Sự phát triển của hạ tầng có làm bất động sản TP. HCM nóng lên?
Đi tắt đón đầu xu hướng này tại TPHCM phải kể đến Tập đoàn SSG 2. Khi thị trường địa ốc còn chưa khởi sắc, chủ đầu tư này vẫn mạnh tay rót vốn xây khu phức hợp Thảo Điền Pearl nằm trên đường Quốc Hương, quận 2. Ngay khi tung ra thị trường, dự án lập tức "ăn điểm" nhờ vị trí nằm cạnh trạm số 6 của tuyến Metro Bến Thành - Suối Tiên. Sau gần một năm bàn giao (quý III/2013), đến nay 450 căn hộ của dự án này chỉ còn vài căn bán vét.
Cách đó không xa là khu dân cư Masteri Thảo Điền quy mô hơn 3.000 căn vừa được Công ty Thảo Điền Investment công bố ngày 22/10 sau khi đã xây xong móng. Dự án này cũng có vị trí không kém gì đối thủ cùng khu vực là kết nối trực tiếp với ga An Phú (ga số 7) của tuyến tàu điện đô thị Bến Thành - Suối Tiên.
Đánh giá được tiềm năng của Masteri nhờ lợi thế gần trạm metro, Tập đoàn Vingroup (VIC) - ông trùm bất động sản cao cấp tại Việt Nam - đã bắt tay với Thảo Điền Investment đầu tư khu trung tâm thương mại cao cấp Vincom Mega Mall ngay tại dự án.
Một vị lãnh đạo cấp cao của Công ty Xây dựng Cotec (Coteccons) là nhà thầu dự án tiết lộ, doanh nghiệp đang lên kế hoạch chồng tiền mua sỉ một block căn hộ để bán lại cho nhân viên có nhu cầu. Vị lãnh đạo này giải thích: "Chúng tôi quyết định mua để đón con sóng hạ tầng mới chưa từng có tại Việt Nam. Dự án gần trạm tàu điện đầu tiên của Sài Gòn chắc chắn sẽ tăng giá trị do phương tiện lưu thông hiện đại này khi rút ngắn cự ly di chuyển và tiết kiệm thời gian đi lại".
Cũng nhảy vào cuộc đua này, Công ty Nhà Hòa Bình đã đẩy nhanh tiến độ thâu tóm dự án The Ascent từ Công ty Chip Eng Seng - Singapore. Khu căn hộ này nằm lọt trong phường Thảo Điền, cách tuyến metro số 7 chưa đầy một km, có tổng vốn đầu tư 600 tỷ đồng. Tổng giám đốc Công ty Nhà Hòa Bình, Lê Quốc Duy cho biết, doanh nghiệp mua lại dự án vì công trình tọa lạc ở vị trí đắc địa, nằm gần trạm metro và khu dân cư cao cấp. "Làn sóng hạ tầng mới này là động lực thúc đẩy thị trường địa ốc trong thời gian tới", ông Duy cho hay.
Ở gần ga công viên Văn Thánh và Tân Cảng (trạm số 4 và 5) của tuyến metro đầu tiên tại TP HCM cũng nổ ra cuộc đua của 2 đại gia địa ốc Vietnam Land SSG và Vingroup đang triển khai dự án SSG Tower và Vinhomes Central Park.
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế và BĐS thì không thể xảy ra “sốt” BĐS ở thời điểm này được, nhưng khả năng thị trường nóng trở lại là điều có thể. Theo báo cáo mới đây của NHNN, dư nợ tín dụng BĐS đã tăng trở lại, riêng tại TP.HCM, tính đến hết quý III, tổng dư nợ tín dụng ước đạt 1.010.500 tỷ đồng, tăng 6,05% so cuối năm 2013 và tăng 10,6% so cùng kỳ. Trong đó, dư nợ tín dụng cho vay trung, dài hạn đạt 495.000 tỷ đồng, chiếm 49% tổng dư nợ.
Theo báo cáo của CBRE Việt Nam, doanh số (quý III) bán tiếp tục xu hướng tăng, mặc dù tốc độ tăng chậm hơn so với quý trước. Các sự kiện chào bán có được những phản hồi tích cực, thông qua lượng người tham dự cao và khoảng 50%-70% căn hộ được đặt mua. Số liệu sơ bộ cho thấy, số căn hộ bán tăng 8,6% so với quý trước và tăng 94,8% so với cùng kỳ năm trước, tương đương khoảng 3.300 căn hộ. Trong khi phân khúc bình dân duy trì được tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ thì tốc độ tăng trưởng của căn hộ cao cấp bán được khá khiêm tốn.
CBRE Việt Nam đánh giá, tình hình thị trường cải thiện rõ rệt, giá bán sơ cấp tăng từ 1,0%-4,0% so với quý trước và 1,2%-5,4% so với cùng kỳ năm trước ở tất cả các phân khúc. Sự cải thiện đáng chú ý nhất là thị trường quận 2, nhờ vào tiến độ xây dựng nhanh của các dự án cơ sở hạ tầng, cụ thể là tuyến Metro số 1. Giá bán sơ cấp của một vài dự án ở quận 2 tăng 2%-5% so với quý trước, trong khi phương thức thanh toán ngắn hơn. Xu hướng này cũng được ghi nhận trên thị trường thứ cấp dù mức tăng khác nhau. Nhiều khách chọn thuê ở các căn hộ riêng lẻ trong các cao ốc căn hộ đã tác động tích cực đến giá bán căn hộ này. Phân khúc cao cấp cho thấy bức tranh khả quan hơn so với các phân khúc khác khi mà người bán có thể dễ dàng cho thuê và tin rằng giá bán sẽ tăng lên.
Mai Hoa - (Tổng hợp theo VnExpress, Báo Xây Dựng)