Tỉ lệ nợ vay của Dabaco tính đến hết năm 2022 chiếm 61,7% cơ cấu tổng tài sản, ở mức 7.740 tỷ đồng, trong khi con số này chỉ dừng ở mức 57% vào cuối tháng 9/2022.
Công ty Cổ phần Tập đoàn Dabaco Việt Nam (HoSE: DBC) vừa công bố báo cáo tài chính quý IV/2022 với doanh thu thuần đạt gần 2.930 tỷ đồng, giảm 4,3% so với cùng kỳ. Trong quý, do giá vốn hàng bán tăng cao khiến lợi nhuận gộp của Dabaco giảm mạnh chỉ còn 150 tỷ đồng, tương đương giảm gần 60%.
Ngoài ra, doanh thu từ hoạt động tài chính của doanh nghiệp ghi nhận mức tăng hiếm hoi trong các chỉ số kinh doanh của Dabaco. Theo đó, hoạt động tài chính trong kỳ đem lại 9,94 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ.
Bên cạnh đó, các khoản chi phí trong quý IV cũng được công ty tiết giảm mạnh. Cụ thể, chi phí tài chính giảm 3,1%, đạt 49 tỷ đồng. Chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp ở mức 160,7 tỷ đồng, giảm 16,8% so với quý IV/2021.
Mặc dù vậy nhưng sau khi khấu trừ các chi phí, Dabaco vẫn báo lỗ 79 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ báo lãi 111 tỷ đồng. Đây cũng là quý đầu tiên Dabaco ghi nhận lỗ kể từ quý II/2017.
Luỹ kế năm 2022, doanh thu của Dabaco đạt 12.269 tỷ đồng, tăng 13,5%. Lợi nhuận sau thuế ghi nhận 150 tỷ đồng, giảm 81% so với cùng kỳ năm trước.
Năm 2022, Dabaco đặt kế hoạch tổng doanh thu 22.558 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 918 tỷ đồng. Như vậy kết quả trên chỉ giúp Dabaco thực hiện vỏn vẹn 16,4% kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Về tình hình tài chính của doanh nghiệp, tại ngày 31/12/2022, tổng tài sản của Dabaco là 12.526 tỷ đồng, tăng 16% so với đầu năm. Theo đó, Dabaco đã bắt đầu trích lập dự phòng giảm giá trước tình hình chỉ số hàng tồn kho chiếm hơn 38% cơ cấu tổng tài sản với 4.762 tỷ đồng, tăng 13% so với số đầu năm.
Đáng chú ý, khối tài sản dang sở dài hạn của công ty tăng mạnh từ 469 tỷ đồng đầu năm lên 1.397 tỷ đồng vào cuối năm. Mức tăng chủ yếu đến từ chi phí phát sinh tại các dự án lợn giống tại Phú Thọ, Hà Nam, Tuyên Quang và khoản đầu tư mới hơn 100 tỷ đồng tại nhà máy ép dầu giai đoạn 2 và 84 tỷ đồng tại nhà máy vắc-xin.
Dư nợ phải trả đến cuối năm 2022 của Dabaco là 7.740 tỷ đồng, tăng 26% so với đầu năm. Trong đó, công ty hiện đang sở hữu khoản vay và nợ thuê tài chính 4.590,8 tỷ đồng, tăng gần 40% so với đầu năm.
Với dữ liệu trên, tỉ lệ vay nợ của Dabaco chiếm trên 61,7% cơ cấu tổng tài sản công ty, trong khi tại 9 tháng đầu năm là 57%. Có thể thấy, “tảng đá" nợ vay đang ngày càng tạo ra sức ép lớn đối với Dabaco.
Liên quan đến tình hình kinh doanh của doanh nghiệp, đầu tháng 1/2023, Tập đoàn Dabaco đã công bố nghị quyết về việc thông qua kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2023. Theo đó, kế hoạch tổng doanh thu trong năm 2023 của Dabaco là 24.562 tỷ đồng, tăng 8,8%; lợi nhuận sau thuế 569 tỷ đồng, giảm 38% so với kế hoạch năm 2022.
Chốt phiên ngày 30/1, cổ phiếu DBC có giá 16.700 đồng/cổ phiếu.