Ngân hàng đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng để giảm nợ xấu

(Kinhdoanhnet) - Tỷ lệ nợ xấu đã bất ngờ tăng trở lại sau khi cho xu hướng sụt giảm rất rõ từ tháng 6/2014. Điều này đang tiếp tục gây sức ép mạnh mẽ tới kết quả kinh doanh của các ngân hàng. Do vậy để giảm thiểu nợ xấu, trong thời gian qua các ngân hàng đã và đang nỗ lực cho vay với lãi suất ưu đãi nhằm đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng.

Theo con số thống kê vừa được Ngân hàng Nhà nước công bố, tính đến hết tháng 1/2015, tỷ lệ nợ xấu tại các tổ chức tín dụng đã tăng khá mạnh trở lại từ mức 3,25% tháng liền trước lên mức 3,49%. Dữ liệu này được tổng hợp từ báo cáo của các tổ chức tín dụng, nên chỉ có giá trị tham khảo nhất định. Còn số liệu từ kênh giám sát từ xa của Cơ quan Thanh tra Ngân hàng Nhà nước từ đầu năm đến nay vẫn chưa được công bố.

Tuy nhiên theo như các chuyên gia kinh tế nhận định, con số nợ xấu thực tế sẽ còn cao hơn nhiều so với tỷ lệ 3,49% được các tổ chức tín dụng báo cáo. Bởi lẽ, Ngân hàng Nhà nước luôn nhìn nhận bản chất các khoản nợ được cơ cấu lại theo Quyết định 780 là nợ xấu, còn các ngân hàng thương mại thì lại không thống kê nợ xấu theo Quyết định này.

Có thể thấy rằng tỷ lệ nợ xấu đã bất ngờ tăng trở lại sau khi cho xu hướng sụt giảm rất rõ từ tháng 6/2014. Sau khi lên mức cao nhất 4,17% vào tháng 6/2014, nợ xấu của hệ thống liên tục giảm khá nhanh và xuống chỉ còn 3,25% vào tháng 12/2014.

Ngân hàng đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng để giảm nợ xấu
Ngân hàng đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng để giảm nợ xấu.

Tỷ lệ nợ xấu tăng cao đã và đang tiếp tục gây sức ép mạnh mẽ tới kết quả kinh doanh của các ngân hàng. Do vậy để giảm thiểu nợ xấu, trong thời gian qua các ngân hàng đã và đang nỗ lực cho vay với lãi suất ưu đãi chỉ từ 5% - 6%/năm nhằm đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng. Bởi khi tín dụng tăng, tỷ lệ nợ xấu sẽ giậm chân tại chỗ hoặc giảm xuống. Kết quả, chỉ trong vòng 4 tháng đầu năm 2015, tín dụng đã tăng trưởng 2,78%.

Bên cạnh đó, hiện các ngân hàng cũng đang dồn dập bán lại nợ xấu cho Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) nhằm hoàn thành được chỉ tiêu mà Ngân hàng Nhà nước đã ấn định. Cụ thể ngay từ đầu năm, Thống đốc đã “áp” chỉ tiêu cho các tổ chức tín dụng là đến ngày 30/6/2015, các tổ chức tín dụng phải xử lý được tối thiểu 60% chỉ tiêu kế hoạch xử lý nợ xấu năm 2015. Việc bán nợ xấu cho VAMC phải đạt không dưới 75% chỉ tiêu cả năm 2015. Và đến ngày 30/9/2015 các tổ chức tín dụng phải bán hết 100% “chỉ tiêu được giao”. Qua đây có thể thấy rằng cơ quan quản lý tỏ thái độ rất kiên quyết trong việc giảm thiểu đưa tỷ lệ nợ xấu năm 2015 về mức dưới 3% như Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã từng đặt ra hồi đầu năm.

Mặc dù chưa công bố con số nợ xấu được các ngân hàng bán cho VAMC từ đầu năm tới nay, nhưng với gần 200.000 tỷ đồng nợ xấu mà các ngân hàng đã bán trong năm 2014 và tiếp tục bán cho tổ chức này trong năm 2015 thì hệ thống ngân hàng sẽ phải dùng 40.000 tỷ đồng (20% số nợ đã bán) từ lợi nhuận để trích lập dự phòng rủi ro.

Ngọc Anh (TH theo NLĐ; Vneconomy)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục