Nagakawa: Lợi nhuận giảm 70%, nợ phải trả gần 1.500 tỷ đồng

Kết thúc quý II/2024, Tập đoàn Nagakawa ghi nhận khoản lãi sau thuế hơn 6,3 tỷ đồng, giảm tới gần 70% so với cùng kỳ năm 2023. Nợ phải trả của công ty tính đến 30/6/2024 là hơn 1.455,8 tỷ đồng.

Theo báo cáo tài chính quý II/2024 của Công ty cổ phần Tập đoàn Nagakawa vừa công bố, trong quý II công ty ghi nhận doanh thu hơn 1.007,6 tỷ đồng; tăng 38% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận gộp đạt hơn 56,7 tỷ đồng; giảm 16% so với cùng kỳ.

Trong kỳ, chi phí bán hàng tăng 48,2% lên hơn 31,1 tỷ đồng và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 14,3% lên hơn 8 tỷ đồng. Kết thúc quý II, Tập đoàn Nagakawa ghi nhận khoản lãi sau thuế hơn 6,3 tỷ đồng, giảm tới gần 70% so với cùng kỳ năm 2023.

Tính đến 30/6/2024, tổng cộng tài sản của Tập đoàn Nagakawa đạt hơn 1.892,4 tỷ đồng; tăng gần 23% so với hồi đầu năm. Chiếm chủ yếu là tài sản ngắn hạn với hơn 1.666,9 tỷ đồng. Nagakawa hiện có hơn 7,7 tỷ đồng tiền mặt; hơn 19 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng và 60 tỷ đồng các khoản tương đương tiền.

Các khoản phải thu ngắn hạn của công ty chiếm tới gần 50% tài sản ngắn hạn với hơn 749,9 tỷ đồng.

Trong đó, chủ yếu là phải thu ngắn hạn của khách hàng hơn 729 tỷ đồng, đơn cử như: Công ty TNHH phát triển kinh tế quốc tế Anh Vũ (hơn 161,6 tỷ đồng); CTCP Nagakawa TP.HCM (hơn 186 tỷ đồng); CTCP Việt Phúc Hưng Yên (hơn 101 tỷ đồng); Công ty TNHH MTV thương mại Đức Thành (hơn 16,5 tỷ đồng); CTCP Điện lạnh Ngọc Nguyên Châu (hơn 31,6 tỷ đồng),….

Nợ phải trả của Tập đoàn Nagakawa tính đến 30/6/2024 là hơn 1.455,8 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu hơn 419,3 tỷ đồng. Như vậy, hiện hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu của công ty là gấp 3,5 lần.

Trên bảng báo cáo lưu chuyển tiền tệ, lưu chuyển tiền thuần trong năm dương 30,9 tỷ đồng; cùng kỳ âm 6,2 tỷ đồng. Trong đó, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động tài chính âm 143,8 tỷ đồng, cùng kỳ dương 24 tỷ đồng.

Thế chấp BĐS, cổ phiếu và trái phiếu vay ngân hàng

Theo báo cáo tài chính quý II/2024, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn của Tập đoàn Nagakawa hiện hơn 981,5 tỷ đồng; chiếm tới 66,6% nợ phải trả.

Trong đó, vay hơn 363,7 tỷ đồng tại Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam, chi nhánh Thành An; hơn 99,7 tỷ đồng tại Ngân hàng TMCP Quân Đội, chi nhánh Điện Biên Phủ; hơn 275,2 tỷ đồng Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển, chi nhánh Hà Nội; hơn 32,4 tỷ đồng Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam, chi nhánh Hà Nội; hơn 79,8 tỷ đồng Ngân hàng Quốc tế Việt Nam, chi nhánh Đống Đa và 130,5 tỷ đồng Ngân hàng đại chúng TNHH Kasikorn, chi nhánh HCM.

Mục đích vay khá đa dạng như: bổ sung vốn lưu động cho hoạt động sản xuất kinh doanh; tài trợ cho các nhu cầu tín dụng ngắn hạn phục vụ sản xuất kinh doanh của khách hàng; bổ sung vốn lưu động phục vụ hoạt động kinh doanh điều hoà, linh kiện điều hoà, thiết bị nhà bếp,…

Hợp đồng vay được đảm bảo bằng: quyền sử dụng đất tại tỉnh Hưng Yên, Hà Nội; trái phiếu ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (tổng giá trị trái phiếu 20 tỷ đồng); cổ phiếu Tập đoàn Nagakawa; máy móc thiết bị thuộc quyền sở hữu của CTCP May KLW Việt Nam; ô tô Mercedes-Benz, Toyota; hàng tồn kho; trái phiếu ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam, hợp đồng tiền gửi có kỳ hạn tại ngân hàng; quyền đòi nợ hình thành từ các đề nghị thanh toán, biên bản xác nhận đối chiếu công nợ, hoá đơn GTGT,…

Minh Đức

Vietnamfinance
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục