Ngân hàng có tiếp tục “lỗ” trong quý tới?

Kết thúc quý III/2014, DongABank báo lỗ 76 tỷ đồng, theo sau ngân hàng này lại tiếp tục đến LienVietpostBank báo lỗ 20 tỷ đồng trong quý III. Theo một số chuyên gia tài chính, việc có ngân hàng nào đó báo lỗ trong thời điểm này cũng không đáng ngạc nhiên.

Theo BCTC quý III của LienVietPostBank, nguyên nhân khiến ngân hàng này bị lỗ ở quý này là do thua lỗ ở hầu hết hoạt động kinh doanh. Cụ thể, hoạt động kinh doanh ngoại hối lỗ gần 8 tỷ đồng; mua bán chứng khoán đầu tư lỗ gần 37 tỷ đồng; hoạt động dịch vụ lỗ hơn 78 tỷ đồng, lũy kế 9 tháng lỗ 226 tỷ đồng; lỗ từ hoạt động khác là 48 tỷ đồng. Trong khi đó, chi phí hoạt động tăng mạnh, riêng trong quý III tăng 34,6%, lên 338 tỷ đồng.

Lỗ, không ngạc nhiên

Trước đó, hồi đầu tháng 11, DongABank cũng công bố BCTC quý III lỗ 76 tỷ đồng. Có nhiều nguyên nhân, đó là tăng trưởng tín dụng 9 tháng vẫn âm 0,54%, tỷ lệ nợ quá hạn chiếm tỷ trọng cao trong tổng dư nợ nhưng nguyên nhân lớn nhất là do chi phí hoạt động tăng lên. Quý III/2014 chi phí hoạt động là 372 tỷ đồng, tăng 100 tỷ đồng tức 34,3% so với cùng kỳ năm trước. Chi phí hoạt động 9 tháng tương đương cùng kỳ, ở mức 1.048 tỷ đồng.

Ts. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính, bình luận: “Trong điều kiện kinh doanh chậm, khó khăn, chi phí vốn không kịp điều chỉnh nên khó khăn dẫn đến lợi nhuận không tốt và không như kỳ vọng là không đáng ngạc nhiên. Hơn nữa, do áp dụng Thông tư 09 về trích lập dự phòng cũng ảnh hưởng đến lợi nhuận của ngân hàng do trích lập dự phòng tăng”.

Tuy nhiên, điều khiến ông Hiếu lo ngại, đó là liệu kết quả kinh doanh lỗ này có dừng lại ở một quý hay vẫn tiếp diễn. Bởi có nhiều khoản đầu tư trong quá khứ đang không mang lại hiệu quả cho ngân hàng.

Hạn chế về tiềm lực tài chính chính là rào cản của LienVietPostBank

“Trong quá khứ, nhiều ngân hàng đầu tư chứng khoán (cổ phiếu và trái phiếu DN) và bất động sản. Không loại trừ khả năng, có những ngân hàng đang bị ảnh hưởng bởi những khoản đầu tư không hiệu quả từ chứng khoán, bất động sản và nhất là hoạt động ủy thác qua công ty con của mình”, ông Hiếu phân tích thêm.

Theo ông Hiếu, chính vì những khoản đầu tư không hiệu quả từ quá khứ mà nhiều ngân hàng phải thực hiện tái cơ cấu, nhưng không phải ngân hàng nào cũng tái cơ cấu kịp thời để xử lý được những khoản nợ xấu, ảnh hưởng tới lợi nhuận.

“Trên thực tế, thời gian qua, trong quá trình xử lý nợ xấu, để thu hồi nợ liên quan đến tài sản đảm bảo là bất động sản, nhiều ngân hàng và chủ đầu tư đã có thỏa thuận theo hướng chủ đầu tư bán lại dự án cho ngân hàng. Ngân hàng sau khi mua lại dự án thì tiếp tục đầu tư để hoàn thiện nhằm sử dụng với mục đích làm trụ sở hoặc cho thuê, làm trung tâm thương mại… Việc làm này có thể gây rủi ro cho hoạt động ngân hàng trong tương lai”, Ts. Hiếu bình luận.

Mô hình hoạt động chưa phù hợp?

Câu hỏi đặt ra liệu quý tới có bao nhiêu ngân hàng sẽ lỗ và LienVietPostBank, DongABank có còn tiếp tục lỗ? Riêng với LienVietPostBank thì nguyên nhân lỗ có phải còn có thêm nguyên nhân đến từ việc hợp nhất với Công ty Dịch vụ tiết kiệm bưu điện?

Là ngân hàng mới được thành lập năm 2008, LienVietPostBank những tưởng sẽ "lớn nhanh như thổi" sau vụ hợp nhất với VPSC để có thêm 10.000 điểm giao dịch trên khắp cả nước, cả ở vùng sâu, vùng xa nhất cả nước.

Tuy nhiên, hạn chế về tiềm lực tài chính (vì mới thành lập) cũng như những hạn chế của mạng lưới hoạt động của VPSC (nhân sự, cơ sở vật chất…) chính là rào cản cho sự "lớn nhanh như thổi" của LienVietPostBank. Bởi vậy, sau gần 4 năm thực hiện sáp nhập, LienVietPostBank vẫn đang loay hoay với giấc mơ "Thánh Gióng" của mình.

Theo giới chuyên gia, việc rủi ro và khó khăn sau hợp nhất với các TCTD là không ai lường trước được. Điều đáng nói là, những yếu kém thường sẽ không bộc lộ ngay sau khi hợp nhất mà thời gian sau đó mới có (nhanh hay lâu còn tùy từng ngân hàng).

Nhưng, việc có tiếp tục lỗ nữa hay không còn tùy thuộc vào biện pháp của ban lãnh đạo đối với vấn đề đó. Có nghĩa, họ sẽ làm gì để không còn bị lỗ trong những quý tới vì những nguyên nhân đang tồn tại trong ngân hàng mình?

Riêng về trường hợp của LienVietPostBank, Ts. Hiếu cho rằng khi thực hiện sáp nhập, có thể ban lãnh đạo cũng không thể lường hết được những khó khăn, rủi ro sau khi sáp nhập. Tuy nhiên, đó không phải là vấn đề quan trọng, mà là, khi xuất hiện vấn đề, ban lãnh đạo ứng xử và giải quyết vấn đề đó như thế nào.

Ts. Hiếu cho biết với những ngân hàng sau khi thực hiện sáp nhập với TCTD khác thường phải đối mặt với 4 rủi ro: nhân sự, chi phí, ban điều hành và quản trị. Tuy nhiên, rủi ro lớn nhất là ban điều hành và quản trị. Nếu sau khi sáp nhập, ban điều hành và quản trị không thay đổi kịp thời có thể khiến ngân hàng gặp khó khăn.

Ngoài ra, một nguyên nhân nữa có thể là tác nhân gây lỗ của ngân hàng, đó là việc xây dựng mô hình hoạt động. Nếu ban lãnh đạo không xác định đúng vị thế, tiềm lực và quy mô của ngân hàng mình thì việc quản lý sẽ bộc lộ những yếu kém, hoạt động kinh doanh sẽ sa sút.

Theo Thời báo Kinh doanh

 

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục