Mùa trung thu đang cận kề, người tiêu dùng cần cẩn trọng lựa chọn bánh trung thu

Mùa trung thu đang đến gần, nhu cầu sử dụng bánh trung thu tăng cao, vì vậy bên cạnh việc các cơ quan quản lý cần tăng cường việc kiểm tra các cơ sở kinh doanh bánh trung thu, việc nâng cao kiến thức cho người tiêu dùng để lựa chọn các sản phẩm an toàn, uy tín cũng hết sức quan trọng.

 

Gần 11.000 chiếc bánh trung thu không rõ nguồn gốc bị lực lượng chức năng kiểm tra và phát hiện.
Gần 11.000 chiếc bánh trung thu không rõ nguồn gốc bị lực lượng chức năng kiểm tra và phát hiện.
 

Kiểm tra, thu giữ các sản phẩm bánh trung thu không rõ nguồn gốc

Sáng ngày 15/8, Đoàn kiểm tra của Đội QLTT số 24 - Cục QLTT Hà Nội đã bất ngờ kiểm tra Hộ kinh doanh cửa hàng bánh kẹo tại địa chỉ số nhà 46, thôn Chùa Tổng, Xã La Phù, Huyện Hoài Đức, Thành Phố Hà Nội.

Tại thời điểm kiểm tra tại cửa hàng đang bày bán hàng hóa là 10.800 chiếc bánh trung thu có nhãn ghi bằng tiếng nước ngoài, do nước ngoài sản xuất, ước tính trị giá hàng hóa khoảng 27.000.000 đồng.

Đáng chú ý, trong quá trình kiểm tra, chủ cửa hàng là ông Nguyễn Công Dũng không xuất trình được bất cứ hóa đơn, chứng từ nào chứng minh nguồn gốc của 10.800 chiếc bánh trung thu do nước ngoài sản xuất nêu trên.

Theo lời khai của chủ cơ sở, gần Tết Trung thu nhu cầu tiêu thụ cao nên ông đã nhập hàng trôi nổi trên thị trường về bán hàng phục vụ nhu cầu của người dân. Toàn bộ số hàng hóa trên không có hóa đơn chứng từ.

Đoàn kiểm tra Đội QLTT số 24 đã tiến hành tạm giữ toàn bộ số hàng hóa là 10.800 chiếc bánh trung thu do nước ngoài sản xuất để tiếp tục xác minh làm rõ.

Trước đó không lâu, nhiều chuyên gia cũng đã lên tiếng cảnh báo việc trên thị trường Việt Nam hiện đang rộ lên các loại bánh trung thu mini của Trung Quốc bán với giá siêu rẻ được bán tràn lan, với giá chỉ từ 2.000 đến 5.000 đồng một cái hoặc chỉ vài chục nghìn đồng nếu mua theo cân. Điều này làm dấy lên nhiều lo ngại liên quan đến chất lượng của sản phẩm.

Thậm chí, một số người sản xuất bánh trung thu truyền thống lâu năm còn cho biết nếu mua nguyên liệu với giá cả và chất lượng ở tối thiểu mà vẫn đảm bảo độ ngon, an toàn thực phẩm thì cũng không thể bán với mức giá quá rẻ như vậy...

Nhiều người sản xuất bánh trung thu cho biết, với mức giá rẻ như "bèo" vậy thì khó có thể đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm được.
Nhiều người sản xuất bánh trung thu cho biết, với mức giá rẻ như "bèo" vậy thì khó có thể đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm được.
 

Người tiêu dùng nên lựa chọn thông minh

Mùa trung thu đang đến gần, nhu cầu tiêu thụ bánh trung thu trong thời điểm này tăng cao. Liên quan đến vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, đặc biệt là để chọn bánh trung thu an toàn, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) khuyến cáo, người dân cần chú ý theo các tiêu chí quy định trong Bộ Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) năm 2020 do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành đối với sản phẩm bánh nướng, bánh dẻo (bánh trung thu).

Theo TCVN 2020, bánh trung thu cần đạt các tiêu chí về thành phần nguyên liệu theo quy định, yêu cầu cảm quan, các chỉ tiêu lý hóa, giới hạn phụ gia thực phẩm, đóng gói bao bì… Với hàng loạt các tiêu chí khắt khe, TCVN 2020 chính là mốc đánh dấu chất lượng bánh trung thu ngon lại an toàn với sức khỏe người sử dụng.

Người tiêu dùng cần quan sát các thành phần của nhãn bánh: Sản phẩm phải có nguồn gốc rõ ràng, có tên của nhà sản xuất, địa chỉ nơi sản xuất, có hướng dẫn sử dụng, bảo quản... Sản phẩm phải ghi ngày sản xuất, thời hạn sử dụng và còn hạn sử dụng.

Thông thường bánh trung thu được trưng bày trước các cửa hiệu để người mua tiện quan sát và lựa chọn, tuy nhiên sẽ vô tình làm sản phẩm tiếp xúc với ánh nắng, làm gia tăng nhiệt độ của bánh, có thể gây chuyển hóa các chất béo trong nhân bánh, thúc đẩy sự phát triển của các vi sinh vật…

Người tiêu dùng cần sử dụng cảm quan để đánh giá bảo đảm sản phẩm không bị dập nát biến dạng, bao bì không rách nát, không có màu sắc khác thường, không bị thiu, ẩm mốc, hư hỏng và không có mùi khác lạ.

Người tiêu dùng cũng nên mua bánh ở những địa điểm kinh doanh xác định, đáp ứng các yêu cầu về điều kiện kinh doanh thực phẩm như: Có đủ trang thiết bị che đậy tránh bụi bẩn, mưa nắng, côn trùng xâm nhập; bảo quản đúng quy định trên nhãn sản phẩm của nhà sản xuất.

Trước đó, ngày 8/8/2022, UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 212/KH-UBND về đảm bảo an toàn thực phẩm Tết Trung thu trên địa bàn thành phố năm 2022.

Theo Kế hoạch, UBND thành phố Hà Nội yêu cầu việc thanh tra, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những vi phạm về chất lượng và điều kiện vệ sinh an toàn trong sản xuất, kinh doanh, quảng cáo thực phẩm, chú trọng vào các cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh Trung thu. Đồng thời, xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm theo đúng quy định pháp luật. Thanh tra, kiểm tra đúng tiến độ, báo cáo đúng thời gian, theo sự chỉ đạo thống nhất của Ban Chỉ đạo công tác an toàn thực phẩm.

Song song đó, UBND thành phố cũng đề nghị, trong quá trình thanh tra, kiểm tra kết hợp làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục các kiến thức, quy định pháp luật về bảo đảm an toàn thực phẩm, nâng cao nhận thức và ý thức cộng đồng trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm.

Cùng với đó, đẩy mạnh hoạt động truyền thông với sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể để phổ biến các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm, cũng như các kiến thức trong lực chọn, bảo quản sản phẩm thực phẩm đến người dân.

Thời gian triển khai từ ngày 15/8/2022 đến ngày 15/9/2022.

Trung Kiên

Pháp Luật và Xã hội
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục