Nam Long đưa nguyên dự án Waterpoint "mời chào" nhà đầu tư Hà Nội

Việc lãnh đạo địa ốc Alibaba bị bắt và vụ lừa đảo mua bán bất động sản tại doanh nghiệp này như một lời cảnh tỉnh cho các nhà đầu tư địa ốc.

Sau sự việc này, nhiều nhà đầu tư bắt đầu “chùn tay” trong việc “xuống tiền”, chốt giao dịch. Điều này khiến thị trường giảm nhiệt, các dự án đang quảng bá, chào bán gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm, thu hút khách hàng…

Thị trường Hà Nội sụt giảm, dự án miền Nam “tấn công” ra Bắc

Theo báo cáo thị trường BĐS quý III/2019 vừa công bố của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARs), thị trường Bất động sản nhà ở cả nước tiếp tục cho thấy sự sụt giảm so với cùng kỳ năm 2018 và có dấu hiệu phát triển không ổn định.

Điều này thể hiện qua diễn biến thực tế tại 2 thị trường bất động sản (BĐS) lớn nhất cả nước là Hà Nội và TPHCM. Đáng chú ý, thị trường BĐS Hà Nội đánh dấu sự sụt giảm cả về nguồn cung, lượng giao dịch và tỷ lệ hấp thụ so với quý II và cùng kỳ năm 2018. Cụ thể, trong quý 3, nguồn cung mới chào bán tại thị trường Hà Nội là 5130 sản phẩm, lượng giao dịch 3105 sản phẩm và đặc biệt là tỷ lệ hấp thụ chỉ đạt 60,5% ở mức thấp nhất trong vòng 3 năm qua.

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), nhận định giá cả bất động sản tại thị trường Hà Nội trong thời gian qua gần như chỉ đi ngang, giao dịch BĐS thành công ở Hà Nội chủ yếu vẫn là khách hàng có nhu cầu thực. Đầu tư lướt sóng lãi nhanh từ BĐS giảm mạnh và đầu tư kinh doanh BĐS nhỏ lẻ kém hiệu quả.

Trong bối cảnh thị trường Hà Nội đang chững lại, một số chủ đầu tư đã đem các dự án được triển khai xây dựng tại TP HCM, Bình Phước, Long An… giới thiệu, tìm kiếm khách hàng tại thị trường này.

Trong đó, dự án đang được giới thiệu rầm rộ và gây chú ý thời gian gầy đây KĐT sinh thái Waterpoint. Theo giới thiệu của CĐT, dự án khu đô thị sinh thái Waterpoint có diện tích 355 ha, nằm ngay lối dẫn lên cao tốc Sài Gòn – Trung Lương, là một trong những dự án khu đô thị sinh thái liền kề phía Tây Nam TP HCM quy mô lớn và được đầu tư bài bản. Dự án do chủ đầu tư Nam Long hợp tác phát triển cùng Nishi Nippon Railroad (Nhật Bản), TBS Group và Công ty TNHH Đầu tư Tân Hiệp.

Ngày 14/9 vừa qua, CĐT dự án này đã tổ chức buổi gặp gỡ hàng trăm đại lý môi giới miền Bắc diễn ra tại khách sạn Daewoo Hà Nội, ông Ngô Đình Hãn - Giám đốc Kinh doanh Công ty Cổ phần Đầu tư Nam Long cho biết, đơn vị dự kiến triển khai giai đoạn 1 của dự án khu đô thị sinh thái Waterpoint bao gồm nhà phố vườn, nhà phố thương mại, biệt thự đơn lập, biệt thự song lập, dinh thự.

Nam Long đưa nguyên dự án Waterpoint "mời chào" nhà đầu tư Hà Nội - Ảnh 1
Chủ đầu tư Nam Long và giới thiệu dự án Waterpoint tại Hà Nội.
Theo quảng cáo, dự án hội tụ không gian sống hiện đại, thân thiện với môi trường, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của cư dân. Hệ thống tiện ích nội khu của dự án đa dạng, nổi bật với hệ thống công viên sông nước đẳng cấp, khu thể thao hiện đại, khu vui chơi trẻ em, bến du thuyền, cảng dịch vụ, trung tâm thương mại…

Hiện dự án đang được quảng bá rầm rộ, trong đó đặc biệt hướng đến các nhà đầu tư tại thị trường Hà Nội và miền Bắc. Đơn vị quản lý bán hàng miền Bắc là Công ty TNHH Phát Triển & Kinh Doanh Bất Động Sản Weland.

Theo thông tin trên website chính thức của dự án, mức giá đang được giới thiệu trên thị trường hiện nay khoảng từ 2,3 tỷ/căn (chưa bao gồm VAT). Các sản phẩm BĐS tại đây bao gồm: Nhà phố vườn, biệt thự song lập, biệt thự đơn lập, nhà phố thương mại, dinh thự vườn (bán đất nền, khoảng 300 nền đất rộng từ 300 – 600m2)…

Khách hàng “khủng hoảng niềm tin” sau vụ lừa đảo của Địa ốc Alibaba

Có thể nói, đầu tư bất động sản, nhất là đất nền vùng ven là kênh đầu tư luôn được nhiều người quan tâm, nhưng cũng chính vì dòng tiền đổ vào rất lớn mà nếu không cẩn trọng, tiền mất, đất không có là nguy cơ hiện hữu. Bởi bên cạnh những doanh nghiệp kinh doanh chuyên nghiệp thì trên thị trường bất động sản vẫn có không ít công ty làm ăn theo kiểu chụp giật, gian dối, tự ý “vẽ” các dự án “ma” và bán ra thị trường.

Vụ việc khiến dư luận xôn xao thời gian qua là khi Công ty cổ phần Địa ốc Alibaba bị cơ quan Cảnh sát điều tra TP.HCM khám xét, bắt giữ nhiều lãnh đạo về hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Cụ thể, Công an xác định Nguyễn Thái Luyện (Chủ tịch HĐQT Công ty Alibaba) là chủ mưu, cầm đầu chỉ đạo Lĩnh và các nhân viên cấp dưới lập ra nhiều công ty thành viên, tổ chức thu mua 600 ha đất nông nghiệp tại các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu... để làm dự án, phân lô, bán nền trái phép cho khách hàng.

Việc lãnh đạo địa ốc Alibaba bị bắt và vụ lừa đảo mua bán bất động sản tại doanh nghiệp này như một lời cảnh tỉnh cho các nhà đầu tư địa ốc. Sau sự việc này, nhiều nhà đầu tư bắt đầu “chùn tay” trong việc “xuống tiền”, chốt giao dịch. Nguyên nhân là do họ sợ mua nhầm những dự án “ma” rồi “mất tiền oan”, giống như hàng ngàn khách hàng đã lỡ đầu tư vào các dự án “bánh vẽ” tại TPHCM, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Thuận mà Công ty Cổ phần Địa ốc Alibaba dựng lên và rao bán rầm rộ thời gian qua.

Nam Long đưa nguyên dự án Waterpoint "mời chào" nhà đầu tư Hà Nội - Ảnh 2
Phối cảnh Khu đô thị Waterpoint – Thành phố bên sông.

Liên quan tới việc đầu tư đất nền, bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cao cấp CBRE cho rằng, thị trường đất nền hiện nay đang rất lao đao, ảm đạm do nguồn cung khan hiếm và khủng hoảng về pháp lý diễn ra trên diện rộng. Theo bà Dung, nguồn cung thiếu hụt không chỉ là nguồn cơn “kích thích” các nhà đầu tư mà còn là cơ hội để nhiều cá nhân lợi dụng tâm lý ưa thích đất nền của người dân, tung ra các dự án “ma” nhằm trục lợi trên sự nhẹ dạ và thiếu hiểu biết của khách hàng.

Trong khi đó, thực chất đầu tư đất nền lại tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, do phân khúc này không trực tiếp tạo ra sản phẩm hình thành lợi nhuận mà chủ yếu là đầu cơ “sang tay”, chỉ cần có sự chững lại của thị trường, hay trục trặc về pháp lý thì nhà đầu tư rất dễ mắc kẹt. Hơn nữa, vì nguồn cầu đất nền chủ yếu là để đầu cơ, nên khi thị trường khó khăn, người đầu cơ không thể bán ra với mức giá kỳ vọng như mong muốn, dẫn đến nhiều khu đất có giá thấp hơn rất nhiều khi mua vào.

Thực trạng này đã khiến đất nền giảm nhiệt, thị trường trầm lắng, giới đầu tư e ngại và thận trọng hơn trong các giao dịch…

Không chỉ ở phân khúc đất nền, về phương diện pháp lý dự án, các chuyên gia cũng cảnh báo người mua cần thận trọng khi giao dịch ở phân khúc thị trường bất động sản gắn liền với đất như biệt thự, nhà phố... Theo đó, khi giao dịch cần lưu ý đến tính pháp lý của dự án, chỉ giao dịch khi đất đã được đền bù giải tỏa, được cấp sổ chung, phê duyệt 1/500.

Người mua cũng phải lưu ý tiến độ xây dựng hạ tầng như đường, điện, các công trình hỗ trợ khu dân cư... tránh tình trạng bị lừa bán đất nông nghiệp, hạ tầng yếu kém, đất không đủ thủ tục pháp lý dẫn đến không thể xây dựng, không được cấp giấy chủ quyền như một số trường hợp từng xảy ra.

Bởi thực tế, tình trạng các dự án không đầy đủ pháp lý, chủ đầu tư chưa hoàn thiện các thủ tục pháp lý dẫn đến việc bị cơ quan chức năng đình chỉ trong quá trình triển khai xuất hiện rất nhiều trên thị trường.

Ngoài ra, thực trạng khó khăn về huy động vốn nên hiện nay cũng khiến nhiều dự án BĐS tiến hành huy động vốn khi chưa đủ điều kiện mở bán theo quy định. Không ít dự án đã bị chính quyền nhiều địa phương "tuýt còi". Điều này sẽ khiến khách hàng gặp nhiều rủi ro nếu dự án chậm triển khai nhiều năm, không bàn giao theo đúng cam kết.

Hải Lan

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục