Ngân hàng đẩy mạnh bán lẻ
Thời gian gần đây, doanh số từ hoạt động bán lẻ của ngân hàng ngày càng tăng mạnh, cho thấy các ngân hàng đang có xu hướng chuyển từ bán buôn sang bán lẻ. Điều này là do thị trường bán buôn của các ngân hàng gần như bão hòa, các doanh nghiệp vẫn đang trong tình trạng khó khăn, còn thị trường bán lẻ lại vô cùng sôi động và ngày càng cạnh tranh khốc liệt hơn.
Bán buôn có nghĩa là ngân hàng sẽ tập trung vào các dịch vụ phục vụ cho doanh nghiệp, xí nghiệp lớn, các dự án, công trình và các tập đoàn kinh tế....Ngân hàng chuyển sang bán lẻ tức là sẽ phục vụ khách hàng cá nhân, doanh ngiệp vừa và nhỏ.
Ông Hà Huy Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia cho rằng các dịch vụ trước đây của ngân hàng tập trung vào bán buôn là do nó đem lại lợi nhuận cao.
Vậy tại sao ngân hàng lại chuyển sang bán lẻ? Trả lời câu hỏi này, tổng giám đốc của một ngân hàng cho biết, lợi nhuận càng cao rủi ro càng lớn. Khi cho các doanh nghiệp lớn vay thì lợi nhuận mang về đương nhiên sẽ cao, nhưng khi doanh nghiệp đó gặp khó khăn thì cũng dẫn đến rủi ro cao hơn và đây là một nguyên nhân dẫn đến nợ xấu.
Theo ông Nguyễn Toàn Thắng, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước thì: Áp lực cạnh tranh trên thị trường ngân hàng nói chung và trong lĩnh vực bán lẻ nói riêng đang ngày càng lớn. Vì vậy, các ngân hàng cần mở rộng phạm vi hoạt động sang nhiều lĩnh vực, đa dạng hóa sản phẩm, nhằm khai thác các cơ hội kinh doanh mới.
Các ngân hàng đang đẩy mạnh phát triển thị trường bán lẻ
Ông Lê Công, Tổng Giám đốc MB cho rằng, chúng ta có nhiều ưu thế khi chuyển qua bán lẻ. Như số lượng dân số nước ta đông, trong khi số lượng tiếp cận các dịch vụ NH chỉ mới 30%, dư địa còn rất lớn; dân số trẻ nên khả năng tiếp nhận thông tin nhanh… Vì vậy đây là cơ hội để thị trường bán lẻ Việt Nam phát triển mạnh. Trong tương lai, các sản phẩm mới sẽ dần thay thế các sản phẩm truyền thống.
TS. Nguyễn Đức Hưởng, Phó chủ tịch HĐQT LienVietPostBank cũng nhận định: "Ngân hàng chủ yếu bán buôn có thể chết rất nhanh, nhưng ngân hàng bán lẻ, góp nhỏ thành to, thì ổn định và bền vững hơn".
Ông Hưởng cho biết thêm, hiện cả nước có tới 90 triệu dân, mà mới có 10 triệu tài khoản ngân hàng. Thị trường còn khá lớn, không chỉ ở nông thôn, mà ở thành phố, dư địa thị trường vẫn còn rất lớn. Ông khẳng định dù có thành lập thêm ngân hàng thì việc tìm kiếm thì trường cũng không đáng lo.
Việt Nam hiện đang có đầy đủ điều kiện để đẩy mạnh thị trường ngân hàng bán lẻ:
- Dân số đông, trong đó, hơn 50% thuộc độ tuổi lao động.
- Trình độ dân trí và thu nhập của người dân ngày càng nâng cao, trình độ công nghệ phát triển.
- Số lượng người dân sử dụng dịch vụ ngân hàng còn ít.
- Xu hướng tiêu dùng dựa trên vốn vay ngân hàng ngày càng lan rộng.
Các ngân hàng ngoại đã nhìn thấy tiền năng của thị trường bán lẻ ở Việt Nam và nhảy vào cạnh tranh trong lĩnh vực này. Vì vậy, cần phải xây dựng chiến lược nhanh chóng, nếu không ngân hàng nội sẽ bị lép vế.
Ngân hàng chạy đua tìm thị trường ra sao?
Thị trường ngân hàng bán lẻ Việt Nam tuy còn rất rộng mở, nhưng để giành được miếng bánh thị phần, các ngân hàng cũng phải lựa chọn được đối tượng khách hàng, thị trường ngách cho mình dựa trên lợi thế cạnh tranh.
Theo ông Đặng Quốc Tiến- Phó Tổng Giám đốc MB, khi ngân hàng chuyển sang bán lẻ, yêu cầu về các dịch vụ phải mới, phải đa dạng, nhanh gọn. Vì khi đã chuyển sang bán lẻ là đi sâu vào chi tiết người tiêu dùng. Theo xu hướng này, các ngân hàng sẽ phải bước vào cuộc cạnh tranh thị phần bán lẻ và đặc biệt là cạnh tranh nâng cấp các sản phẩm và dịch vụ.
Sản phẩm bán lẻ được nhiều ngân hàng hướng tới là cho vay tiêu dùng, nhất là cho vay mua nhà, mua ô tô. Điển hình là cho vay gói 30.000 tỷ đồng để mua nhà, lãi suất 5% với các thủ tục nhanh gọn. Ngoài ra, còn các gói cho vay tiêu dùng như mua xe, mua nhà đất, sửa chữa nhà cửa, lãi suất 11% các năm sau tính theo lãi suất trên thị trường. Một số ngân hàng còn cho vay mua hàng nội thất, gia dụng, cho vay hộ gia đình, doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ngoài ra,vài ngân hàng còn bắt tay hoặc sáp nhập công ty tài chính để mở rộng cho vay tiêu dùng.
Ông Lê Công, Tổng Giám đốc MB cho biết, năm 2013 dịch vụ bán lẻ của ngân hàng tăng gấp 3 lần so với năm 2010 và lợi nhuận tăng gấp 5 lần.
Ông TAREQ MUHMOOD, Tổng Giám đốc NH ANZ Việt Nam cũng công bố, hiện nay, hoạt động bán lẻ của ANZ tăng 30% so với trước đây và trong tương lai ANZ hướng con số này tới 60%.
Theo bà Nguyễn Tú Anh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dịch vụ Smartlink, ngân hàng bán lẻ đang chứng tỏ được vai trò của mình kho doanh số hoạt động từ huy động bán lẻ chiếm 50-55%.
Một thị trường ngách nữa ít được các ngân hàng để ý là dịch vụ ngân hàng phục vụ khu vực nông nghiệp, nông thôn. Hiện tại, Agribank và LienVietPostBank là các ngân hàng thương mại cổ phần đầu tiên thâm nhập thị trường ngách này.
LienVietPostBank đầu tư vốn vào thị trường nông thôn.
Ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank cho biết, năm 2013 ngân hàng không có một khoản nợ xấu nào trong lĩnh vực bán lẻ. Ông cũng khẳng định, LienVietPostBank đã đưa 40% vốn lưu động về nông thôn.
Ngoài việc cho vay ra, thì nông thôn cũng là một thị trường lý tưởng để huy động vốn. Lãnh đạo của LienVietPostBank cho biết, huy động vốn dài hạn phải huy động từ người nghèo. Vì họ cũng có thói quen tích cóp, gửi tiết kiệm để dành cho con cháu, không có ý định lấy ngay.
Bích Ngọc (Tổng hợp)