Ngày 16/3, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã công bố quyết định điều chỉnh trần lãi suất huy động cho các kỳ hạn dưới 6 tháng.
Cụ thể, từ ngày 17/3, lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng giảm từ 0,8%/năm xuống 0,5%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ 5,0%/năm xuống 4,75%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng tại Quỹ tín dụng nhân dân, Tổ chức tài chính vi mô giảm từ 5,5%/năm xuống 5,25%/năm.
Theo đó, nhiều ngân hàng đã thay biểu lãi suất huy động mới, trong đó chủ yếu điều chỉnh giảm lãi suất huy động dưới 6 tháng.
Cụ thể, ở khối ngân hàng nhà nước, Vietcombank điều chỉnh lãi suất kỳ hạn 7 ngày và 14 ngày đã về mức 0,5%/năm, kỳ hạn 1 tháng và 2 tháng vẫn duy trì ở mức thấp hơn trần là 4,3%/năm, kỳ hạn 3 tháng giảm từ 4,8%/năm xuống 4,7%/năm… Lãi suất huy động cao nhất tại Vietcombank vẫn ổn định ở mức 6,8%/năm dành cho kỳ hạn từ 12 tháng trở lên.
Tương tự tại BIDV, VietinBank và Agribank, lãi suất huy động kỳ hạn 3 đến dưới 6 tháng giảm nhẹ 0,05%/năm so với tuần đầu tháng 3, xuống còn 4,75%/năm, lãi suất kỳ hạn 1 tháng đến dưới 3 tháng ở mức 4,3%/năm.
Vietcombank đồng loạt giảm lãi suất.
Ở nhóm ngân hàng tư nhân có lãi suất huy động cao hơn so với nhóm ngân hàng có vốn nhà nước, cũng ghi nhận sự điều chỉnh lãi suất khá ‘mạnh tay’.
Cụ thể, Techcombank hạ lãi suất tại tất cả kỳ hạn. Lãi suất kỳ hạn 1-5 tháng giảm 40 điểm cơ bản về 3,95%. Kỳ hạn 6 tháng lãi suất giảm từ 6,4% về còn 5,6%. Đặc biệt, kỳ hạn 7-11 tháng giảm 60 điểm cơ bản về 5,1%. Lãi suất 12, 18 tháng cũng giảm từ 6,5% xuống 5,7%. Những kỳ hạn trên 15 tháng còn lại giảm từ 50 điểm cơ bản về mức 5,6%/năm.
Viet Capital Bank cũng đã điều chỉnh giảm đồng loạt lãi suất tất cả các kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng xuống còn 4,7%/năm thay vì mức 4,85-4,9%/năm trước đó. Hiện mức lãi suất cao nhất tại ngân hàng này là 8,5%/năm với kỳ hạn 13 tháng.
Sacombank cũng điều chỉnh lãi suất huy động từ 1 tháng đến dưới 6 tháng dao động từ 4,3% đến 4,7%, giảm mạnh so với mức 4,9 - 5%/năm áp dụng trước đó. Cụ thể, kỳ hạn 1 tháng lãi là 4,3%/năm, 2 tháng là 4,4%, 3 tháng là 4,5%, 4 tháng là 4,6% và 5 tháng là 4,7%/năm.
OCB điều chỉnh giảm 0,2% lãi suất huy động cho tất cả các kỳ hạn, hiện dao động từ 4,6%/năm đến 4,75%/năm đối với kỳ hạn dưới 6 tháng, riêng kỳ hạn từ 6 tháng trở lên lãi suất vẫn được áp dụng mức từ 7% trở lên.
Ngân hàng OCB cũng điều chỉnh giảm lãi suất.
Tương tự tại KienLongBank, lãi suất tại các kỳ hạn đều giảm 15-30 điểm cơ bản. Trong đó kỳ hạn 1-5 tháng giảm 25-30 điểm cơ bản dao động 4,55-4,75%. Kỳ hạn 6-11 tháng giảm 20 điểm cơ bản về 6,8%. Kỳ hạn trên 12 tháng giảm 10 điểm cơ bản về 7,5-7,9%/năm.
Hay tại LienVietPostBank, SeABank, VPBank, Baoviet Bank, ACB..., lãi suất huy động cao nhất dao động mức 4,7-4,8%/năm đối với kỳ hạn dưới 6 tháng...
Gói tín dụng 285.000 tỷ đồng có cứu cánh nổi doanh nghiệp?
Mới đây, gói tín dụng 285.000 nghìn tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp trong dịch Covid-19 được tung ra. Theo đó, sẽ có hơn 10 ngân hàng tham gia, mức lãi suất tùy thuộc vào tình hình cụ thể của khách hàng và đơn vị bị ảnh hưởng để căn cứ, không có mức cố định. Bình quân, các TCTD sẽ giảm 0,5-1% so với mặt bằng lãi suất trên thị trường.
Với gói tín dụng 285.000 tỷ đồng, dự kiến sẽ được áp dụng theo nhiều cách khác nhau như giảm lãi suất, cơ cấu lại thời gian trả nợ, giữa nguyên nhóm nợ,… để hỗ trợ doanh nghiệp ổn định hoạt động qua thời điểm khó khăn này.
Tuy nhiên, để tiếp cận được gói này không phải là điều đơn giản. Doanh nghiệp không những sẽ phải chứng minh được thiệt hại do Covid-19 mà còn phải chứng minh có dòng tiền tốt thì mới có cơ hội.
Hà Phương