Đến thời điểm hiện tại, hầu hết các ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính quý III/2014, tuy nhiên trong quý này nhuận của nhiều ngân hàng bị giảm sút khá mạnh, thậm chí bị lỗ nặng.
Cụ thể Ngân hàng TMCP Đông Á (DongABank) là đơn vị đầu tiên báo lỗ trong quý III này. Theo như báo cáo tài chính mà ngân hàng này đã công bố, trong quý này DongABank báo lỗ 66 tỷ đồng trước thuế và lỗ 76 tỷ đồng sau thuế. Lợi nhuận 9 tháng cũng chỉ đạt 220 tỷ đồng trước thuế và 149 tỷ đồng sau thuế, sụt giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2013.
DongABank là ngân hàng đầu tiên báo lỗ trong quý III/2014.
Nối gót DongABank, đến lượt Ngân hàng TMCP Bưu Điện Liên Việt - LienVietPostBank (LPB) công bố kết quả kinh doanh lỗ trong quý 3/2014.
Nếu như trong quý III năm ngoái ngân hàng này còn tự tin thông báo mức lợi nhuận lên tới 132 tỷ đồng thì, trong báo cáo năm nay, tổng lợi nhuận trước thuế của LienVietPostBank được ghi nhận dưới con số âm 20 tỷ đồng. Khoản lỗ trên đã kéo tổng lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm của LienVietPostBank chỉ còn có 331,6 tỷ đồng, bằng 77,45% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngoài ra một số ngân hàng khác cũng có kết quả kinh doanh quý III không mấy khả quan như Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), mặc dù không lỗ như 2 ngân hàng trên tuy nhiên trong quý III, lợi nhuận sau thuế của Eximbank cũng chỉ đạt 218,97 tỷ đồng, giảm 26,6% so với cùng kỳ.
Tại Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) có mức lãi sau thuế quý III là 43,4 tỷ đồng (giảm 16%) và lãi sau thuế 9 tháng là 166 tỷ đồng giảm 34%. Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), lợi nhuận sau thuế quý III đạt 264 tỷ đồng (giảm 34 %) và 9 tháng giảm là 837 tỷ đồng (giảm 25%)...
Nhìn nhận về hiện tượng này, TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho rằng việc một số ngân hàng báo lỗ kinh doanh từng quý đơn lẻ là vì họ quá tham và quản trị kém.
“Việc một số ngân hàng lỗ là vì họ tham quá. Không quản trị được mà cứ mở rộng quy mô ra, huy động thêm vốn. Trong khi đó, việc kiểm soát nguồn vốn vay của họ không tốt. Họ không kiểm soát được khách hàng dùng vốn vay đó để làm gì.” - ông Kiên đưa ra quan điểm.
Còn theo Ông Phan Văn Quý, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội (ông từng giữ chức phó chủ tịch HĐQT một ngân hàng), cho rằng việc có ngân hàng báo lỗ từng quý là do nợ xấu đến kỳ mà không được thanh toán thì phải trích lập dự phòng rủi ro. Mặc dù ngân hàng có lãi, độ chênh lệch cao, nhưng có hợp đồng đến hạn mà khách hàng không trả được thì phải trích lập dự phòng và tất nhiên ngân hàng sẽ phải lấy từ khoản chênh lệch để bù vào. Nếu dương thì ngân hàng vẫn có lãi, còn ngược lại âm thì ngân hàng sẽ lỗ.
Lâu nay ngân hàng cứ báo lãi để giữ chữ tín, nhưng bây giờ thanh tra Ngân hàng Nhà nước làm rất chặt cho nên ngân hàng phải hoạt động minh bạch.
Cũng theo ông Quý thời gian qua mặc dù các ngân hàng hoạt động yếu kém nhiều tuy nhiên hầu hết các ngân hàng này chọn hướng sáp nhập, hợp nhất với một ngân hàng khác, vẫn chưa hề có ngân hàng nào bị phá sản theo đúng nghĩa.
Ngân hàng cũng là doanh nghiệp, nếu làm ăn không tốt, những ông chủ nhà băng cứ dùng vốn huy động của dân rồi đem vào đầu tư lĩnh vực rủi ro, gây nợ xấu cho nền kinh tế thì cũng nên cho ngân hàng phá sản. Như vậy, vấn đề này sẽ minh bạch. Ngành ngân hàng phải dùng để phục vụ cho xã hội chứ không phải phục vụ cho một nhóm người nào đó thuộc ngân hàng.
Ngọc Anh (TH)