Mẹ con KITA Group – KITA Land: Kinh doanh bết bát, hơn 90% tài sản là khoản phải thu và tồn kho

Nổi lên như một “tay chơi” có lực trên thị trường bất động sản vài năm gần đây. Tuy nhiên, các thành viên trong nhóm KITA Group của ông Nguyễn Duy Kiên lại có kết quả kinh doanh bạc nhược và bảng tài sản kém chất lượng.

Mẹ con KITA Group – KITA Land: Kinh doanh bết bát, hơn 90% tài sản là khoản phải thu và tồn kho
Mẹ con KITA Group – KITA Land: Kinh doanh bết bát, hơn 90% tài sản là khoản phải thu và tồn kho

Giới chủ KITA Group

Hạt nhân của “hệ sinh thái KITA” là Công ty Cổ phần Tập đoàn KITA Group. Doanh nghiệp này được lập ra từ 2014, với tên gọi ban đầu là Công ty Cổ phần Thực phẩm đồ uống F1, hoạt động trong lĩnh vực buôn bán đồ uống.

Đến năm 2018, doanh nghiệp này bắt đầu nhảy vào mảng bất động sản. Chỉ trong một thời gian ngắn sau đó, một loạt công ty mang họ “KITA” đã ra đời như: KITA Link, KITA Instruction, KITA Invest, KITA Land.

Cũng trong khoảng thời gian này, nhóm KITA đã liên tục “bành trướng” quy mô hoạt động khi liên tiếp thâu tóm các dự án lớn. Cho đến hiện nay, danh mục dự án của nhóm KITA đã khá đáng kể, gồm: Stella Mega City (Cần Thơ), Stella 927 (TP. HCM), Stella 1595 (TP. HCM), Stella Riverside (TP. HCM), Stella Quốc Oai, KITA Capital (Hà Nội), Stella Hải Dương (Hải Dương), Stella Ocean Park (Phan Thiết), khu đô thị sinh thái Golden Hills City (Đà Nẵng), dự án Vệt 50m đường Nguyễn Tất Thành nối dài (Đà Nẵng)...

Theo tìm hiểu của VietnamFinance, vào thời điểm nhảy vào mảng bất động sản, Công ty Cổ phần Tập đoàn KITA Group có vốn điều lệ 300 tỷ đồng, với các cổ đông: Đặng Kim Khánh (góp 3 tỷ đồng, tương đương 1%), Nguyễn Duy Kiên (góp 180 tỷ đồng, tương đương 60%), Đặng Thị Thùy Trang (góp 117 tỷ đồng, tương đương 39%). Trong các cổ đông này, ông Kiên (sinh năm 1969) là chủ tịch HĐQT, người đại diện theo pháp luật của công ty. Ông Kiên và bà Trang (sinh năm 1979) cũng từng là vợ chồng.

Bên cạnh Công ty Cổ phần Tập đoàn KITA Group, doanh nghiệp đáng chú ý thứ 2 trong nhóm KITA là Công ty TNHH KITA Land. Công ty này được lập ra vào tháng 12/2018, ban đầu mang tên Công ty Cổ phần KITA Land, tới tháng 10/2021 mới đổi sang loại hình công ty TNHH như bây giờ.

Ban đầu, KITA Land có vốn điều lệ 200 tỷ đồng, do Công ty Cổ phần Tập đoàn KITA nắm 25% (tương đương vốn góp 50 tỷ đồng). Các cổ đông sáng lập khác bao gồm: Nguyễn Duy Kiên (góp 88 tỷ đồng, tương đương 44%), Đặng Thị Thùy Trang (góp 60 tỷ đồng, tương đương 30%), Đặng Kim Khánh (góp 2 tỷ đồng, tương đương 1%). Người đại diện theo pháp luật của công ty là bà Đặng Thị Thùy Trang (chức vụ CEO).

Tháng 1/2019, tức chỉ 1 tháng sau khi thành lập, KITA Land tăng vốn lên 700 tỷ đồng. Tháng 4 năm đó, vị trí người đại diện theo pháp luật đổi sang cho ông Nguyễn Duy Kiên (chức vụ chủ tịch HĐQT). Công ty cũng đồng thời tăng vốn lên tới 1.200 tỷ đồng.

Tháng 10/2019, ông Lê Văn Lợi thay bà Đặng Thị Thùy Trang làm CEO, đồng thời là người đại diện theo pháp luật của công ty, thay cho ông Nguyễn Duy Kiên.

Tháng 10/2021, cơ cấu cổ đông của KITA Land có sự thay đổi lớn, khi cả ông Kiên và bà Trang không còn trong danh sách, thay vào đó là 3 cá nhân: Đỗ Xuân Cảnh (góp 744 tỷ đồng, tương đương 62%), Phan Hải Xuyên (góp 444 tỷ đồng, tương đương 37%), Đặng Kim Khánh (góp 12 tỷ đồng, tương đương 1%).

Chỉ 2 tháng sau đó, cơ cấu cổ đông lại một lần nữa biến đổi. Theo đó, Công ty Cổ phần Đầu tư Saturn trở thành cổ đông chi phối tuyệt đối với vốn góp 1.188 tỷ đồng (tương đương 99%). 1% còn lại do Đặng Kim Khánh nắm giữ (tương đương vốn góp 12 tỷ đồng).

Tháng 5/2023, cổ đông Đặng Kim Khánh biến mất, thay thế là Đỗ Xuân Cảnh – người đã nắm 62% cổ phần trước đó.

Về Công ty Cổ phần Đầu tư Saturn – cổ đông chi phối của KITA Land ở thời điểm hiện tại, doanh nghiệp này được lập ra vào năm 2020, đóng trụ sở tại quận 7, TP. HCM, vốn điều lệ ban đầu là 700 tỷ đồng, do 3 cá nhân nắm giữ, gồm: Võ Văn Huệ (góp 784,686 tỷ đồng, tương đương 98%), Phan Hải Xuyên (góp 8 tỷ đồng, tương đương 1%), Đỗ Hữu Phước (góp 8 tỷ đồng, tương đương 1%). Trong số này, ông Võ Văn Huệ (sinh năm 1985) làm chủ tịch HĐQT, người đại diện theo pháp luật; ông Đỗ Hữu Phước thường tự xưng là giám đốc truyền thông của nhóm KITA.

Bức tranh kinh doanh èo uột của mẹ - con KITA Group

Mặc dù nổi lên như một “tay chơi” có hạng, song kết quả kinh doanh của mẹ con nhà KITA lại rất èo uột. Cụ thể, với Công ty Cổ phần Tập đoàn KITA Group, năm 2021, công ty này không có doanh thu; tới năm 2022 cũng chỉ có doanh thu vỏn vẹn 10 triệu đồng.

Doanh thu tài chính trong các năm này cũng rất ít ỏi, chỉ 25 triệu đồng (2021) và 426 triệu đồng (2022).

Bởi vậy, Công ty Cổ phần Tập đoàn KITA Group không có đủ nguồn để chi trả cho các khoản chi phí, vốn lên tới nhiều tỷ đồng. Hệ quả là công ty lỗ trước thuế 2 năm liên tiếp, lần lượt là -5,4 tỷ đồng (2021) và -8,8 tỷ đồng (2022).

Với Công ty TNHH KITA Land, tình hình cũng không khá hơn là bao. Năm 2021, công ty có doanh thu 107 tỷ đồng, song lợi nhuận gộp chỉ là 4,5 tỷ đồng. Khấu trừ đi các loại chi phí, công ty chỉ còn khoản lãi sau thuế 196 triệu đồng.

Bước sang năm 2022, tình hình kinh doanh của KITA Land tồi tệ hơn rất nhiều. Cụ thể, trong năm này, doanh thu của công ty là 0 đồng. Hoạt động tài chính chỉ mang về 105 triệu đồng, không đủ bù cho “số lẻ” của các khoản chi phí. Hậu quả là công ty lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh 4,5 tỷ đồng. Cộng với khoản lỗ 1,68 tỷ đồng từ các hoạt động khác, công ty lỗ sau thuế 6,2 tỷ đồng trong năm 2022. Kết quả này đã nâng số lỗ lũy kế của KITA Land lên 9,6 tỷ đồng.

Về dòng tiền, mẹ con nhà KITA đều có dòng tiền kinh doanh rất xấu. Cụ thể, năm 2022, Công ty Cổ phần Tập đoàn KITA Group âm dòng tiền kinh doanh tới 185 tỷ đồng, còn KITA Land âm 52 tỷ đồng.

Để bù đắp dòng tiền, Công ty Cổ phần Tập đoàn KITA Group phải đẩy quy mô dòng tiền đi vay lên 374 tỷ đồng, nhưng khi kết thúc năm 2022, số dư tiền và tương đương tiền cũng chỉ đạt 21 tỷ đồng. Còn với KITA Land, số dư tiền tại thời điểm cuối năm 2022 thậm chí chỉ là 1,6 tỷ đồng.

Chất lượng tài sản báo động

Không chỉ kinh doanh bết bát, các doanh nghiệp nêu trên còn cho thấy sự báo động về chất lượng của tài sản.

Cụ thể, với Công ty Cổ phần Tập đoàn KITA Group, năm 2021, các khoản phải thu đạt 673 tỷ đồng, chiếm 65,5% tổng tài sản. Hàng tồn kho đạt 346 tỷ đồng, chiếm 33,5% tổng tài sản. Như vậy, có tới 99% tài sản của công ty nằm ở các khoản phải thu và hàng tồn kho.

Năm 2022, các khoản phải thu của công ty tăng thêm 10%, lên 741 tỷ đồng, chiếm 44% tổng tài sản. Hàng tồn kho tăng gấp 2,4 lần, lên 825 tỷ đồng, chiếm 49% tổng tài sản. Tổng tỷ trọng của hàng tồn kho và các khoản phải thu lên tới 93%.

Đáng nói, hầu hết tài sản của Công ty Cổ phần Tập đoàn KITA Group được hình thành từ nợ phải trả. Theo đó, năm 2021, nợ phải trả tài trợ cho 73% tài sản. Năm 2022, mức độ tài trợ lên tới 84%.

Nợ phải trả năm 2021 cao gấp 2,67 lần vốn chủ sở hữu. Đến năm 2022, nợ phải trả gấp 5,19 lần vốn chủ sở hữu. Đây là hệ số rất cao, cho thấy mức độ lệ thuộc nặng nề vào vốn bên ngoài của Công ty Cổ phần Tập đoàn KITA Group.

Với KITA Land, tình hình cũng gần như tương tự. Theo đó, năm 2021, các khoản phải thu đạt 2.280 tỷ đồng, chiếm tới 79,8% tổng tài sản. Hàng tồn kho đạt 493 tỷ đồng, chiếm 19,4% tổng tài sản. Như vậy, 99,2% tài sản của KITA Land là các khoản phải thu và hàng tồn kho.

Năm 2022, các khoản phải thu tăng thêm 2%, lên 2.325 tỷ đồng, chiếm 79,3% tổng tài sản. Hàng tồn kho tăng thêm 15%, lên 570 tỷ đồng, chiếm 19,4% tổng tài sản. Tổng tỷ trọng của hàng tồn kho và các khoản phải thu là 98,7% tài sản.

Với cấu trúc tài sản mất cân đối như trên, có thể nói Công ty Cổ phần Tập đoàn KITA Group và KITA Land đã gặp phải các vấn đề khá nghiêm trọng. Và có lẽ, đây không phải chỉ là những trường hợp cá biệt của nhóm KITA.

Vĩnh Chi

VietnamFinance
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục