Một nửa startup đang phải 'ngủ đông', nữ chủ tịch Mạng lưới nhà đầu tư thiên thần nêu 3 bài học

Một nửa startup đang đầu tư vào phải “ngủ đông” vì ảnh hưởng từ đại dịch, bà Nguyễn Phi Vân, Chủ tịch Mạng lưới nhà đầu tư thiên thần Việt Nam (VAN) nhận ra 3 bài học quan trọng.

Chia sẻ tại chung kết Startup Việt 2020 được tổ chức sáng ngày 2/12 tại TP HCM, bà Nguyễn Phi Vân cho biết đang đầu tư vào 19 startup và một nửa số này trong trạng thái “ngủ đông” trước tác động của đại dịch Covid-19.

Bà Vân tự nhận, trong vai trò nhà đầu tư thiên thần, số lượng startup phải “ngủ đông” nói trên cũng là thất bại của chính bản thân mình. Theo sau đó, 3 bài học được nhận ra.

Thứ nhất, hầu hết các công ty khởi nghiệp khi tìm đến bà Vân đầu tư vào đều mang trong mình tinh thần tự hào dân tộc, với nhiều cảm xúc cá nhân.

“Cảm xúc là đáng quý nhưng startup phải cung cấp sản phẩm phù hợp với nhu cầu khách hàng và thị trường đủ lớn để dự trù đầu tư nhân lực, vật lực. Dù vậy, nhiều startup không có khả năng chuyển đổi sao cho phù hợp với hành vi khách hàng thay đổi từ khi giai đoạn bình thường mới bắt đầu bởi quá yêu “đứa con” của mình”, bà Phi Vân chia sẻ về trải nghiệm của bản thân trong vai trò nhà đầu tư thiên thần khi quan sát thấy sự khó khăn, chậm chạp trong trong thay đổi của các startup thời gian qua.

Vị này không đồng tình với quan điểm, người trẻ (về tuổi tác) có khả năng thích nghi nhanh hơn người già. Bởi người lớn tuổi có nhiều trải nghiệm sau không ít lần “đời vùi dập” để làm nền tảng cho các quyết định linh hoạt.

Vì vậy, theo bà Vân, khi làm việc với các nhà đầu tư thiên thần, startup nên trân trọng những hướng dẫn để chuyển đổi mô hình kinh doanh phù hợp hơn với sự biến đổi của thời cuộc.

Một nửa startup đang phải 'ngủ đông', nữ chủ tịch Mạng lưới nhà đầu tư thiên thần nêu 3 bài học - Ảnh 1

Bà Nguyễn Phi Vân chia sẻ tại chung kết Startup Việt 2020 được tổ chức sáng nay tại TP HCM. Ảnh: BTC

Nhà đầu tư tài chính trong giai đoạn này không còn quá quan trọng. Đây là bài học thứ hai bà Phi Vân nhận ra bởi hiện nay, nhà đầu tư chiến lược với những lời khuyên, góp ý, định hướng,…trở nên hữu ích hơn để startup tinh chỉnh mô hình kinh doanh.

“Nhà đầu tư tài chính rót vốn vào rồi mất tăm hoặc các nhà sáng lập không cho nhà đầu tư đưa ra các góp ý trong quá trình điều hành kinh doanh, startup sẽ không thể chuyển đổi nhanh cũng như phát triển bền vững sau đại dịch”, bà Vân lý giải.

Thêm vào đó, khả năng “lớn lên” của các nhà sáng lập, điều hành dự án cần tỷ lệ thuận với sự thay đổi của quy mô doanh nghiệp.

Chủ tịch Mạng lưới nhà đầu tư thiên thần Việt Nam đánh giá, trong giai đoạn đầu phát triển, đội nhóm nhỏ dễ dàng khi phối hợp làm việc cùng nhau.

Nhưng khi quy mô tăng dần, điều này không còn được duy trì, đặc biệt về khả năng quản trị của nhà sáng lập với hàng loạt vấn đề liên quan như tài chính, nhân sự, pháp lý,…thay vì chỉ gói gọn với việc xây dựng sản phẩm/ dịch vụ.

“Có 2 startup mà tôi đầu tư vào, khi doanh thu đạt tầm 40 tỷ đồng/tháng thì ngay lập tức, khả năng quản trị của các nhà sáng lập không lớn kịp với quy mô doanh nghiệp. Trong một vài trường hợp, họ chấp nhận thuê người khác vào vị trí điều hành nhưng cũng có startup không đồng ý vì không muốn ai khác dẫn dắt “đứa con” của mình”, bà Phi Vân chia sẻ và đưa ra lời khuyên, thời gian tới, startup Việt phải hết sức chân thật với chính bản thân mình về năng lực nội tại, các mối quan hệ đang có,…thay vì mộng tưởng về những giá trị hào nhoáng nhưng không thuộc về mình mà định giá doanh nghiệp quá cao là một ví dụ.

Đại dịch Covid-19 được ví von là sự kiện để tất mọi người lùi lại một bước, nhìn về startup mình cũng như hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam. Từ đó, theo bà Vân, họ có thể chân thật với chính mình cũng như với nhà đầu tư.

Theo Báo Đầu tư
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục