'Mưa đã tạnh' với Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình?

Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HoSE: HBC) đã ghi nhận khoản lãi sau thuế 56,5 tỷ đồng trong quý I/2024. Kết quả này là sự an ủi phần nào đối với HBC sau 5 quý liên tiếp chìm trong thua lỗ.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất của HBC, quý I/2024, doanh thu thuần đạt 1.651 tỷ đồng, tăng 38% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận gộp đạt 21 tỷ đồng, cải thiện mạnh so với khoản lỗ gộp 202 tỷ đồng của cùng kỳ. Biên lợi nhuận gộp đạt 1,29%.

Doanh thu tài chính đạt 113 tỷ đồng, tăng 45 lần, chủ yếu nhờ bán các khoản đầu tư. Trong khi đó, chi phí tài chính giảm 27%, đạt 100 tỷ đồng và chi phí quản lý âm 21 tỷ đồng nhờ hoàn nhập dự phòng 89 tỷ đồng.

Những diễn biến này giúp HBC có lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh 51 tỷ đồng, cải thiện mạnh so với cùng kỳ (âm 447 tỷ đồng).

Với thêm 3,2 tỷ đồng lợi nhuận khác, HBC đã kết lại quý I/2024 với khoản lãi trước thuế 54,3 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ 442 tỷ đồng); lãi sau thuế 56,5 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ 445 tỷ đồng).

Kết quả này dường như cho thấy “cơn mưa” dài hơn 1 năm qua đã bắt đầu tạnh, bởi suốt từ quý IV/2022 tới nay, HBC luôn chìm trong thua lỗ. Cũng nhờ khoản lãi này, mức lỗ lũy kế của HBC được rút xuống còn 3.182 tỷ đồng.

Năm 2024, HBC đặt mục tiêu doanh thu thuần 10.800 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 433 tỷ đồng. Như vậy, kết quý I/2024, HBC đã hoàn thành 15,2% mục tiêu doanh thu và 13% mục tiêu lợi nhuận.

Tại ngày 31/3/2024, tổng tài sản của HBC đạt 14.892 tỷ đồng, giảm 2,3% so với đầu năm. Chất lượng tài sản vẫn ở mức rất xấu khi các khoản phải thu lên tới 10.618 tỷ đồng, giảm 4% so với đầu năm và chiếm 71,6% tổng tài sản. Dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi đạt 2.387 tỷ đồng, giảm 89 tỷ đồng, tương đương giảm 3,6%.

Hàng tồn kho trong 3 tháng qua giảm 27%, đạt 1.653 tỷ đồng, chiếm 11,1% tổng tài sản. Lượng tiền và tương đương tiền cũng giảm 19%, đạt 314 tỷ đồng.

Nợ phải trả của HBC rất lớn, đạt 14.743 tỷ đồng, giảm 2,7% so với đầu năm. Trong đó, nợ vay đạt 4.490 tỷ đồng, giảm 4,8%.

Với vốn chủ sở hữu chỉ 149 tỷ đồng, tăng 60% so với đầu năm, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu là 98,9 lần.

Để giải quyết vấn đề nợ nần nghiêm trọng, tại ĐHĐCĐ thường niên 2024, HBC đã thông qua phương án phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ mới năm 2024. Cụ thể, HBC sẽ phát hành tối đa 274 triệu cổ phiếu, trong đó phát hành cổ phiếu riêng lẻ để hoán đổi nợ là 74 triệu cổ phiếu (tỷ lệ hoán đổi 10.000 đồng: 1 cổ phiếu), phát hành cổ phiếu riêng lẻ là 200 triệu cổ phiếu (giá chào bán 12.000 đồng/cổ phiếu) để thanh toán các khoản vay ngân hàng. Tổng giá trị dự kiến phát hành thêm là 2.740 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự kiến trong 2 năm 2024 – 2025.

Nếu thực hiện được việc tăng vốn này, HBC xem như có thể thoát được “cửa tử”.

Trước đó, đầu tháng 4/2024, khi phát hành báo cáo kiểm toán 2023 và ghi nhận lỗ sau kiểm toán lên tới 1.115 tỷ đồng, HBC cũng đưa ra những lý giải cho khoản lỗ này, qua đó cho thấy tập đoàn này có cơ hội thoát “cửa tử”.

Một là, theo báo cáo quản trị (BCQT), giá các bất động sản được định theo giá thị trường trong khi trong báo cáo tài chính kiểm toán (BCTCKT) được ghi nhận theo giá gốc. Ngoài bất động sản, định giá những tài sản cố định của Hòa Bình trong BCTCKT cũng thấp hơn rất nhiều so với thực tế, nhiều tài sản cố định thậm chí không được đưa vào định giá vốn chủ sở hữu. Theo BCQT thì giá trị bất động sản theo thị trường hiện nay là 4.789 tỷ đồng trong khi theo BCTCKT chỉ ghi nhận 2.470 tỷ đồng.

Hai là, giá trị còn lại của máy móc thiết bị (MMTB) được ghi nhận trong BCTCKT không phù hợp với thực tế bởi 2 lý do chính: Giá trị khấu hao theo chế độ kiểm toán hiện hành chưa phản ánh đúng với khấu hao trong thực tế và sự trượt giá trên thị trường cũng tác động đáng kể đến giá trị còn lại của MMTB. Nhiều MMTB đã khấu hao hết và ghi nhận trong sổ sách bằng 0 nhưng thực tế vẫn còn hoạt động rất tốt.

Mặt khác, giá mua mới hiện nay trên thị trường cao hơn nhiều so với nguyên giá cho nên sự chênh lệch về giá trị còn lại của MMTB cũng rất lớn giữa 2 bản báo cáo, sự chênh lệch này lên đến 1.024 tỷ đồng.

Ba là, các khoản phải trích lập dự phòng theo chế độ kế toán hiện hành được xác định theo tuổi nợ, theo BCQT căn cứ vào nguyên nhân chậm thanh toán, sự đảm bảo về chất lượng công trình… về hoạt động kinh doanh của khách hàng cùng những đặc thù về hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực địa ốc và mức độ ảnh hưởng đến khả năng thu hồi nợ của Hoà Bình. Theo lịch sử, chưa bao giờ HBC xóa sổ bất kỳ khoản phải thu nào. Phần hoàn nhập dự phòng phải thu khó đòi cụ thể có sự chênh lệch là 1.450 tỷ đồng.

Bốn là, tăng các khoản phải thu theo phán quyết của tòa sẽ làm tăng VCSH. Lịch sử kinh nghiệm giải quyết các vụ kiện về thu hồi nợ mà trường hợp điển hình là món nợ trên 5 năm (theo qui định đã lập dự phòng 100%) của FLC, HBC thu hồi được 100% nợ gốc mà còn thu cả lãi và phạt có giá trị lên đến trên 58% nợ gốc. Phần chênh lệch khoản phải thu giữa giá trị ghi nhận trên sổ sách và giá trị phán quyết của toà là 652 tỷ đồng.

Vĩnh Chi

Vietnamfinace
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục