Mỹ lo ngại nguy cơ an ninh quốc gia
Reuters cho biết, công ty tư nhân của Trung Quốc Canyon Bridge Capital Partners đã có kế hoạch thâu tóm nhà sản xuất chip Lattice Semiconductor có trụ sở tại thành phố Portland, bang Oregan, Mỹ với giá 1,3 tỷ USD. Đây được cho là một trong những kế hoạch thâu tóm lớn nhất của một doanh nghiệp Trung Quốc trong lĩnh vực vi xử lý ở Mỹ.
Tuy nhiên, giới quan chức quốc phòng Mỹ đã chỉ ra những lo ngại về thương vụ thâu tóm Lattice khi biết doanh nghiệp có ý định mua Lattice là một công ty được chính phủ Trung Quốc chống lưng.
Trong sắc lệnh hành pháp ký ngày 13/9, Tổng thống Mỹ Donald Trump kết luận hai công ty Lattice và Canyon Bridge "cần thực hiện tất cả những bước cần thiết để bãi bỏ hoàn toàn và vĩnh viễn thương vụ đã đề xuất" trong vòng 30 ngày.
Châu Âu tự vệ trước làn sóng thôn tính của Trung Quốc
Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker mới đây đã đề xuất một "Khuôn khổ châu Âu" về kiểm soát đầu tư nước ngoài của EU nhằm bảo vệ các lĩnh vực chiến lược trước những mối lo chủ yếu do làn sóng thôn tính các công ty châu Âu của nhà đầu tư Trung Quốc.
Việc công ty Midea của Trung Quốc mua lại nhà chế tạo robot Kuka của Đức hồi năm 2016 làm dấy lên nhiều lo ngại. Ảnh: DPA
Đề xuất trên được các quốc gia Đức, Pháp và Italy ủng hộ nhiệt tình và được xem là "một bước đi quan trọng hướng tới một sân chơi bình đẳng ở châu Âu."
Trước đó, vào tháng 7/2017, Đức đã triển khai các biện pháp nhằm ngăn các công nghệ tiên tiến lọt vào tay các nhà đầu tư nước ngoài sau khi tập đoàn Midea của Trung Quốc mua lại nhà sản xuất robot Kuka hồi năm ngoái. Thoả thuận gây nhiều lo ngại khi hoàn tất trót lọt mà không có sự phản ứng nào của chính quyền Đức hoặc EU.
Ngay sau hành động của Berlin, thủ tướng Anh Theresa May cũng cam kết sẽ có biện pháp tương tự.
Pháp cũng đã có một đạo luật riêng nhằm ngăn chặn các thỏa thuận như vậy trong một số lĩnh vực như năng lượng và viễn thông.
Đầu tư trực tiếp của Bắc Kinh tại châu Âu hầu như chẳng có gì vào năm 2009 nhưng nhanh chóng nhảy vọt lên 13 tỷ euro năm 2014. Con số tiếp tục tăng gấp đôi vào năm 2015 và đạt đỉnh điểm 35 tỷ euro năm ngoái.
Đáng chú ý là phần lớn các vụ thâu tóm, khoảng 70%, đều do các công ty thuộc sở hữu nhà nước của Trung Quốc, theo Viện nghiên cứu Mercator có trụ sở tại Đức.
Phương Anh