Ngân hàng "bán bia kèm lạc", ép khách vay tiền phải mua bảo hiểm mới giải ngân?

Nhiều khách hàng vay tiền ngân hàng, đến khi hoàn tất các thủ tục cần thiết thì phía ngân hàng mới thông báo, phải mua bảo hiểm thì mới được giải ngân.

"Ép" khách hàng mua bảo hiểm rồi mới giải ngân?

Hiện nay, dù tình trạng thiếu sòng phẳng về lãi suất gần như không còn, nhưng hàng loạt ngân hàng chỉ định người vay tiền phải mua bảo hiểm như một điều kiện để giải ngân lại khá phổ biến.

Ngân hàng "bán bia kèm lạc", ép khách vay tiền phải mua bảo hiểm mới giải ngân? - Ảnh 1

 

Báo Đất Việt mới đây đã đưa tin loạt trường hợp khách hàng bị "ép" mua bảo hiểm sau khi hoàn tất các thủ tục, mới được ngân hàng giải ngân.

Theo phản ánh của anh Nguyễn Đức L (33 tuổi, ngụ Q. Thanh Xuân, TP. Hà Nội), vào đầu tháng 5/2019 do gia đình có việc cần chi tiêu nên tới Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) để làm thủ tục vay tín chấp số tiền 300 triệu đồng. Khi thủ tục thẩm định tài sản hoàn tất, phía ngân hàng TPBank thông báo lên làm thủ tục giải ngân thì bất ngờ nhân viên lại yêu cầu khách hàng phải mua thêm bảo hiểm nhân thọ của hãng Manulife. Nếu không mua bảo hiểm nhân thọ của hãng này thì sẽ không đủ điều kiện để giải ngân.

Một trường hợp khác là anh Nguyễn Minh H làm hồ sơ vay tiêu dùng tại ngân hàng TPBank chi nhánh Đông Đô (tòa nhà LICOGI 13, đường Khuất Duy Tiến, TP. Hà Nội) số tiền 170 triệu đồng, nhưng sau đó anh Hùng đã quyết định nâng số tiền vay lên 400 triệu đồng. Một trong những lý do khiến anh Hùng nâng số tiền vay lên là phía TPBank buộc anh phải mua bảo hiểm nhân thọ Manulife. Anh H. đã chọn mức gần như là thấp nhất với số tiền 15 triệu đồng/năm.

Anh H thắc mắc với nhân viên ngân hàng TPBank thì được giải đáp: "Mua bảo hiểm nhân thọ Manulife là bắt buộc tham gia kèm khoản vay". Anh H đã hỏi lãnh đạo của nhân viên này và cũng nhận được câu trả lời tương tự.

Tương tự, năm 2018 tờ Sở hữu trí tuệ cũng đưa tin ngân hàng Vietcombank ép khách hàng mua bảo hiểm mới được vay tiền.

Cụ thể, anh T. (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, anh mua căn hộ một dự án, do thiếu tiền nên đến Vietcombank vay tiền mua nhà.

Để được giải ngân, anh T. phải thế chấp hồ sơ mua nhà cho Vietcombank như tài sản bảo đảm nếu trong trường hợp anh không trả được các khoản vay, Vietcombank sẽ thu nợ bằng tài sản bảo đảm chính là căn hộ. Nhằm giúp khách hàng tiện thanh toán tiền gốc và lãi, anh T. được phía Vietcombank tạo cho một tài khoản tại ngân hàng.

Tuy nhiên đến khi chuẩn bị giải ngân thì Vietcombank ra điều kiện phải mua bảo hiểm cho tài sản thế chấp là căn hộ. Khi thắc mắc thì đại diện ngân hàng giải thích, đây là điều kiện bắt buộc trước khi giải ngân. Điều khiến anh bức xúc là trong quá trình tư vấn nhân viên ngân hàng không đề cập tới điều khoản này.

Ngân hàng "bán bia kèm lạc", ép khách vay tiền phải mua bảo hiểm mới giải ngân? - Ảnh 2

Được biết, nhiều người dân khi vay tiền mua nhà tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Việt Nam Thịnh vượng (VPBank), Ngân hàng Liên Việt… đều phải mua thêm gói bảo hiểm như bảo hiểm nhà của BIC Bình An (BIDV), mua bảo hiểm cháy nổ trong suốt thời gian vay đối với khoản vay tại VP Bank.

Bảo hiểm và ngân hàng cùng hưởng lợi?

Để có khách hàng, các doanh nghiệp bảo hiểm đã liên kết với ngân hàng để triển khai các gói bảo hiểm. Đây cũng là một hướng đi mới của bảo hiểm nhân thọ. Việc ký hợp tác này rõ ràng cả hai đều thu về lợi ích kinh tế.

Theo tìm hiểu được biết, công ty bảo hiểm sẽ duy trì một số tiền gửi nhất định tại ngân hàng với lãi suất không đáng kể. Ngân hàng sẽ hưởng được một tỷ lệ nhất định từ phí bảo hiểm. Ngược lại, ngân hàng sẽ tạo điều kiện cho công ty bảo hiểm khai thác khách hàng, bán chéo sản phẩm.

Tuy nhiên, việc "ép" mua các gói bảo hiểm như một điều kiện để ngân hàng giải ngân các khoản vay lại khiến nhiều khách hàng bức xúc, khó chịu.

Theo khoản 4, Điều 3 Thông tư liên tịch số 86/2014/TTLT-BTC-NHNNVN ngày 2/7/2014 hướng dẫn hoạt động đại lý bảo hiểm của Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ (có hiệu lực từ ngày 1/9/2014) quy định về thu phí bảo hiểm:

“Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thu hộ các khoản phí bảo hiểm từ khách hàng và chuyển lại cho doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ theo thỏa thuận tại hợp đồng đại lý bảo hiểm”.

Căn cứ các quy định nêu trên, việc cho vay của Tổ chức tín dụng và khách hàng được lập thành hợp đồng tín dụng phải có nội dung về điều kiện vay, mục đích sử dụng vốn vay... và những cam kết khác được các bên thỏa thuận.

Hiện tại pháp luật về ngân hàng không quy định bắt buộc bên vay phải mua bảo hiểm tín dụng. Do vậy, việc khách hàng mua thêm bảo hiểm tín dụng đối với khoản vay là thỏa thuận giữa Tổ chức tín dụng và khách hàng vay trên cơ sở ý chí tự nguyện của các bên.

Đồng thời hợp đồng tín dụng giữa ngân hàng với khách hàng và hợp đồng bảo hiểm giữa khách hàng với doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm là các giao dịch hoàn toàn độc lập.

Câu chuyện ngân hàng TPBank "lái" khách hàng của mình mua bảo hiểm mới được giải ngân đã đi ngược với sologan “Vì chúng tôi hiểu bạn” của ngân hàng này, khi nhu cầu thật sự của khách hàng là vay tiền chứ không phải là mua bảo hiểm.

Việc nhiều ngân hàng buộc bên vay phải mua bảo hiểm và xem đó như là một trong những điều kiện tiên quyết để cho vay, vì thế là việc làm thiếu sòng phẳng trong quan hệ tín dụng.

Hà Phương (t/h)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục