Một số tác dụng phụ không mong muốn của Vitamin B12

(Kinhdoanhnet) - Vitamin B12 là vitamin tan trong nước và lượng dư thừa vitamin B12 trong cơ thể thường được thận đào thải nên ít gây độc tính cho cơ thể. Tuy nhiên, việc bổ sung vitamin B12 với liều cao trong một thời gian dài sẽ gây ra các tác dụng phụ nguy hiểm như rối loạn tiêu hóa, nhức đầu, gây tê, liệt yếu….

Vitamin B12 còn được gọi là Cobalamin, thuộc gia đình vitamin B tan trong nước và tham gia vào một số quá trình tạo máu của cơ thể con người.

Một số tác dụng phụ không mong muốn của Vitamin B12 - Ảnh 1
Cần phải hết sức thận trọng khi bổ sung vitamin B12 cho cơ thể 

Vitamin B12 dược phẩm có hai dạng là: cyanocobalamin và hydroxocobalamin đều có tác dụng tạo máu như nhau (hydroxocobalamin hấp thu qua đường tiêu hóa tốt hơn và có ái lực với các mô lớn hơn cyanocobalamin). Trong cơ thể các cobalamin này tạo thành các coenzym hoạt động là 5-deoxyadenosylcobalamin và methylcobalamin. Vitamin B12 có một số công dụng chính như: 

- Tác dụng trong việc sản xuất năng lượng từ chất béo và protein, cho sự hình thành và tăng trưởng của các tế bào máu đỏ và cho sự tổng hợp DNA.

- Bảo vệ tính toàn vẹn của hệ thần kinh: Thiếu vitamin B12 đưa đến thoái biến dây thần kinh ngoại biên, tủy sống và đôi khi não. Điều này bắt đầu bởi tổn thương vỏ bảo vệ của các đầu tận cùng dây thần kinh, myelin.

- Góp phần tổng hợp methionin và rất cần thiết cho quá trình nhân lên của tế bào.

- Thực hiện chức năng tạo máu.

- Đặc biệt, phụ nữ trong thời kỳ mang thai nếu được bổ sung đầy đủ B12 sẽ giúp trẻ ngoan ngoãn và vui vẻ hơn nhiều so với những đứa trẻ không được mẹ bổ sung đầy đủ trong thai kỳ. Đặc biệt, vitamin B12 còn giúp phòng ngừa dị tật ống thần kinh ở trẻ.

Tuy nhiên, theo Dược sĩ Mai Xuân Dũng, nếu bổ sung vitamin B12 với liều cao trong một thời gian dài sẽ gây ra các những tác dụng phụ do quá liều như:

- Sốc phản vệ do dị ứng với vitamin B12, tuy hiếm gặp nhưng nguy hiểm vì có thể dẫn đến tử vong. Cần thận trọng khi bổ sung vitamin B12 ở dạng thuốc tiêm cho người có cơ địa mẫn cảm (người bị hen suyễn, eczema…).

- Rối loạn tiêu hóa (ăn không ngon, buồn nôn, tiêu chảy…).

- Nhức đầu…

- Gây tê hay liệt yếu ở tay, chân, mặt.

- Ảnh hưởng trên tim mạch: tăng nhịp tim, khó thở, đau ngực, cao huyết áp, suy tim.

- Tăng cao gấp 3 lần nguy cơ ung thư tiền liệt tuyến.

- Gây tổn thương thần kinh thị giác cho người mắc bệnh Leber (bệnh thoái hóa sắc tố võng mạc bẩm sinh gây mù ở trẻ em).

- Phát ban, ngứa…

Vì vậy, khi bổ sung vitamin B12 cho cơ thể cần phải hết sức thận trọng, phải được sự chỉ định và theo dõi chặt chẽ của thầy thuốc. Người bệnh nên tuân theo đúng liều lượng chỉ định và nếu xảy ra tác dụng phụ khi bổ sung vitamin B12, cần nhanh chóng thông báo cho thầy thuốc. Trong những trường hợp nghiêm trọng như sốc phản vệ, cao huyết áp, suy tim nên nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu và điều trị kịp thời.

Hoài Anh (Theo SK&ĐS, SKCĐ)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục