Mất vị thế dẫn đầu kết quả lợi nhuận sau 9 tháng đầu năm
Nếu trong giai đoạn từ năm 2011 trở về trước, khối ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân là cuộc cạnh tranh vị trí lợi nhuận dẫn đầu của những MBBank, ACB, Eximbank, Sacombank và Techcombank. Thì từ năm 2011 trở lại đây, sự sa sút của Eximbank và Sacombank cũng như sự thiếu ổn định của ACB thì MBBank chính là cái tên vẫn duy trì được sự ổn định và duy trì kết quả lợi nhuận dẫn đầu trong khối qua từng năm.
Từ năm 2012, MBBank luôn là cái tên dẫn đầu về kết quả lợi nhuận trong khối. Thậm trí, kết quả của MBBank còn vượt xa rất nhiều so với những ngân hàng khác. Như năm 2012, trong khi MBBank ghi nhận tới 3.089 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế thì những đối thủ là Techcombank chỉ đạt 1.017 tỷ đồng, ACB chỉ đạt 1.043 và Sacombank cũng chỉ là 1.368 tỷ đồng. Những năm tiếp theo, MBBank liên tục giữ vị thế “độc tôn” về lợi nhuận trong khối lần lượt ghi nhận 3.021 tỷ đồng lợi nhuận năm 2013; năm 2014 là 3.174 tỷ đồng và năm 2015 là 3.220 tỷ đồng.
Nhiều năm liền lợi nhuận MBBank ở vị thế”độc tôn” cho đến 9 tháng đầu năm 2016 đã bị Techcombank và VPBank soán ngôi. Ảnh: QT.
Thế nhưng chính từ vị thế”độc tôn” về lợi nhuận ấy của MBBank lại cho thấy một vấn đề, đó là kết quả lợi nhuận của MBBank nhiều năm liền chỉ đi ngang hoặc tăng trưởng rất chậm. Dù xuất phát điểm rất tốt như vị thế, thương hiệu, nhân lực hay vốn tự có lớn nhưng MBBank vẫn không thể bứt phá về kết quả lợi nhuận. Trong khi những ngân hàng khác như VPBank hay Techcombank, dù ban đầu kết quả lợi nhuận chỉ bằng 1/3 hay 1/4 lợi nhuận của MBBank nhưng đã tăng trưởng liên tục và dần dần soán ngôi đầu về lợi nhuận của MBBank sau 9 tháng đầu năm 2016.
Trong khi Techcombank khi nhận lợi nhuận kỉ lục của riêng mình khi đạt 2.864 tỷ đồng lãi trước thuế sau 9 tháng đầu năm nay, VPBank tiếp tục vượt rào với hơn 3.100 tỷ đồng lợi nhuận thì con số bên MBBank chỉ là 2.788 tỷ đồng, và chính thức mất ngôi lợi nhuận dẫn đầu trong khối vào tay VPBank, và xếp thứ 3 về kết quả lợi nhuận 9 tháng đầu năm.
Các ngân hàng khác tăng trưởng quá nhanh hay MBBank đi quá chậm?
Nếu nhìn vào đà tăng trưởng lợi nhuận của 2 ngân hàng đã vượt mặt MBBank sau 9 tháng đầu năm là Techcombank và VPBank sẽ nghĩ rằng MBBank mất ngôi đầu là do hai ngân hàng này tăng trưởng quá nhanh, chứ bản thân MBBank vẫn tăng trưởng. Thế nhưng đà tăng trưởng của MBBank lại quá chậm so với hai đối thủ của mình, thậm trí còn quá chậm so với chính bản thân MBBank.
Nếu nhìn vào chiến lược kinh doanh thì có thể thấy MBBank hầu như không có chiến lược bứt phá nào nổi bật, nếu như xu hướng ngày nay các ngân hàng bắt đầu để ý tới hoạt động dịch vụ và cho vay tiêu dùng cá nhân thì ở MBBank cả hai khoản này đều đi xuống.
Xét về cơ cấu lợi nhuận của hệ thống ngân hàng Việt thì thu nhập lãi thuần vẫn là khoản đóng góp chính vào lợi nhuận của ngân hàng, MBBank cũng không ngoại lệ. Từ năm 2012, cơ cấu lợi nhuận MBBank phần lớn tới từ thu nhập lãi thuần với tỷ lệ 84,5%; năm 2013 là 80%; năm 2014 là 79%; năm 2015 là 83,4% và sau 9 tháng đầu năm 2016 là 83,7%. Trong khi ở thu nhập từ hoạt động dịch vụ tại MBBank lại ngày càng giảm, hiện nay chỉ chiếm khoảng xấp xỉ 6% tổng thu nhập ngân hàng.
Nếu nhìn kỹ hơn có thể thấy việc cho vay của MBBank cũng không hiệu quả như những ngân hàng khác. Nếu như 9 tháng đầu năm 2016, dư nợ tín dụng tại MBBank lên tới 145.585 tỷ đồng, thì khoản thu nhập từ lãi mà ngân hàng thu về được là 11.304 tỷ đồng tương đương tỷ lệ lãi trên cho vay đạt 7,8%. Trong khi đó dư nợ tín dụng tại Techcombank và VPBank thấp hơn khá nhiều chỉ lần lượt ở mức 135.600 tỷ đồng và 129.946 tỷ đồng thì thu nhập từ cho vay cũng là 11.775 tỷ đồng tại Techcombank, tương đương tỷ lệ đạt 8,9%, thậm trí tại VPBank còn lên tới 18.170 tỷ đồng tương đương tỷ lệ 14%.
Dù dư nợ tín dụng cao hơn khá nhiều hai đối thủ nhưng thu nhập lãi từ cho vay của MBBank lại thấp hơn. Ảnh: QT.
Nguyên nhân thu nhập lãi từ cho vay của MBBank thấp hơn Techcombank và đặc biệt là VPBank là do phần lớn dư nợ của MBBank là các khoản cho vay ngắn hạn. Cụ thể, 9 tháng đầu năm tỷ lệ dư nợ ngắn hạn của MBBank là 48,5%, trong khi hầu hết ngân hàng trong khối ngân hàng thương mại cổ phần tỷ lệ cho vay ngắn hạn không vượt quá 35% như tại Techcombank và VPBank chỉ lần lượt ở mức 30,1% và 24,5%. Về bản chất thì các khoản cho vay ngắn hạn thường là các khoản vay với thời gian đáo hạn nhanh nên lãi suất cho vay thấp hơn nhiều so với các khoản vay trung và dài hạn.
Bên cạnh cho vay kém hiệu quả hơn thì tỷ lệ cho vay trên huy động vốn (tỷ lệ LDR) của MBBank cũng thấp hơn khá nhiều so với mặt bằng chung của hệ thống. Tỷ lệ LDR phản ánh việc sử dụng nguồn lực của ngân hàng đã huy động được bên ngoài vào việc cho vay. Trong khi mặt bằng chung của hệ thống đang vào khoảng 80%, thì tại MBBank năm 2015 tỷ lệ này chỉ là 66%, thuộc hàng thấp nhất hệ thống ngân hàng. Dù 9 tháng đầu năm tỷ lệ LDR của MBBank đã tăng lên xấp xỉ 78% thế nhưng do có tới 48,5% là cho vay ngắn hạn nên thu nhập từ lãi cho vay vẫn thấp hơn so với hai đối thủ.
Ngoài ra thì mảng cho vay tài chính tiêu dùng gần đây được rất nhiều ngân hàng nhắm tới thì MBBank vẫn chưa thể tham gia.
Dù đã sáp nhập thành công Công ty tài chính Sông Đà thế nhưng hiện nay MBBank vẫn chưa thể bắt tay vào khai thác mảng tín dụng tiêu dùng đầy béo bở này. Trong khi những HDBank hay VPBank đang dần chiếm lĩnh thị trường tài chính tiêu dùng với những công ty con như HD Saison hay FE Credit, mới đây SHB cũng đã thể hiện tham vọng của mình ở thị trường béo bở này. Thậm trí, tại Techcombank dù không đẩy mạnh hoạt động tín dụng tiêu dùng qua công ty con nhưng tỷ lệ cho vay khách hàng cá nhân của Techcombank 9 tháng đầu năm 2016 cũng chiếm tới 43,5% tổng dư nợ.
Sẽ mất ngôi đầu kết quả lợi nhuận năm 2016?
Nếu xét theo đà tăng trưởng hiện tại cùng với những nguồn lực hiện có thì việc MBBank bị xoán ngôi đầu về kết quả lợi nhuận trong khối ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân năm nay gần như là chắc chắn. Dù kết quả 9 tháng đầu năm nay của MBBank không phải quá tồi và cao hơn so với cùng kỳ các năm nhưng mức tăng lại quá chậm cộng với và chiến lược kinh doanh không có gì đặc sắc ngoài thu nhập từ lãi cho vay khiến cho kỳ vọng lợi nhuận quý cuối cùng của MBBank không cao.
Trong khi nhìn sang hai ngân hàng xếp trên là Techcombank và VPBank cùng sở hữu đà tăng trưởng lợi nhuận ấn tượng và cùng là những ngân hàng sở hữu nguồn lực mạnh mẽ từ hoạt động dịch vụ và cho vay hiệu quả với những khoản cho vay tài chính tiêu dùng hay khách hàng cá nhân. Quý cuối cùng trong năm của Techcombank và VPBank nhiều khả năng sẽ tiếp tục ghi nhận những kết quả bất ngờ đặc biệt là VPBank. Và rất có thể 1 trong hai ngân hàng này sẽ chiếm lĩnh vị trí số một về kết quả lợi nhuận trong khối năm 2016.
Quang Thắng