Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải). Ảnh: EPA/TTXVN
Sau cuộc gặp ngày 1/12 bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Nhà Trắng cho hay việc tăng thuế từ 10% lên 25% đối với hàng hóa Trung Quốc trị giá 200 tỷ USD vào thời điểm đó sẽ được trì hoãn trong 90 ngày. Nếu vào cuối của kỳ hạn này, hai bên vẫn không thể đạt được một thỏa thuận, mức thuế 10% sẽ tăng lên thành 25%.
Việc Mỹ và Trung Quốc đạt thỏa thuận trên hứa hẹn những thay đổi tích cực trong mối quan hệ thương mại giữa hai nước cũng như thương mại toàn cầu, song vẫn đặt ra những nghi ngại nhất định về mối quan hệ Mỹ - Trung và triển vọng phát triển của nền kinh tế thế giới.
Tuyên bố của Nhà Trắng nêu rõ Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đồng ý trì hoãn việc tăng thuế lên 25% từ mức 10% hiện nay đối với gói hàng hóa nhập khẩu trị giá 200 tỷ USD từ Trung Quốc như đã thông báo trước đó.
Ngược lại, Trung Quốc đã đồng ý mua một lượng lớn hàng nông sản, năng lượng và các sản phẩm khác của Mỹ nhằm giảm thâm hụt thương mại song phương.
Tuy nhiên, nếu trong vòng 90 ngày hai bên không đạt được thỏa thuận về các vấn đề thương mại như chuyển giao công nghệ, sở hữu trí tuệ, hàng rào phi thuế quan, đánh cắp công nghệ và nông nghiệp, hai bên đồng ý Mỹ sẽ tăng mức thuế từ 10% sẽ lên 25%.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (Wang Yi) cho biết Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhất trí rằng Trung Quốc và Mỹ "có thể và cần phải" đảm bảo thành công trong quan hệ song phương. Phát biểu tại cuộc họp báo sau cuộc gặp Trump - Tập, Ngoại trưởng Vương Nghị nhấn mạnh rằng hai nước cần cùng nâng cao trách nhiệm đối với hòa bình và ổn định của thế giới, và hai bên có nhiều lợi ích chung hơn là những bất đồng.
Ông Donald Trump và nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã có một mối quan hệ gập ghềnh. Năm 2017, Tổng thống Trump dường như là người xuống thang và Bắc Kinh ở thế “cửa trên”. Tổng thống Trump thậm chí không đổ lỗi cho Trung Quốc gây ra thặng dư mậu dịch, nói rằng đó là lỗi của các chính quyền Mỹ trước đó.
Đổi lại, Trung Quốc cho biết sẽ giảm bớt rào cản thâm nhập thị trường đối với một số ngành, và các nhà đầu tư trên khắp thế giới thở phào nhẹ nhõm.
Nhưng trong suốt năm 2018, mối quan hệ của họ rạn nứt nhanh chóng. Động thái áp thuế và trả đũa làm gia tăng một cuộc chiến thương mại đe dọa làm nghèo nền kinh tế thế giới. Theo Viện Brookings, Mỹ có mối quan ngại chính đáng về tiếp cận thị trường ở Trung Quốc. Nhưng thuế quan không phải lúc nào cũng là vấn đề.
Trên thực tế, Bắc Kinh đã giảm thuế và trong một số lĩnh vực, thuế suất còn thấp hơn các thị trường mới nổi khác. Cái mà Trung Quốc cần phải thay đổi là làm sao chính phủ có thể giảm hạn chế sự tiếp cận của các công ty nước ngoài đối với người tiêu dùng.
Có những hạn chế trực tiếp đầu tư vào các lĩnh vực từ xe o tô, dịch vụ tài chính và viễn thông. Điều đó khiến các công ty nước ngoài khó đầu tư vào Trung Quốc, và họ khó bán hàng hóa cho khách hàng Trung Quốc mà không phải tham gia một dạng công ty liên doanh nào đó.
Đó là lúc mà các chủ đề chuyển giao công nghệ và các vấn đề sở hữu trí tuệ được đưa ra. Trung Quốc sẽ cần phải từ bỏ các quy định liên doanh của họ để xoa dịu Mỹ, và thật khó để nhìn thấy họ sẽ làm điều đó bởi điều mà Bắc Kinh khao khát nhất chính là kiểm soát.
Nếu Bắc Kinh cho phép các công ty nước ngoài đưa ra các điều kiện để đầu tư, về cơ bản nó sẽ thay đổi cách hoạt động của Trung Quốc. Trong một thời đại mà Chủ tịch Tập Cận Bình đã kiểm soát nhiều hơn đối với nền kinh tế, chứ không bớt kiểm soát, điều đó là rất khó xảy ra.
TTXVN