Ngân hàng đua nhau giảm lãi suất cho vay: Vietcombank nguy cơ giảm lợi nhuận tới 400 tỷ đồng

Nhiều ngân hàng đua nhau điều chỉnh giảm lãi suất cho vay cho nhiều đối tượng doanh nghiệp...

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn, hàng loạt tổ chức tín dụng đã đồng loạt giảm lãi suất cho vay ngay từ đầu tháng 8.

Các lĩnh vực được hưởng lãi suất mới là: Phát triển nông nghiệp, nông thôn, kinh doanh hàng xuất khẩu, kinh doanh của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và cho vay doanh nghiệp khởi nghiệp.

Chính sách ưu đãi lãi suất nêu trên được áp dụng từ ngày 01/08/2019 đến hết ngày 31/12/2019.

Theo đó, 4 "ông lớn" ngân hàng đều lần lượt thông báo giảm lãi suất từ ngày 1/8. Cụ thể, Ngân hàng TMCP ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay ngắn hạn đối với 5 lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và khởi nghiệp. Mức giảm lãi suất này được áp dụng cho cả khách hàng đang có khoản vay và khách hàng vay mới tại Vietcombank.

BIDV cũng công bố giảm lãi suất cho vay còn 5,5%/năm đối với đối tượng ưu tiên là kinh doanh hàng xuất khẩu; phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ; phục vụ kinh doanh doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Riêng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, BIDV triển khai gói tín dụng quy mô 60.000 tỉ đồng với lãi suất ưu đãi thấp hơn 0,5%/năm so với lãi suất cho vay thông thường. Doanh nghiệp siêu nhỏ, start-up cũng được ngân hàng này tung ra gói tín dụng khoảng 10.000 tỉ đồng với lãi suất ưu đãi tối đa 6%/năm. Thời gian áp dụng cũng từ ngày 1-8 đến hết năm nay.

Tương tự, ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) giảm 0,5%/năm sàn lãi suất cho vay ngắn hạn cho các nhu cầu vốn có phương án sản xuất kinh doanh khả thi, đáp ứng các điều kiện tín dụng theo đúng quy định, phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ và phục vụ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Hưởng ứng chương trình ưu đãi, Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn - Agribank giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay ngắn hạn VND đối với 5 lĩnh vực ưu tiên so với mặt bằng hiện tại.

Ngân hàng đua nhau giảm lãi suất cho vay: Vietcombank nguy cơ giảm lợi nhuận tới 400 tỷ đồng - Ảnh 1
Các ngân hàng đồng loạt hạ lãi suất cho vay vào ngày mai 1-8 đến hết ngày 31-12 năm nay.

Nhóm ngân hàng TMCP cũng thực hiện nhiều chương trình ưu đãi cho vay với lãi suất thấp.

Cụ thể, ACB công bố gói vay 3.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi từ 7,5%/năm kể từ ngày 01/8/2019, gồm chương trình ưu đãi SME 2019 và chương trình tín dụng kết nối Ngân hàng – Doanh Nghiệp dành cho khách hàng doanh nghiệp.

Techcombank cũng áp dụng ưu đãi lãi suất cho vay ngắn hạn VND cho doanh nghiệp vừa và nhỏ với mức lãi suất giảm khoảng 0,5% so với mức hiện tại đối với những khách hàng nằm trong các chương trình kinh doanh trọng tâm của Techcombank và đưa mức lãi suất cho vay mới về khoảng 7,5%/năm,...

Ngân hàng TMCP Quân đội - MB cũng triển khai 2 gói cho vay ngắn hạn VND ưu đãi, gồm: Gói 3.000 tỷ đồng với lãi suất tối đa 6,5%/năm đối với 5 lĩnh vực ưu tiên; Gói 4.000 tỷ đồng với lãi suất tối đa 7-7,5%/năm đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Theo một số chuyên gia, động thái hạ lãi suất lần này của riêng Vietcombank ước tính có thể giảm lợi nhuận tới 400 tỷ đồng. Tuy nhiên, các ngân hàng có thể bù đắp khoản này nhờ nguồn thu ngoài tín dụng.

Việc hạ lãi suất cho vay sẽ khiến nguồn lợi nhuận tín dụng tại nhiều ngân hàng bị giảm. Chính vì vậy, các ngân hàng nên đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ mới, đồng thời có sự tiết giảm chi phí kinh doanh thì khả năng sẽ đảm bảo được mục tiêu lợi nhuận đã đề ra trong năm 2019.

Ngoài ra, các ngân hàng có thể giảm lãi suất là nhờ các thương vụ mua bán vốn thành công từ các đối tác ngoại.

Ông Nguyễn Đức Hùng Linh - Giám đốc phân tích và tư vấn đầu tư khách hàng cá nhân của SSI cho biết, nguồn cung tiền VND ra khá dồi dào nhờ vào các trường hợp bán vốn cho nhà đầu tư nước ngoài. Vì vậy, ngân hàng nhà nước mua ngoại tệ và bơm ra lượng tiền Việt khá lớn.

Dữ liệu thống kê của Công ty CP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) vừa công bố cho biết, tuần qua, Ngân hàng Nhà nước thực hiện hút ròng 24.000 tỷ đồng qua kênh tín phiếu.

Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước đã phát hành mới 53.998 tỷ đồng (kỳ hạn 7 ngày với mức lãi suất 2,75%/năm) trong khi có 29.998 tỷ đồng đáo hạn trong tuần. Nhận thấy hệ thống ngân hàng đang dư thừa thanh khoản.

Có thể điểm qua một vài thương vụ mua bán lớn trong năm 2019 như tháng 5/2019 Tập đoàn SK đăng ký mua 154,3 triệu cổ phiếu phát hành theo phương án chào bán riêng lẻ từ Vingroup và mua lại 51,4 triệu cổ phiếu thứ cấp từ VinCommerce, với giá trung bình là 113.000 đồng một cổ phiếu. Tổng giá trị giao dịch khoảng 23.300 tỷ đồng, tương ứng 1 tỷ Đô la Mỹ.

Tháng 7/2019, VPBank phát hành 300 triệu USD trái phiếu trên thị trường vốn quốc tế. Ngân hàng KEB Hana của Hàn Quốc đầu tư 882 triệu USD để mua 15% vốn của BIDV.

Trước đó, vào hồi đầu năm, 4 ngân hàng thương mại nhà nước (gồm Vietcombank, BIDV, Agribank và VietinBank) đã thực hiện giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay VND với doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực ưu tiên. Ở lần giảm lãi suất hồi đầu năm, giá trị được mở rộng đối với cả các khoản nợ đã có cùng với những khoản vay mới.

Hà Phương

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục