Ngân hàng: Nợ cũ còn chưa thu hồi được, sao dám mở rộng nợ mới?

Trước đây tín dụng quá dễ dãi, tăng trưởng cứ 28 - 35%, trong khi tăng trưởng kinh tế chỉ quanh 7%. Thực tế đó cho thấy việc sử dụng đồng vốn không hiệu quả, dẫn đến lạm phát, bất ổn tỷ giá, vàng gây tác động tới kinh tế vĩ mô. Khiến cho hệ lụy nợ xấu đến giờ vẫn chưa thể giải quyết. Nợ cũ còn chưa thu hồi được, thì các ngân hàng sao dám mở rộng nợ mới?

Thừa vốn, muốn cho vay nhưng không thể ồ ạt dễ dãi, có những yêu cầu có thể “bỏ qua” được, nhưng có những chi tiết dù nhỏ cũng không dễ châm chước.

Ngân hàng: Nợ cũ còn chưa thu hồi được, sao dám mở rộng nợ mới? - Ảnh 1

Thế nên, người hiểu chuyện thì thông cảm, người không hiểu thì trách cứ...

Câu chuyện ngân hàng thừa tiền, DN “đói” vốn cứ tồn tại như một nghịch lý trong mối quan hệ vốn được coi là “cộng sinh” này, mặc dù cả hai cùng đang nỗ lực. Đã có rất nhiều ý kiến về sự lệch pha trong mối quan hệ này và trách móc ngân hàng trong việc làm khó DN.

Tuy nhiên, có đứng ở góc độ người làm tín dụng mới có thể hiểu được cái khó của họ trong rất nhiều áp lực. Ngân hàng không chỉ đơn giản là cho vay, mà còn phải đảm bảo có lãi cho khoản tiền mà họ mượn được từ người khác, thế nên không thể không thận trọng, nhất là thời điểm kinh doanh khó khăn như hiện nay.

Chim sợ cành cong

Tổng Giám đốc một ngân hàng chia sẻ họ rất muốn cho vay, nhưng lại không thể mạo hiểm khi mỗi ngày lại nghe một tin về DN A phá sản, DN B mất khả năng thanh toán…

“Giai đoạn này kinh doanh rất khó khăn, đa phần các DN hoạt động ở trạng thái cầm cự, vậy nên, để tìm được khách hàng tốt giải ngân là rất khó khăn. Trong khi đó, nợ xấu vẫn cứ tăng lên, rủi ro ngày càng lớn, bởi vậy ngân hàng không thể không thận trọng”, vị này chia sẻ.

Cũng tỏ ra thông cảm với ngân hàng, ông Mai Hồng Bàng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Vinavico, cho rằng nợ xấu nhiều nên ngân hàng ngại mở rộng cho vay, nhất là cho vay trung và dài hạn.

Nợ cũ còn chưa thu hồi được, nên các ngân hàng không dám mở rộng nợ mới. Họ giờ như “chim sợ cành cong” nên không dám mạo hiểm cho vay nếu không “sờ tận tay”. Nhất là giai đoạn này lại là giai đoạn cầm cự, do nền kinh tế chưa phục hồi ngay, còn các cán bộ tín dụng lại sợ trách nhiệm. Bởi vậy, mặc dù có tài sản thế chấp là sổ đỏ, cổ phiếu thanh khoản cao… nhưng công ty vẫn không thể vay được một khoản trung và dài hạn để đầu tư máy móc thiết bị”, ông Bàng bình luận.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng trong thời điểm này, khi khó khăn đang chồng chất, ngân hàng đang mất niềm tin, thì những quy định mới về trách nhiệm của cán bộ tín dụng, quy trách nhiệm hình sự rủi ro đạo đức ở các ngân hàng cũng đã tác động đến tâm lý e ngại mở rộng cho vay.

Bởi vậy, có nhiều DN, nếu cán bộ tín dụng có thể châm chước cho một số điểm trong điều kiện vay vốn, thì cơ hội phục hồi và phát triển sẽ rất lớn. Tuy nhiên, những chuyện tương lai thường không nắm bắt được, vậy nên, ai biết được trong 2 - 3 năm tới, DN đó sẽ phát triển hay phá sản?

Nếu DN phá sản, cơ quan pháp luật vào cuộc, rất có thể cán bộ tín dụng đó sẽ bị quy kết là cố ý làm sai gây hậu quả nghiêm trọng hoặc nhẹ cũng bị cho là tư lợi. Đây cũng là quan ngại rủi ro pháp lý tâm lý của nhiều cán bộ ngân hàng hiện nay và nó trở thành rào cản không nhỏ trong tăng trưởng tín dụng, do quá thận trọng, đòi hỏi quá chặt chẽ.

Phải biết cảm thông

“Thực tế, ngân hàng cũng chỉ là đơn vị trung gian, hoạt động theo cách thức vay tiền của người khác để cho người khác vay. Vậy nên, nếu có khách hàng nào đó vay tiền mà không trả được, thì ngân hàng sẽ bị lỗ vì không thể không trả tiền lãi và gốc cho người mà họ vay. Bởi vậy, ngân hàng không thể không thận trọng trong thời điểm khó khăn này”, một lãnh đạo ngân hàng chia sẻ.

Tính đến cuối tháng 8/2014, tăng trưởng tín dụng đối với nền kinh tế đạt 5,82% so với cuối năm 2013. Mức tăng trưởng này còn thấp, dòng chảy tín dụng chưa thực sự khơi thông và chưa đạt như kỳ vọng so với mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm từ 12 - 14%…

Dù rất sốt ruột, nhưng Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình vẫn muốn hướng tín dụng chảy vào lĩnh vực an toàn nhưng là cốt lõi của nền kinh tế, đó là nông nghiệp, công nghệ cho nông nghiệp, công nghiệp phụ trợ… chứ không thể “vung tay quá trán” như trước đây, khiến cho hệ lụy nợ xấu đến giờ vẫn chưa thể giải quyết.

Theo Thống đốc, trước đây tín dụng quá dễ dãi, tăng trưởng cứ 28 - 35%, trong khi tăng trưởng kinh tế chỉ quanh 7%. Thực tế đó cho thấy việc sử dụng đồng vốn không nhiều hiệu quả, dẫn đến nợ xấu và bất ổn tỷ giá, vàng gây tác động tới kinh tế vĩ mô.

Trong 3 năm trở lại đây, tín dụng chỉ tăng 10 - 12% nhưng tăng trưởng kinh tế là 5,2 - 5,8%, có nghĩa là chỉ cần 2% tăng trưởng tín dụng để có thể tăng trưởng kinh tế được 1%, không như trước đây cần phải 4 - 5%, thậm chí là 6 - 7%. Điều đó cho thấy tín dụng đã được bơm vào đúng chỗ, sử dụng hiệu quả hơn, dù tăng trưởng thấp.

Nói như vậy, không có nghĩa là ngành ngân hàng không tích cực đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng. Thực tế, ngành ngân hàng đang rất nỗ lực và NHNN đang khuyến khích các ngân hàng đẩy mạnh cho vay tín chấp đối với những dự án có khả thi.

Thống đốc cho biết NHNN đang xây dựng nghị định mới về cho vay tín dụng phát triển nông nghiệp nông thôn, dựa trên Nghị định 41 của Chính phủ ra đời năm 2008. Hiện đang làm thí điểm khoảng 20 - 25 DN, dự kiến kết thúc thí điểm vào khoảng cuối năm sau để tổng kết sửa đổi Nghị định 41 sẽ rút kinh nghiệm rồi thực hiện đại trà.

Hiện các ngân hàng cũng chủ động đăng ký với Chính phủ thực hiện thí điểm chương trình sản xuất nông nghiệp áp dụng công nghệ cao, xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp theo chuỗi… trên 8 tỉnh thành, DN được vay theo mô hình mới.

Theo đó, chương trình có nguồn vốn khoảng 300 tỷ đồng, trong đó 200 tỷ đồng đầu tư trung và dài hạn, 100 tỷ đồng vốn lưu động thì ngân hàng cho vay ngay. DN có tài sản bao nhiêu thì thế chấp còn lại là tín chấp để chủ động kế hoạch sản xuất của mình, không bị ảnh hưởng bởi những biến động về nguồn vốn.

Thời báo kinh doanh

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục