MBLand: Lợi nhuận khiêm tốn sau hai năm 'đổi chủ' cùng hệ sinh thái của doanh nhân Nguyễn Gia Long

Những tưởng hoạt cảnh tươi sáng sẽ xuất hiện tại MBLand sau sự rút lui của hai cổ đông lớn MB và VNH, nhưng sau hai năm kết quả kinh doanh của doanh nghiệp này cho thấy một bức tranh tài chính... ảm đạm.

Lãi "đạm bạc", chỉ số sinh lời thấp

Tổng công ty MBLand (MBLand Holdings) vốn tiền thân là Công ty Cổ phần Địa ốc MB (MBLand). Công ty này được thành lập đầu năm 2008 bởi các cổ đông: Quỹ đầu tư chứng khoán Con hổ Việt Nam – Công ty Cổ phần Quản lý Quỹ đầu tư chứng khoán Hà Nội, Công ty Cổ phần Chứng khoán MB, Công ty liên doanh sửa chữa trực thăng Biên Hòa, Tổng công ty Bay dịch vụ Việt Nam, Công ty bay dịch vụ Miền Nam, Tổng công ty Trực thăng Việt Nam (VNH) và Công ty TNHH Quản lý nợ và Khai thác tài sản Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB AMC).

Nhóm cổ đông này đều được điều hành và chi phối bởi hai pháp nhân chính là Ngân hàng Quân đội (MB) và Tổng công ty trực thăng Việt Nam (VNH).

Trong suốt một thập kỷ phát triển, MBLand là thương hiệu ít nhiều gây được chú ý trên thị trường. Hình thành trong vai trò là một doanh nghiệp phân phối, MBLand đã chuyển mình trở thành nhà phát triển bất động sản chuyên nghiệp, với nhiều dự án " như: Golden Palace Mễ Trì, Central Field Trung Kính, Golden Field Mỹ Đình, MB Grand Tower, MB Sunny Tower. Thành công của MBLand một phần hỗ trợ không nhỏ từ những cổ đông lớn ban đầu.

Tuy nhiên, tới tháng 11/2018, cả hai cổ đông lớn đồng loạt thoái vốn, nhường chỗ cho những nhà đầu tư tư nhân. Doanh nghiệp này sau quá trình tái cơ cấu đi theo ba định hướng chính là phát triển dự án bất động sản, tổng thầu thi công (EPC) và mở rộng quy mô thông qua hoạt động mua bán - sáp nhập.

"Kiên định trong chiến lược chinh phục thị trường, mục tiêu của MBLand tới năm 2023 là trở thành thương hiệu phát triển bất động sản uy tín, có tầm vóc trên thị trường", phần giới thiệu trên website của MBLand cho biết.

Khẳng định này phần nào cho thấy tham vọng từ những người chủ mới, cũng mở ra những kỳ vọng về tương lai "thay da đổi thịt" cho doanh nghiệp bất động sản này. Tuy nhiên, kết quả kinh doanh trong năm đầu tiên sau khi nhóm cổ đông mới xuất hiện lại cho thấy những con số tương đối... khiêm tốn.

Năm 2019, doanh nghiệp địa ốc có tổng tài sản hơn 2.000 tỷ đồng chỉ đem về doanh thu gần 280 tỷ, với lợi nhuận sau thuế chỉ hơn 16 tỷ đồng. Các chỉ số đánh giá khả năng sinh lời như ROA hay ROE chỉ loanh quanh ngưỡng 1-2%.

Đến cuối năm 2019, MBLand có vốn chủ sở hữu hơn 650 tỷ đồng, với nợ phải trả hơn gấp đôi, khoảng 1.370 tỷ đồng.

MBLand: Lợi nhuận khiêm tốn sau hai năm 'đổi chủ' cùng hệ sinh thái của doanh nhân Nguyễn Gia Long - Ảnh 1

Hoạt cảnh kém tươi sáng này không chỉ xuất hiện ở MBLand mà các công ty trong hệ thống của doanh nghiệp này cũng có kết quả kinh doanh tụt lùi.

Công ty cổ phần MBland Invest, công ty do MBLand sở hữu 15% vốn điều lệ, đạt doanh thu chỉ hơn 87 tỷ đồng trong năm 2019, với lãi ròng chưa tới 500 triệu đồng. Doanh nghiệp này được thành lập đầu năm 2014 với vốn điều lệ 50 tỷ đồng, do 4 cổ đông sáng lập gồm MBLand (15%), Trần Thị Thu Trang (40%), Nguyễn Thế Hùng (25%) và Trần Đức Diễn (20%). Cuối năm 2019, MBLand Invest nâng vốn điều lệ từ 50 tỷ lên 300 tỷ đồng.

Một đơn vị khác trong hệ thống MBLand là Công ty cổ phần khu đô thị Nam Trường Chinh có trụ sở ở thành phố Quảng Ngãi, không phát sinh doanh thu năm trước, đồng thời ghi nhận khoản lỗ ròng hơn 5 tỷ đồng. Công ty này được thành lập vào tháng 8/2019 để phục vụ cho dự án Khu đô thị mới Nam Trường Chinh ở tỉnh Quảng Ngãi.

Hay như Công ty cổ phần Long Thuận Lộc, đặt địa chỉ tại Tòa nhà MB Sunny Tower, 259 Trần Hưng Đạo, Quận 1, TP. HCM, cũng không ghi nhận doanh thu và lỗ ròng gần 2 tỷ đồng năm 2019.

Tiềm lực ông chủ hiện tại của MBLand?

Theo giới thiệu của MBLand, Chủ tịch Hội đồng quản trị hiện tại của doanh nghiệp này là ông Nguyễn Gia Long (sinh năm 1977), Phó chủ tịch kiêm Tổng giám đốc là bà Lâm Thị Thúy. Hai cái tên này cũng là những gương mặt không mấy xa lạ, xuất hiện từ thời điểm MB và VNH thoái vốn.

Ông Nguyễn Gia Long không phải là cái tên xa lạ bởi hiện tại vị doanh nhân 7X này cùng nhóm "Nguyễn Gia" đang giữ chức vụ Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Mường Phăng và nhiều thể nhân, pháp nhân khác.

Tập đoàn Mường Phăng có trụ sở tại tòa nhà Thăng Long, số 98A Ngụy Như Kon Tum, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Nắm 70% vốn điều lệ kiêm chủ sở hữu là ông Nguyễn Gia Long, 30% còn lại được chia đều cho ông Nguyễn Gia Khoa (em trai ông Long) và ông Nguyễn Bá Huấn.

Đây cũng chính là pháp nhân đã chi 251 tỷ đồng mua 31,02% vốn MBLand trong cuộc đấu giá cuối năm 2018 từ VNH. Còn bà Thúy là nhà đầu tư đã mua lại phần vốn hơn 65% từ MB AMC sau đó.

Ngoài Tập đoàn Mường Phăng, ông Nguyễn Gia Long còn xuất hiện với vai trò lãnh đạo của nhiều doanh nghiệp có tiếng tăm trong lĩnh vực bất động sản ở Hà Nội. Ông từng đảm giữ chức vụ tại nhiều doanh nghiệp như: Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty cổ phần Tài Nguyên (Mã chứng khoán: TNT), Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Quản lý Hạ tầng Hà Nội, Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Tây Bắc, Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Nhà Hà Nội số 41, Công ty cổ phần Đầu tư Vietnamnet (Nay là Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại VNN)...

Bà Lâm Thị Thuý, ngoài vai trò tại MBLand, còn là Phó Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư F&S - một pháp nhân liên quan đến nhóm "Tonkin" từng hợp tác chặt chẽ với MBLand trong giai đoạn 2016-2017, và cũng là nhà đầu tư trong phiên đấu giá cổ phần MBLand ngày 26/10, bên cạnh Mường Phăng. Bà Thúy đồng thời cũng là "người cũ" của TNT, một pháp nhân có liên quan đến ông Long.

Chính mối liên hệ thấy rõ giữa những thể nhân và pháp nhân này phần nào lý giải về sự thống  nhất của các nhóm cổ đông liên tục trong gần hai năm sau khi cả MB và VNH thoái vốn.

Khánh ly

Congluan
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục