Ngân hàng có nên tiếp tục giảm lãi suất?

(Kinhdoanhnet) - Mặc dù các ngân hàng đã tích cực thực hiện theo quyết định của NHNN tuy nhiên theo nhiều chuyên gia kinh tế hiện mức chênh lệch giữa lãi đầu vào và lãi đầu ra vẫn còn khá cao.

Tại buổi họp báo thường kỳ diễn ra và chiều ngày 28/10, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết tình hình thanh khoản của hệ thống ngân hàng thời gian qua tiếp tục ổn định. Vì vậy để chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp, NHNN đã quyết định hạ trần lãi suất huy động tiền đồng kỳ hạn từ 1-6 tháng sẽ giảm từ 6% xuống 5,5% một năm.

Bên cạnh đó lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng tiền đồng với 5 lĩnh vực ưu tiên cũng giảm về 7%, từ mức 8% một năm hiện nay.

Đồng thời Thống đốc NHNN cũng ra lời kêu gọi các ngân hàng giảm lãi suất cho vay trung và dài hạn với các lĩnh vực ưu tiên về tối đa 10% một năm.

Ngân hàng có nên tiếp tục giảm lãi suất?
Ngân hàng có nên tiếp tục giảm lãi suất?

Ngay sau quyết định này của NHNN, thị trường bắt đầu định hình mặt bằng lãi suất mới theo hướng giảm nhanh so với trước.

Hưởng ứng lời hiệu triệu của Thống đốc, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã chính thức giảm lãi suất cho vay ngắn hạn VND ở tất cả các kỳ hạn kể từ ngày 01/11/2014 với mức giảm từ 0,5% đến 0,8%/năm so với thời điểm hiện nay.

Đối với cho vay ngắn hạn cho 5 đối tượng ưu tiên theo quy định của Chính phủ, mức lãi suất cho vay giảm xuống còn 7%/năm, theo mức trần được Ngân hàng Nhà nước quy định từ 29/10/2014.

Tại Vietcombank kể từ ngày 30/10, ngân hàng này cũng đã tiến hành giảm lãi suất các khoản vay ngắn hạn 5 lĩnh vực ưu tiên còn 7%/năm. Các khoản vay trung và dài hạn đối với các lĩnh vực này đang áp lãi suất 10,2 - 10,3%/năm cũng được kéo xuống tối đa 10%/năm.

Thực hiện theo Quyết định của Ngân hàng Nhà nước về điều chỉnh mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi và mức lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VNĐ, mới đây Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) cũng đã “nối gót” theo các ông lớn ngân hàng khác đưa ra quy định mức lãi suất mới, áp dụng tại tất cả các điểm giao dịch trên toàn quốc.

Ngoài ra còn khá nhiều ngân hàng lớn khác cũng đang rục rịch giảm lãi suất theo quyết định.

Mặc dù các ngân hàng đã tích cực thực hiện theo quyết định của NHNN tuy nhiên theo nhiều chuyên gia kinh tế hiện mức chênh lệch giữa lãi đầu vào và lãi đầu ra vẫn còn khá cao.

Theo tính toán mức chênh lệch này dao động từ 3 - 4%/năm. Nguyên nhân là do lãi suất cho vay trung và dài hạn vẫn chưa được giảm theo tốc độ giảm của lãi suất huy động. Điều này khiến cho các doanh nghiệp không dám mạnh dạn vay vốn trung và dài hạn để đầu tư máy móc thiết bị sản xuất kinh doanh dài hạn.

Theo TS Trần Du Lịch, Phó đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, các ngân hàng cần phải tích cực giảm mạnh hơn nữa kỳ hạn này, mở rộng hơn nữa ở các lĩnh vực sản xuất khác.

Cùng quan điểm với TS Trần Du Lịch, nguyên Thống đốc NHNN Cao Sĩ Kiêm cũng cho rằng ngân hàng nên tiếp tục giảm lãi suất cho vay các khoản trung và dài hạn hơn nữa kích thích doanh nghiệp mạnh dạn vay vốn để sản xuất kinh doanh.

Khi trao đổi với phóng viên nhiều lãnh đạo ngân hàng đều thừa nhận muốn tồn tại trong hoàn cảnh đầy khó khăn hiện nay thì phải chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp; không chỉ giảm lãi suất cho vay ngắn hạn, mà kể cả trung và dài hạn, phải “bớt ăn mới có cái mà thu”.

Tuy nhiên cũng có những ý kiến trái chiều, một vị lãnh đạo ngân hàng nêu quan điểm cho rằng mức chênh lệch lãi suất “đầu vào” và “đầu ra” phải tính bằng lãi suất huy động bình quân đầu vào trừ lùi đi dự trữ bắt buộc. Sau đó, các ngân hàng lại chỉ cho vay khoảng 80 - 85% để đảm bảo an toàn, trong khi vẫn phải trả lãi huy động 100% cho người gửi tiền. Ngoài ra, ngân hàng còn phải cộng các khoản chi phí hữu hình và vô hình khác nên chênh lệch giữa lãi “đầu vào - đầu ra” trước đây phấn đấu trên 3 - 4%, hiện nay hơn 2% đã quá thấp. Các ngân hàng phải dè sẻn lắm mới không bị lỗ nếu tiếp tục giảm lãi suất huy động các ngân hàng sẽ phải đương đầu với nguy cơ bẫy thanh khoản.

Với lãi suất huy động như hiện tại khách hàng đang bắt đầu phân vân giữa việc gửi tiền vào ngân hàng với việc đem tiền đi đầu tư vào chứng khoán và bất động sản. Nếu tiếp tục hạ lãi suất huy động nguy cơ lớn các ngân hàng sẽ không thể hút được tiền gửi dẫn đến không có nguồn vốn để cho vay ra. Lúc đó, ngân hàng lại phải chạy vạy vay mượn trên thị trường liên ngân hàng lẫn nhau, lại ép chi phí cắt cổ nhau. Như vậy việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sẽ thất bại thậm chí còn đẩy doanh nghiệp lâm vào tình cảnh khó khăn kép một lần nữa.

Hoàng Anh (TH)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục