào từ quốc gia có 14,7 nghìn tỷ USD tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội mỗi năm và suốt 9 năm chưa hề thay đổi lãi suất, đều sẽ tác động đến biến động của đồng tiền nhiều quốc gia khác. Cho dù nước Mỹ ngày nay đã phải chia sẻ sức mạnh với nhiều nền kinh tế, đồng USD cũng đang đối mặt với nguy cơ bị “qua mặt” của đồng NDT của Trung Quốc, nhưng một câu nói mà các nhà kinh tế học hay nói, đến giờ vẫn có giá trị chưa thể thay đổi: “Khi nước Mỹ hắt hơi, cả thế giới sẽ cảm lạnh”!
Tỷ giá có thể biến động thêm khoảng 0,5-1%
Theo đánh giá của chuyên gia Tài chính Nguyễn Lê Ngọc Hoàn, một yếu tố chi phối điều hành tỷ giá của NHNN khá lớn là cán cân thương mại. Quý I năm 2015, chúng ta ước thống kê thâm hụt thương mại ở mức 1,5 tỷ USD bằng 42% kim ngạch xuất khẩu. Cũng trong quí I năm 2015, Việt Nam nhập siêu khoảng 1,8 tỷ USD, bằng 5,1% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong đó, khu vực FDI xuất siêu nếu kể cả dầu thô thì đạt gần 2 tỷ USD, khu vực DN trong nước nhập siêu 3,8 tỷ USD. Có thể thấy thâm hụt thương mại tuy ở mức cao nhưng lại thấp hơn mức dự kiến. Và thâm hụt này cũng diễn ra với nguyên do chính là nhu cầu nhập khẩu các mặt hàng để gia công xuất khẩu - chứng tỏ sự phát triển mạnh mẽ trong hoạt động sản xuất công nghiệp để đáp ứng đơn hàng xuất khẩu sau kỳ nghỉ Tết, và hứa hẹn cầu tiêu dùng đang tăng lên cũng như kim ngạch xuất khẩu cuối năm sẽ gia tăng mạnh. Với nguồn vốn FDI tiếp tục giải ngân tốt vào VN, cộng thêm lượng kiều hối, dự kiến bao gồm cả ngoại tệ từ nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài, sẽ đổ vào VN mạnh mẽ khi Luật kinh doanh bất động sản với việc cho phép người nước ngoài, Việt kiểu sở hữu nhà ở từ tháng 7/2015, nguy cơ mất cân bằng cán cân thương mại khó có thể xảy ra.
Tôi cho rằng nếu có lực tác động từ biến động thế giới như giá dầu, đồng USD đột ngột lấy lại “phong độ”, cầu USD trong nước tăng cao do nhu cầu nhập khẩu hoặc du lịch, du học… ngoài mức kiểm soát, với nguồn dự trữ ngoại hối dồi dào của mình, NHNN vẫn hoàn toàn có khả năng kiểm soát tỷ giá và thực thi một “cam kết” mềm hơn là điều chỉnh tỷ giá linh hoạt ở biến số nhỏ nhất khoảng 0,5-1%. Đó là mức chấp nhận được và cũng không gây sốc với DN.
|
Theo DDDN