MSB vẫn mắc kẹt số tiền 500 tỷ đồng tại IOC, ngân hàng cân nhắc kế hoạch tổ chức đại hội cổ đông do dịch Covid-19

Tuần qua, những sai phạm trong quá trình mua - bán trái phiếu giữa IOC và ngân hàng MSB khiến dư luận quan tâm. Ngoài ra, do ảnh hưởng dịch Covid-19, các ngân hàng cân nhắc kế hoạch tổ chức đại hội cổ đông. Đồng thời, một số nhà băng đang tiến hành bổ nhiệm nhân sự cấp cao.

MSB mắc kẹt số tiền 500 tỷ đồng tại IOC

Ngày 1/9/2011, Công ty CP dịch vụ hỗ trợ và phát triển đầu tư (IOC) và Ngân hàng Hàng Hải MSB đã ký hợp đồng mua bán trái phiếu.

IOC đã phát hành 500 trái phiếu, tương đương với 500 tỷ đồng. Kỳ hạn trái phiếu là 5 năm, lãi suất 15%/năm đầu tiên. Ngay trong ngày ký hợp đồng, MSB đã chuyển đủ 500 tỷ đồng cho IOC. Đến hạn năm 2016, IOC không thể trả nợ cho bên mua, buộc MSB phải kiện ra tòa nhưng đến giờ vẫn chưa thu được số tiền bỏ ra.

MSB vẫn mắc kẹt số tiền 500 tỷ đồng tại IOC, ngân hàng cân nhắc kế hoạch tổ chức đại hội cổ đông do dịch Covid-19 - Ảnh 1
Ảnh minh họa

Mới đây, các cổ đông và thành phần HĐQT nhiệm kỳ mới của IOC đã rà soát hồ sơ và phát hiện ra, Ban lãnh đạo Công ty IOC nhiệm kỳ cũ 2011, đã phát hành trái phiếu trái phép khi chưa đủ điều kiện.

Theo Nghị định 52 về phát hành trái phiếu doanh nghiệp, có hiệu lực tại thời điểm năm 2011 thì doanh nghiệp muốn phát hành trái phiếu phải có đủ 5 điều kiện, trong đó quan trọng nhất là phải có báo cáo tài chính được kiểm toán của năm liền kề trước năm phát hành trái phiếu, có phương án phát hành trái phiếu được tổ chức, cá nhân có thẩm quyền thông qua.

Ngoài ra, tại Mục B, Khoản 2, Điều 88 Luật doanh nghiệp 2005 quy định: "Công ty không được quyền phát hành trái phiếu khi tỷ suất lợi nhuận sau thuế bình quân của 3 năm liên tiếp trước đó không cao hơn mức lãi suất dự kiến cho cho trái phiếu".

Tuy nhiên, ngày 10/9/2011, tức là 10 ngày sau khi phát hành 500 tỷ đồng trái phiếu cho MSB, IOC mới có báo cáo kiểm toán. Ngoài ra, biên bản họp hội đồng quản trị của Công ty IOC ngày 12/8/2011 về việc thông qua việc phát hành trái phiếu riêng lẻ, có chữ ký của ông Huỳnh Trung Nam, thành viên HĐQT bị làm giả. Đặc biệt, IOC còn phát hành trái phiếu với lãi suất lên tới 15%/năm, gấp 3 lần tỷ suất lợi nhuận sau thuế bình quân 3 năm liên tiếp của doanh nghiệp này là 5.3%.

Vì lợi nhuận thấp trung bình chỉ có 5.3% nhưng lại phải trả lãi lên tới 15%/năm, điều này dẫn đến việc IOC đã không trả được tiền gốc và lãi sau khi phát hành trái phiếu cho MSB.

Ngoài ra, theo hợp đồng mua bán trái phiếu, IOC sẽ dùng 500 tỷ đồng để thực hiện dự án Sunrise Hội An. Thế nhưng, sau khi nhận được tiền của MSB, IOC đã chuyển toàn bộ số tiền này để đi trả nợ cho các đơn vị khác. Liệu động thái này của IOC có bị MSB biết trước đó?

Đáng chú ý, dù MSB biết rõ các sai phạm trong hợp đồng nhưng vẫn ký mua; Phương thức phát hành trái phiếu sai nhưng MSB vẫn nhận đầu tư vào trái phiếu không có tài sản đảm bảo; Không thẩm tra/thẩm định hồ sơ giao dịch mua bán trái phiếu;…

Câu hỏi đặt ra là, việc cho vay vốn lớn dẫn tới rủi ro nợ xấu, nợ khó thu hồi tại MSB khiến nhiều người hoài nghi về trách nhiệm thẩm định, phê duyệt hạn mức tín dụng, giải ngân tại ngân hàng có vấn đề?

Có một điều chắc chắn, trái phiếu doanh nghiệp vốn đã khó trao đổi, khó mua, khó bán vì mua bán trái phiếu không khác gì mua bán nợ. Mà khi mua bán nợ còn phải dựa vào tình hình Công ty, dựa vào tài sản bảo đảm, nhưng với trái phiếu thì hầu hết không có tài sản hoặc là tài sản không đảm bảo. Do đó, MSB đang thực sự mắc kẹt số tiền 500 tỷ đồng tại IOC, chưa rõ ngày thu về.

Techcombank, Vietbank bổ nhiệm nhân sự cấp cao

Hội đồng Quản trị của Techcombank (HoSE: TCB) thông qua việc bổ nhiệm ông Phùng quang Hưng giữ chức vụ Phó Tổng giám đốc Thường trực kiêm Giám đốc điều hành và Giám đốc Khối Tư vấn tài chính và Dịch vụ khách hàng (CSA) từ 15/3.

MSB vẫn mắc kẹt số tiền 500 tỷ đồng tại IOC, ngân hàng cân nhắc kế hoạch tổ chức đại hội cổ đông do dịch Covid-19 - Ảnh 2
Ông Phùng Quang Hưng. Ảnh: Techcombank.

Được biết, ông Phùng Quang Hưng đã tốt nghiệp chuyên ngành công nghệ thông tin trường Đại học Bách khoa Hà Nội năm 1995. Năm 2001, ông tốt nghiệp Đại học Washington State, Hoa Kỳ với tấm bằng MBA Kinh tế quốc tế.

Ông đã có nhiều năm công tác trong lĩnh vực tài chính ngân hàng và từng giữ các chức vụ như Giám đốc Vận hành và Công nghệ tại Ngân hàng ABN AMRO Việt Nam; Giám đốc Khối Vận hành và Công nghệ Techcombank từ tháng 9/2010.

Trước đó, Hội đồng Quản trị Techcombank thông qua Nghị quyết miễn nhiệm chức danh Tổng giám đốc với ông Nguyễn Lê Quốc Anh theo nguyện vọng cá nhân từ ngày 1/9/2020. Trong thời gian chưa bổ nhiệm Tổng giám đốc mới, HĐQT giao cho Chủ tịch HĐQT quyết định cơ chế làm việc và tổ chức phân công công việc đối với Giám đốc điều hành/Phó Tổng giám đốc và cá nhân khác để thực hiện chức năng, nhiệm vụ thuộc thẩm quyền.

Cuối năm 2019, ngân hàng cũng đã thành lập Khối Quản trị Ngân hàng do Phó Chủ tịch kiêm Phó Tổng giám đốc Đỗ Tuấn Anh chịu trách nhiệm quản lý quan hệ đối tác trong và ngoài ngân hàng. Cùng với đó là Khối Ngân hàng Giao dịch Toàn cầu (GTS) do Phó Tổng giám đốc Phan Thanh Sơn đứng đầu. Khối GTS là sự hợp nhất giữa Ngân hàng Giao dịch và Khối Nguồn vốn.

Tương tự, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (VietBank - VBB) vừa thông tin về việc thay đổi nhân sự cấp cao. Cụ thể, HĐQT ngân hàng đã thống nhất thông qua việc miễn nhiệm chức danh Tổng giám đốc đối với ông Nguyễn Thanh Nhung kể từ ngày 13/3/2020.

MSB vẫn mắc kẹt số tiền 500 tỷ đồng tại IOC, ngân hàng cân nhắc kế hoạch tổ chức đại hội cổ đông do dịch Covid-19 - Ảnh 3
Ông Nguyễn Thanh Nhung.

Để bảo đảm điều hành hoạt động kinh doanh liên tục, HĐQT cũng đã thống nhất bổ nhiệm ông Lê Huy Dũng – Phó Tổng giám đốc Vietbank giữ chức danh Quyền Tổng giám đốc Vietbank và thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của Người đại diện theo pháp luật của Vietbank.

MSB vẫn mắc kẹt số tiền 500 tỷ đồng tại IOC, ngân hàng cân nhắc kế hoạch tổ chức đại hội cổ đông do dịch Covid-19 - Ảnh 4
Ông Lê Huy Dũng – Phó Tổng giám đốc Vietbank làm Quyền Tổng giám đốc Vietbank.

Được biết, ông Nguyễn Thanh Nhung đã gắn bó hơn 6 năm với Vietbank trên cương vị Tổng giám đốc. Trong khi đó, Quyền Tổng Giám đốc là Ông Lê Huy Dũng tốt nghiệp Đại học Kinh tế Quốc Dân và cũng có trên 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính ngân hàng. Ông bắt đầu tham gia vào công tác điều hành tại Vietbank trên cương vị Phó Tổng Giám đốc từ tháng 08/2017 đến nay.

Ảnh hưởng dịch Covid-19, các ngân hàng cân nhắc kế hoạch tổ chức đại hội cổ đông

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa ban hành Công điện số 02/ CĐ-NHNN về tăng cường phòng, chống dịch bệnh covid-19 trong tình hình mới.

Một trong những nội dung quan trọng của Công điện số 02 là NHNN yêu cầu các TCTD chủ động phối hợp với NHNN chi nhánh trên địa bàn xin ý kiến của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh và các cơ quan có thẩm quyền tại địa phương về việc tổ chức đại hội cổ đông/đại hội thành viên để có hình thức tổ chức phù hợp hoặc xin lùi thời điểm tổ chức, đảm bảo nghiêm ngặt việc phòng, chống dịch Covid-19 trong điều kiện có nhiều diễn biến phức tạp theo đúng chỉ đạo và hướng dẫn của chính quyền địa phương, các cấp, các ngành có thẩm quyền.

MSB vẫn mắc kẹt số tiền 500 tỷ đồng tại IOC, ngân hàng cân nhắc kế hoạch tổ chức đại hội cổ đông do dịch Covid-19 - Ảnh 5
Ông Lê Huy Dũng – Phó Tổng giám đốc Vietbank làm Quyền Tổng giám đốc Vietbank.

Trước đó, có nhiều ngân hàng đã chính thức lên lịch tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2020.

Cụ thể, Eximbank dự kiến tổ chức ÐHCÐ bất thường vào ngày 5/3/2020 nhằm bầu bổ sung một thành viên HÐQT vào nhiệm kỳ 2015-2020. Sau đó, Ngân hàng sẽ tiến hành họp ÐHCÐ thường niên 2020 vào ngày 22/4/2020. Tuy nhiên, Eximbank vừa thông báo hoãn đại hội cổ đồng bất thường dự kiến tổ chức vào ngày 5/3 vì lo ngại dịch Covid-19.

BIDV dự kiến tiến hành đại hội cổ đông vào ngày 7/3 tại Viện đào tạo và nghiên cứu BIDV, 773 đường Hồng Hà, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Ngày đăng ký tham dự đại hội cổ đông cuối cùng theo lịch công bố của BIDV là ngày 17/2.

Sacombank chốt danh sách cổ đông vào ngày 28/2/2020. Thời gian tổ chức dự kiến vào sáng ngày 24/4/2020.

Ngân hàng ACB thông báo về việc tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2020, dự kiến diễn ra vào ngày 7/4/2020. Ngày đăng kí cuối cùng để thực hiện quyền tham dự họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2020 là 6/3.

Kienlongbank cũng thông báo ngày đăng kí cuối cùng để lập danh sách cổ đông tham dự đại hội đồng cổ đông thường niên 2020 là 5/3/2020. Thời gian dự kiến tổ chức họp đại hội vào tháng 3/2020 tại Thành phố Rạch Giá, Kiên Giang.

Vietcombank thông báo tổ chức ÐHCÐ thường niên 2020 vào ngày 24/4/2020. Ngày đăng ký cuối cùng để chốt danh sách cổ đông tham gia cuộc họp là ngày 18/3/2020. Và nhiều ngân hàng khác cũng đã lên lịch cho mùa đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020.

Tuy nhiên, với tình hình dịch Covid-19 ngày càng diễn biến phức tạp như hiện nay, nhiều ngân hàng đã sẽ phải lùi lịch chưa rõ ngày tổ chức

Theo Hà Phương(T/H)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục