Mang vàng lậu sang Hàn Quốc: Không đơn thuần chỉ là hưởng tiền chênh?

(Kinhdoanhnet) – Theo một số ý kiến cho rằng việc nhân viên của Vietnam Airlines bất chấp mọi thứ mang vàng lậu sang Hàn Quốc không đơn thuần chỉ là hưởng tiền chênh lệch. Rất có thể số vàng này sẽ được “biến” thành vàng nữ trang và mang trở lại Việt Nam với “mác” vàng nữ trang Hàn Quốc.

Sự việc cơ trưởng và tiếp viên chuyến bay VN426 của hãng hàng không Vietnam Airlines (VNA) bị hải quan sân bay quốc tế Gimhae (Pusan - Hàn Quốc) bắt giữ vào ngày 10/03 ngay khi vừa từ Hà Nội đến vì mang tổng cộng 6 kg vàng giấu dưới đế giày mà không khai báo hải quan đã gây xôn xao trong dư luận và ảnh hưởng rất xấu tới uy tín của hãng hàng không Vietnam Airlines nói chung và thể diện quốc gia nói riêng.

Theo như hai nhân viên này khai nhận, họ sẽ được trả công 250 USD cho mỗi kg vàng vận chuyển thành công.

Nhân viên Vietnam airlines giấu vàng dưới đế giày buôn lậu sang Hàn Quốc.
Nhân viên Vietnam airlines giấu vàng dưới đế giày buôn lậu sang Hàn Quốc.

250 USD có thể là một món khá "hời" đối với nhiều người nhưng nếu đem so sánh số tiền này so với mức lương mà các phi công và nhân viên Vietnam Airlines nhận được thì lại quá nhỏ bé. Cụ thể theo như bảng lương mà Vietnam Airlines đã từng công bố thì các cơ trưởng sẽ được hưởng mức lương lên tới 121 đến 177 triệu đồng/tháng. Còn mức lương trung bình của mỗi tiếp viên hàng không năm 2013 là 18,7 triệu đồng/tháng. Với mức lương cao như vậy, nhiều người đặt ra nhiều câu hỏi tại sao phi công Vietnam Airlines nhận vận chuyển vàng trái phép với “giá bèo” 250 đô/kg vàng?

Có nhiều thông tin cho rằng, sở dĩ có việc “chở củi về rừng” là do tại Hàn Quốc đang thiếu hụt nguồn cung vàng nguyên liệu khá lớn để chế biến vàng nữ trang. Trong khi thuế nhập khẩu vàng vào Hàn Quốc lên tới 3% trong khi tại Việt Nam lại thấp hơn. Tuy nhiên có lẽ rằng mọi việc sẽ không đơn thuần chỉ là mang vàng lậu sang Hàn Quốc và hưởng tiền chênh lệch. Theo một số ý kiến cho rằng có thể số vàng nguyên liệu trên sẽ được gia công thành vàng nữ trang, sau đó lại quay về Việt Nam “gắn mác” là vàng nữ trang Hàn Quốc.

“Như thế họ mới có lãi nhiều, chứ thực tế chênh lệch vàng nguyên liệu giữa mình và họ hiện không lớn như mọi người vẫn nghĩ” – một vị chủ doanh nghiệp kinh doanh vàng cho biết.

Đã từ lâu, thị trường Hàn Quốc không chỉ là nơi một số người trong các tổ bay “đánh” hàng xách tay lấy “công cửu vạn” tính theo kg cho các đầu mối nhập lậu trong nước mà còn nóng với các vụ buôn lậu vàng.

Ngay từ những năm 2008-2009, thị trường vàng trong nước đã bị đầu cơ, người người “đón sóng” đầu cơ vàng thì tiếp viên hàng không cũng bận rộn với các yêu cầu xách vàng thuê, nhiều vụ việc liên tục được phát hiện.

Có thể kể đến đó là vụ việc 3 tiếp viên của chuyến bay VN937 từ Seoul - Hàn Quốc đi Hà Nội bị hải quan Hàn Quốc tạm giữ vì trong hành lý có khối lượng vàng vượt mức cho phép vào năm 2009. Một tiếp viên khác của hãng hàng không này đi từ Seoul về cũng bị hải quan Hàn Quốc không cho xuất cảnh vì trên cổ đeo mấy chiếc dây chuyền vàng to bất thường.

Trong năm 2011, Hải quan sân bay Incheon - Seoul (Hàn Quốc) cũng đã phát hiện 20 lượng vàng trong hành lý xách tay của 3 tiếp viên Vietnam Airlines chuẩn bị xuất về Việt Nam. Ngoài ra còn rất nhiều thương vụ nhức nhối khác, tính chung thì từ năm 2009 tới nay, Vietnam Airlines đã để xảy ra tới 8 vụ bê bối liên quan tới đội ngũ phi công và tiếp viên của hãng này.

Chính những sự việc này đã khiến cho uy tín thương hiệu của Vietnam airlines bị “xuống cấp” nghiêm trọng. Theo Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam - ông Lại Xuân Thanh cho biết việc phi công, tiếp viên buôn lậu vàng đã khiến cho các nhà chức trách hàng không các nước sẽ không chỉ có ấn tượng xấu với riêng hãng có nhân viên vi phạm mà áp dụng chung đối với tất cả các hãng hàng không của quốc gia đó. Hơn nữa, khó tránh khỏi việc các chuyến bay của hãng hàng không Việt Nam bị soi kỹ hơn để ngăn ngừa buôn lậu.

Ngọc Anh (TH theo TP; NLĐ; NĐT; Bao Pháp Luật)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục