Ngày 13/10/2017, Tòa án Nhân dân thành phố Nam Định tỉnh Nam Định ra Bản án số 20/2017/KDTM-ST về tranh chấp “Hợp đồng tín dụng; đòi bồi thường thiệt hại; yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu”.
Tại bản án này, Tòa chấp nhận việc Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) đòi nợ gốc và lãi suất trong hạn, lãi phạt quá hạn. Tuy nhiên điều khó hiểu là tại sao Techcombank yêu cầu khởi kiện đòi Thúy Đạt trả tiền dựa vào chứng cứ giao kết hợp đồng, mà không có chứng cứ chứng minh về việc giải ngân tiền vay mà tòa án vẫn chấp nhận.
Tại phiên tòa ngày 21/9/2017 và ngày 12/10/2017, Techcombank thừa nhận quy trình nhận nợ trước cho vay sau. Khế ước nhận nợ và cam kết trả nợ số 844.3 ghi ngày 18/1/2012 nhưng đến ngày 19/1/2012 Thúy Đạt mới có ủy nhiệm chi.
Như vậy, việc nhận nợ của Thúy Đạt tại các khế ước nhận nợ và cam kết trả nợ không phản ánh việc Techcombank cho Thúy Đạt vay tiền. Việc Techcombank sử dụng các khế ước nhận nợ này không chứng minh được hành vi cho vay tiền.
Luật sư Trương Tiến Hùng thuộc Đoàn luật sư Hà Nội khẳng định: “Khế ước nhận nợ mà Techcombank xuất trình cho tòa án là sản phẩm của sự không trung thực, coi thường “Thượng Đế” của mình và coi thường pháp luật”. Tại phiên tòa, Thúy Đạt chưa xác nhận số liệu các khoản nợ. Nhưng tòa án cho rằng: Thúy Đạt thừa nhận các đối tác nhận tiền theo ủy nhiệm chi không có khiếu nại hoặc phản hồi về việc không nhận được tiền chuyển khoản là căn cứ xác định Thúy Đạt đã được Techcombank cho Thúy Đạt vay tiền. Một suy luận có logic không? Nếu sau ngày ra bản án này có đối tác nhận tiền theo ủy nhiệm chi khiếu nại hay đòi tiền Thúy Đạt thì sao đây?
Tòa án chấp nhận Techcombank yêu cầu cơ quan thi hành án có thẩm quyền xử lý tài sản bảo đảm của Thúy Đạt là khăn, bông, sợi thế chấp khi không trả nợ được. Số bông sợi thế chấp này đã được các bên và tòa án xác định là không còn trên thực tế. Hơn nữa, chính Techcombank cũng thừa nhận tại văn bản số 1368 ngày 24/12/2012 rằng do Thúy Đạt tự ý đưa hàng hóa thế chấp là bông sợi vào sản xuất nên phải thế chấp 3,5 triệu chiếc khăn thành phẩm.
Thúy Đạt cho biết lẽ đương nhiên ai cũng hiểu rằng 3,5 triệu chiếc khăn này là hàng thay thế cho bông sợi. Khi bông sợi không còn trên thực tế, phải chăng tòa án tuyên xử lý tài sản thế chấp ảo? Về tài sản thế chấp là khăn cũng có vấn đề. Tòa án và Techcombank không công nhận 3,5 triệu khăn thành phẩm mà Thúy Đạt xuất trình là tài sản thế chấp. Tuy nhiên, cả tòa án và Techcombank đều không xác định được số lượng khăn 3,5 triệu chiếc khăn thế chấp đang ở đâu, do ai quản lý. Ấy vậy, bản án vẫn tuyên chấp nhận khởi kiện của Techcombank có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án xử lý khăn thành phẩm mới 100% do Thúy Đạt sản xuất có giá trị không thấp hơn 23 tỷ.
Tại thời điểm tuyên án cho đến ngày 6/6/2017, Thúy Đạt không có bất cứ chiếc khăn thành phẩm mới 100% nào do mình sản xuất. Lại một lần nữa, tòa án tuyên xử lý tài sản ảo? Nếu xử lý khăn mới 100% thì có nghĩa là Thúy Đạt phải đưa hàng hóa khác vào thay thế. Như vậy, tòa án phải tuyên là Thúy Đạt có trách nhiệm đưa hàng hóa khác vào thay thế rồi Techcombank mới có quyền xử lý tài sản thay thế đó. Nhưng trong đơn khởi kiện, Techcombank không yêu cầu như vậy, sao tòa án vẫn tuyên theo hướng đưa hàng hóa khác vào thay thế?
Ông Nguyễn Văn Châu và bà Trần Thị Thanh là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đến vụ án này đã nộp đơn yêu cầu độc lập, yêu cầu tòa án tuyên bố hai văn bản công chứng vô hiệu, đó là Hợp đồng thế chấp số 105 và Hợp đồng ủy quyền số 106 do Công chứng viên Cù Đức Thuận thuộc Phòng Công chứng số 1 tỉnh Nam Định ký ngày 18/1/2012.
Nghĩa là, ông Châu bà Thanh yêu cầu Tòa án xem xét những hành vi vi phạm của công chứng viên trong quá trình công chứng hai văn bản công chứng nêu trên. Nhưng trong bản án, Tòa án lại xem xét các bên tham gia ký kết hợp đồng có vi phạm nghiêm trọng không.
Theo Điều 45 của Luật Công chứng năm 2006 và Điều 52 Luật Công chứng năm 2014, quy định: “Người có quyền lợi ích liên quan, có quyền đề nghị Tòa án tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu khi có căn cứ cho rằng việc công chứng có vi phạm pháp luật”.
Trong quá trình xét xử, Thúy Đạt đã chứng minh công chứng viên có hơn 20 hành vi vi phạm, vi phạm 12 điều luật. Trong bản án, Tòa án thấy rằng việc công chứng viên có sai sót nhưng không làm khác đi nội dung cơ bản của hợp đồng và không vi phạm điều cấm của pháp luật nên không tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu. Như nêu ở trên, Điều 45 của Luật Công chứng năm 2006 và Điều 52 Luật Công chứng 2014 ghi rõ chỉ cần có vi phạm thì tòa tuyên vô hiệu chứ đâu cần vi phạm điều cấm. Thật kỳ lạ!
Hiện nay, Thúy Đạt đang làm thủ tục đề nghị cơ quan có thẩm quyền khởi tố vụ án. Bởi lẽ, Tòa án và Techcombank khẳng định 3,5 triệu khăn do Thúy Đạt xuất trình không phải là khăn thế chấp thì số khăn thế chấp thực tế đã bàn giao cho Techcombank AMC là đơn vị trông giữ đâu rồi? Ai chịu trách nhiệm về số hàng mất mát này? Ông Nguyễn Văn Châu là Giám đốc Công ty CP Thúy Đạt khẳng định: Nếu Thúy Đạt tẩu tán tài sản thế chấp thì bị khởi tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản; nếu vậy thì vụ án phải chuyển sang hình sự chứ không thuộc thẩm quyền của phiên tòa dân sự.
Đặc biệt, ngày 6/11/2017, Thúy Đạt đã nộp đơn yêu cầu mở tục phá sản tại Tòa án Nhân dân thành phố Nam Định. Thúy Đạt đã cung cấp tài liệu chứng minh tòa án đã nhận đơn. Trong đơn này, Thúy Đạt nêu nguyên nhân dẫn đến phá sản là do Tòa án Nhân dân thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định ra bản án số 20/2017/KDTM-ST ngày 13/10/2017.
Thúy Đạt cho rằng Tòa án không chấp nhận yêu cầu của Thúy Đạt đòi Techcombank bồi thường hơn 70 tỷ thiệt hại, mà theo Thúy Đạt thì Techcombank có lỗi trong việc khăn thế chấp xuống cấp về mặt chất lượng và mất 100% giá trị. Số tiền bị thiệt hại này lẽ ra để trả cho các đối tác và dùng làm vốn lưu động cho sản xuất kinh doanh thì Thúy Đạt không mất khả năng thanh toán.
Ông Nguyễn Văn Châu - Giám đốc Công ty đặt câu hỏi: “Tại sao Điều 7 và Điều 15 Quy chế cho vay số 1627/2001 của Ngân hàng Nhà nước quy định bên cho vay chịu trách nhiệm thẩm định tài sản. Nhưng khi thẩm định tài sản thế chấp vào năm 2012, Techcombank lại không ghi chi tiết màu sắc, kích thước, trọng lượng, và tại sao Techcombank AMC là đơn vị của Techcombank thuê trông giữ tài sản lại tự ý bỏ rơi tài sản thế chấp, để rồi nay khi xảy ra tranh chấp không có căn cứ xác định hàng thế chấp là hàng nào, vì không có thông số chi tiết để đặc định tài sản. Phải chăng đó là hành động qua loa vô trách nhiệm hay một âm mưu sâu xa khủng khiếp. Để rồi, tất cả lỗi đó Thúy Đạt phải gánh chịu. Thật quá cay đắng!”.
Chúng tôi tiếp tục thông tin tới quý bạn đọc về những diễn tiến vụ việc.
Kính Dân