Lý do gì giúp MHB có thể sáp nhập “thần tốc” vào BIDV?

(Kinhdoanhnet) - Toàn bộ quá trình thực hiện sáp nhập giữa MHB vào BIDV chỉ diễn ra trong vòng 55 ngày kể từ khi Ngân hàng Nhà nước có quyết định thành lập Ban chỉ đạo sáp nhập. Đây cũng được coi là thương vụ sáp nhập nhanh nhất và đúng chuẩn từ trước tới nay.

Vào ngày 25/05/2015, tại TP.HCM ngân hàng thương mại cổ phần Phát triển nhà đồng bằng sông Cửu Long (MHB) đã chính thức sáp nhập vào ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV). Đây được coi là thương vụ sáp nhập đầu tiên của đề án tái cơ cấu các tổ chức tín dụng giai đoạn 2 năm 2015.

Kể từ ngày 22/05, thương hiệu MHB đã hoàn toàn biến mất khỏi thị trường, các thủ tục về chấm dứt pháp nhân, đăng ký bố cáo chấm dứt hoạt động cũng đã hoàn tất. Đồng thời kể từ ngày 25/5, toàn bộ chi nhánh của MHB trên toàn quốc đã được thay một loạt “áo mới” mang tên ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam. Toàn bộ cổ phần của các cổ đông MHB được chuyển thành BIDV theo tỷ lệ hoán đổi 1:1 (một cổ phiếu MHB đổi ngang giá với một cổ phiếu BIDV).

Với việc thực hiện “kết hôn” với MHB, quy mô và sức mạnh của BIDV đã được tăng lên đáng kể. Theo đó vốn điều lệ của BIDV đã tăng mạnh từ 28.112 tỷ đồng; lên hơn 31.481 tỷ đồng, tức là tăng thêm khoảng 12,1 %. Tổng tài sản của BIDV cũng bất ngờ tăng thêm 6,1%, lên mức 695 nghìn tỷ đồng sau sáp nhập, tổng dư nợ cho vay tăng lên 491.605 tỷ đồng.

Lý do gì giúp MHB có thể sáp nhập “thần tốc” vào BIDV?
Lý do gì giúp MHB có thể sáp nhập “thần tốc” vào BIDV?

Được biết toàn bộ quá trình thực hiện sáp nhập giữa hai ngân hàng này chỉ diễn ra trong 55 ngày kể từ khi Ngân hàng Nhà nước có quyết định thành lập Ban chỉ đạo sáp nhập. Đây cũng là thương vụ sáp nhập nhanh nhất và đúng chuẩn từ trước tới nay.

Sự nhanh chóng của thương vụ này là nhờ yếu tố quan trọng cả hai ngân hàng về bản chất cùng một chủ sở hữu là Ngân hàng Nhà nước. Trong đó tỷ lệ sở hữu nhà nước tại BIDV trên 96% và tại MHB trên 91%. Do đó, chủ trương sáp nhập dễ nhận được sự đồng thuận giữa hai bên cũng như dễ dàng được Ngân hàng Nhà nước gật đầu đồng ý.

Ngoài ra cũng phải kể đến công sức chuẩn bị chu đáo kỹ lưỡng của BIDV cho thương vụ sáp nhập lần này. Cụ thể ngay sau khi có được sự đồng ý của Ngân hàng Nhà nước, BIDV đã chuẩn bị rất nhiều ban bệ cho công cuộc sáp nhập như thành lập “Ban chỉ đạo sáp nhập MHB vào BIDV”.

Không chỉ vậy ngay từ những ngày đầu năm mới, cả hai ngân hàng đã nhanh chóng chuẩn bị các bộ tài liệu và trình cổ đông xem xét theo đúng quy định. Bên cạnh đó, cũng đã có tới 250 văn bản và gần 2.000 trang tài liệu liên quan đến thương vụ sáp nhập này được triển khai. Do vậy thay vì mất từ 8 tháng đến 1 năm cho công cuộc thẩm định, sáp nhập thì thương vụ này chỉ mất có vài tháng. Cho đến hết ngày 22/05, thương hiệu MHB đã bị “xóa sổ” khỏi thị trường.

Theo vị lãnh đạo BIDV bật mí, do cả hai ngân hàng đều đã thực thi triển khai sáp nhập trên tiêu chí nhanh, cẩn trọng và chặt chẽ cộng với kinh nghiệm xử lý, tái cơ cấu ngân hàng dày dạn của BIDV, thương vụ sáp nhập đã nhanh chóng được hoàn tất.

Theo giới chuyên gia, thương vụ sáp nhập BIDV-MHB đã đạt được những kết quả bước đầu không chỉ xuất sắc về mặt lộ trình và thời gian, mà còn đúng với phong cách làm việc của một “ông lớn” ngân hàng đó là “nói được làm được”.

Ngọc anh (Th theo DĐDN; NLĐ; TBKTSGO)

 

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục