Ngân hàng chuyển hướng đầu tư sang lĩnh vực giao thông

(Kinhdoanhnet) - Cơ sở hạ tầng tại Việt Nam được các nhà đầu tư đánh giá là còn kém phát triển nên khó thu hút được vốn đầu tư cũng như phát triển kinh tế vì thế hiện nay việc đầu tư vốn cho lĩnh vực giao thông là rất cần thiết.

Đơn giản như trong bản báo cáo của Ngân hàng Thế giới hồi đầu năm 2014 cũng đưa ra quan điểm Việt Nam muốn đạt được mục tiêu tăng trưởng  GDP vào năm 2020, thì mỗi năm nước ta cần tới 30 tỷ USD cho phát triển cơ sở hạ tầng.

Vì thế hiện nay các ngân hàng đang ồ ạt đổ vốn vào lĩnh vực này bởi theo các ông chủ nhà băng hiện thanh khoản trong lĩnh vực này khá tốt, thêm vào đó các dự án công trình giao thông đều là các dự án trọng điểm, được đầu tư đúng mục đích và trong các tính toán đều có hiệu quả cao. Bộ trưởng Đinh La Thăng  cũng lên tiếng khẳng định, tất cả các doanh nghiệp thực hiện vốn đầu tư của Bộ đã được chuyển sang hình thức cổ phần, tư nhân nên không chịu ràng buộc của cơ chế doanh nghiệp nhà nước...

Ngân hàng chuyển hướng đầu tư sang lĩnh vực giao thông
Ngân hàng chuyển hướng đầu tư sang lĩnh vực giao thông.

Theo con số thống kê của Bộ GTVT, trong số 43 dự án đang triển khai, vốn đã huy động từ các ngân hàng đến nay được khoảng 66.500 tỷ đồng và sẽ tiếp tục huy động từ ngân hàng, dự kiến đến hết 2014 có thêm khoảng 7.800 tỷ đồng. Chỉ trong năm 2015, dự kiến sẽ huy động tiếp từ các ngân hàng khoảng 63 nghìn tỷ đồng để đầu tư xây dựng các công trình giao thông.

Trong dự án quốc lộ 6 Hòa Lạc – Hòa Bình và cải tạo đoạn Xuân Mai - Hòa Bình theo hình thức BOT, đại diện của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) cho biết tổ chức tín dụng này là đơn vị thu xếp vốn cho dự án có tổng mức xấp xỉ 3.000 tỷ đồng.

BIDV là một trong số những ngân hàng dành nhiều vốn cho các dự án trọng điểm của ngành giao thông. Cụ thể đầu năm 2013 BIDV cam kết chi 30.000 tỷ cho các dự án mở rộng quốc lộ 1 và 14 của Bộ Giao thông và là nhà băng thu xếp vốn cho hơn một nửa trong số 18 dự án BOT mở rộng quốc lộ 1 từ Thanh Hóa – Cần Thơ.

Không kém cạnh, Vietinbank mới đây cũng đã tài trợ gần 1.700 tỷ đồng cho chủ đầu tư dự án mở rộng quốc lộ 1 qua Ninh Thuận theo hình thức BOT…

Việc thu hút được khá nhiều nguồn vốn tín dụng như hiện nay đã cho thấy bức tranh tài chính của doanh nghiệp giao thông phần nào sáng sủa hơn trước, các dự án đều chứng minh được tính hiệu quả, đảm bảo khả năng trả nợ.

Tuy nhiên, đối với các ngân hàng Thống đốc Ngân hàng Nhà nước - Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh do đây là các công trình công cộng, thời gian vay vốn dài nên các ngân hàng cần theo dõi sát sao tiến độ cũng như  khả năng hoàn trả của chủ đầu tư để tránh nợ xấu từ lĩnh vực xây dựng cơ bản - vốn là nỗi ám ảnh thời gian dài vừa qua. Bên cạnh đó, các ngân hàng nên chủ động khống chế tỷ lệ cho vay với lĩnh vực giao thông nhằm hạn chế rủi ro thanh khoản, bởi xây cầu đường thường đòi hỏi vốn trung và dài hạn, trong khi vốn ngân hàng chủ yếu là thời hạn ngắn.

T.T (TH)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục