Năm 2015, ngân hàng tranh nhau bán nợ xấu cho VAMC

Thay vì ôm nợ để có lợi nhuận như trước đây, hàng loạt nhà băng đã bắt đầu nên kế hoạch bán nợ xấu cho Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) trong năm 2015 này.

Lên kế hoạch

Theo báo cáo của Ban điều hành Vietcombank tại ĐHCĐ vừa qua, số dư nợ xấu tại thời điểm cuối tháng 12-2014 là 7.459 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu ở mức 2,31 %, giảm 0,42% so với năm 2013. Năm 2014 thu nợ xấu của Vietcombank 2.460 tỷ đồng, tăng 39% so với năm 2013, trong đó thu nợ xấu nhóm 5 chiếm 40%; tỷ lệ quỹ dự phòng rủi ro/nợ xấu được duy trì ở mức cao 98%.

Cũng trong năm 2014, thu hồi nợ  ngoại bảng đạt 1.905 tỷ đồng (ghi vào thu nhập 1.768 tỷ đồng, trong đó thu nợ đã xử lý rủi ro đạt gần 1.420 tỷ đồng, thu nợ đã bán cho VAMC đạt 357 tỷ đồng), đạt 147% kế hoạch cả năm (ở mức 1.200 tỷ đồng ghi vào thu nhập). Còn theo báo cáo tài chính hợp nhất đã kiểm toán của Vietombank 2014, trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành 1.925 tỷ đồng và dự phòng cụ thể trái phiếu VAMC hơn 185 tỷ đồng. Về phương án bán nợ cho VAMC, lãnh đạo Vietcombank dự kiến bán 1.000 tỷ đồng nợ cho VAMC trong năm 2015.

Đối với Sacombank, năm 2014 NH đã thực hiện thương vụ bán nợ cho VAMC với giá trị đáng kể, đổi lấy 4.349 tỷ đồng trái phiếu đặc biệt của VAMC (dư nợ gốc là 4.984 tỷ đồng). Theo nhận định của phòng phân tích Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC), giá trị nợ xấu đã bán cho VAMC của Sacombank cao hơn so với mức ước tính của tổ chức này trước đây 2.871 tỷ đồng. Kể từ đầu năm 2015,  theo Chủ tịch VAMC thì các NH rất khẩn trương lên kế hoạch bán nợ cho VAMC. Trong mùa ĐHCĐ thường niên năm nay, các NH cũng lần lượt tiết lộ số nợ xấu đã bán và kế hoạch bán nợ cho VAMC. Tại BIDV, năm 2014, NH đã bán khoảng 6.600 tỷ đồng nợ cho VAMC. Nếu điều kiện cho phép, BIDV dự kiến tiếp tục bán khoảng 8.000 tỷ đồng trong năm 2015.

Hay ACB, trong năm 2014 đã bán 1.043 tỷ đồng cho VAMC và nhận lại trái phiếu đặc biệt ở mức 970 tỷ đồng. Về xử lý nợ xấu, tỷ lệ nợ xấu của ACB dưới 2,2% và không thuộc diện bắt buộc bán nợ cho VAMC. Tuy nhiên, theo lãnh đạo NH này, để chủ động trong việc xử lý nợ, ACB vẫn đăng ký bán xấp xỉ 1.000 tỷ đồng nợ trong năm 2015 cho VAMC. ACB đặt mục tiêu xử lý 1.600 tỷ đồng nợ xấu và sẽ chủ động xử lý tài sản đảm bảo để thu hồi nợ. Đối với VietinBank, giá trị nợ xấu đã bán cho VAMC 4.500 tỷ đồng trong năm 2014 và đang có kế hoạch tiếp tục xem xét bán nợ cho VAMC trong năm 2015. Tương tự, theo ông Nguyễn Văn Lê, Tổng giám đốc SHB, năm 2014 NH đã hoán đổi cho Công ty Mua bán nợ và tài sản (DATC) 1.848 tỷ đồng và nhận về trái phiếu đặc biệt trị giá 600 tỷ đồng, hơn 1.200 tỷ đồng còn lại SHB được phép trích lập dự phòng trong vòng 10 năm.

Nằm 2015, ngân hàng tranh nhau bán nợ xấu cho VAMC
Nằm 2015, ngân hàng tranh nhau bán nợ xấu cho VAMC.

Ảnh hưởng đến lợi nhuận

Việc bán nợ xấu cho VAMC được xem là một liều thuốc đắng đối với doanh nghiệp. Theo quy định hiện hành những doanh nghiệp có tỷ lệ nợ xấu trên 3% buộc phải bán lại nợ xấu. Với việc Thông tư 09 có hiệu lực chắn chắn nợ xấu tại nhiều NH sẽ tăng lên. Điều này đồng nghĩa với số nợ xấu bán cho VAMC cũng sẽ tăng. Theo quy định hàng năm các NH phải trích lập dự phòng 20% giá trị trái phiếu đặc biệt trừ những TCTD đang thực hiện tái cơ cấu là 10% (tối đa 10 năm).

Với kế hoạch, năm 2015 VAMC mua khoảng 80.000 tỷ đồng nợ xấu, nâng tổng số nợ xấu VAMC mua lên khoảng 200.000 tỷ đồng, hàng năm các NH phải trích lập dự phòng cho trái phiếu đặc biệt khoảng 40.000 tỷ đồng. Con số này bằng 85% lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trước chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của 9 NH niêm yết trong năm 2014. Điều này cho thấy ảnh hưởng của việc trích lập dự phòng tới trái phiếu đặc biệt của VAMC với các NH rất lớn.

Chẳng hạn, với gần 5.000 tỷ đồng trái phiếu đặc biệt trong năm 2014, Sacombank có thể phải trích lập dự phòng cho riêng lượng trái phiếu này 1.000 tỷ đồng. Theo báo cáo của Sacombank, trong năm 2014 NH đạt lợi nhuận trước thuế 2.851 tỷ đồng, nếu loại trừ các yếu tố bất thường do ảnh hưởng từ các khoản nợ bán cho VAMC, lợi nhuận trước thuế 3.445 tỷ đồng.

Trong khi đó, nếu BIDV bán thành công 8.000 tỷ đồng nợ xấu trong năm 2015, tổng số trái phiếu đặc biệt BIDV nắm giữ 14.600 tỷ đồng, tính bình quân NH này có thể phải trích lập dự phòng 2.000 tỷ đồng. Xem ra với “liều thuốc” trái phiếu đặc biệt này, các NH không thể “giấu” nợ như trước nữa. Tuy nhiên, họ cũng có lối thoát là không phải trích lập dự phòng ngay lập tức cho số nợ xấu bị “lôi ra”, mà có thể kéo dài trong 5 năm, đối với các TCTD đang tái cơ cấu có thể 10 năm. Dù vậy, trái phiếu đặc biệt vẫn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến lợi nhuận của các NH trong năm 2015.

Theo ĐTCK

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục