Ngày 26/9, văn phòng Kiểm soát Trừng phạt Tài sản nước ngoài, Bộ Tài chính Mỹ, cho biết Mỹ trừng phạt 8 ngân hàng cùng 26 cá nhân Triều Tiên. Những cá nhân này là đại diện của ngân hàng Triều Tiên tại Trung Quốc, Nga, Libya và Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE).
Một phần thủ đô Bình Nhưỡng, Triều Tiên. Ảnh: Reuters.
Danh sách bị trừng phạt bao gồm Ngân hàng Thương mại quốc tế Triều Tiên, ngân hàng trung ương Triều Tiên. Theo Bộ Tài chính Mỹ, Ngân hàng Thương mại quốc tế Triều Tiên có các giao dịch liên quan chương trình vũ khí của Bình Nhưỡng. Toàn bộ tài sản và lợi ích của các đối tượng bị trừng phạt ở Mỹ sẽ bị đóng băng khỏi hệ thống tài chính toàn cầu.
Lý do trừng phạt này được nêu rõ là nhằm đáp trả việc Triều Tiên vẫn đang tiếp tục phát triển các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt (WMD) và tiếp tục vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Động thái này diễn ra chỉ vài ngày sau khi Liên hợp quốc cũng thông qua một gói trừng phạt mới cứng rắn hơn nhằm vào Triều Tiên liên quan tới các hoạt động phát triển hạt nhân và tên lửa của nước này.
Cùng ngày, phát biểu trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy tại Nhà Trắng, Tổng thống Trump tuyên bố Mỹ sẵn sàng thực thi “biện pháp quân sự” mang tính hủy diệt nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng đang ngày càng leo thang với Triều Tiên.
Tổng thống Mỹ Donald Trump.
“Chúng tôi đã hoàn toàn sẵn sàng cho lựa chọn thứ hai – dù đó không phải là lựa chọn được ưu tiên. Nhưng nếu chúng tôi áp dụng lựa chọn này, tôi có thể nói với các bạn rằng nó sẽ có sức hủy diệt rất lớn”, ông Trump phát biểu.
Tổng thống Mỹ cũng cho rằng vũ khí hạt nhân của Triều Tiên sẽ đe dọa “toàn bộ thế giới với số người thiệt mạng ở mức không thể tưởng tượng được” và “tất cả quốc gia phải hành động ngay từ bây giờ để đảm bảo Triều Tiên sẽ từ bỏ vũ khí hạt nhân”.
Tuy nhiên, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cho rằng giải quyết vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên thông qua con đường ngoại giao vẫn là ưu tiên hàng đầu.
Phương Anh