Lượng người nước ngoài mua BĐS tại Việt Nam không được như mong đợi!

(Kinhdoanhnet) - Ba tháng sau khi Luật Nhà ở sửa đổi có hiệu lực cho phép người nước ngoài mua nhà taiuj Việt Nam, tuy nhiên, tỷ lệ giao dịch thành công với nhóm khách hàng này vẫn chưa có những chuyển biến mạnh mẽ như mong đợi.

Lượng người nước ngoài mua BĐS tại Việt Nam không được như mong đợi! - Ảnh 1
Lượng người nước ngoài mua BĐS tại Việt Nam vẫn còn rất khiêm tốn

Theo số liệu thống kê trên thị trường BĐS trong tháng 7 vừa qua, khoảng 10% trong tổng số 3.500 giao dịch tại hai thị trường lớn là Hà Nội và TP.HCM thuộc về Việt kiều và người nước ngoài sinh sống tại Việt Nam. Đó là một con số đáng mừng trên thị trường bất động sản. 

Trước đó, theo thống kê của Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng), trong tháng 7/2015, lượng giao dịch thành công và giá BĐS tại nhiều địa phương tiếp tục tăng so với các tháng trước đó. Trong đó, thị trường BĐS Hà Nội có khoảng 1.800 giao dịch thành công, tăng 3% so với tháng trước đó, tăng gấp gần 2 lần so với cùng kỳ năm 2014. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, con số 10% này vẫn là khá khiêm tốn so với tiềm năng của thị trường.

Một đơn vị tư vấn BĐS cho biết, tính từ khi Luật Nhà ở sửa đổi có hiệu lực, số người nước ngoài có nhu cầu muốn hỏi về sản phẩm BĐS tăng 20-30%, nhưng vì phải chờ hướng dẫn nên gần như chưa có giao dịch.

Khảo sát tại các sàn BĐS cho thấy, lượng mua BĐS của khách nước ngoài vẫn chưa có sự tăng trưởng rõ nét nhưng lượng khách quan tâm đến những dự án BĐS trong 3 tháng vừa qua có dấu hiệu tăng nhẹ. Đặc biệt, tại các đợt mở bán dự án mới trong tháng 9, lượng khách hàng này đã tăng lên trung bình từ 15 - 25% so với đầu tháng 7, khi luật nhà ở sửa đổi mới chính thức có hiệu lực. Điều này cho thấy luật nhà ở mới đã phần nào tác động tích cực đến thị trường BĐS tại Tp.HCM, dù đó chỉ là những tín hiệu nhẹ và chuyển biến chậm rãi. 

Theo nhận xét của một số CĐT và sàn giao dịch BĐS, từ khi luật nhà ở sửa đổi có hiệu lực đến nay, tỷ lệ người nước ngoài quan tâm đến các dự án căn hộ trung bình và cao cấp tăng lên. Mức giá được họ quan tâm dao động từ 1,7 - 3,5 tỷ. Những khách hàng nước ngoài có lối sống thiên về không gian sinh hoạt xanh, nên yêu cầu về chất lượng cuộc sống trong căn hộ cũng cao hơn. Ngoài ra, mức thu nhập trung bình của họ cũng cao hơn đại bộ phận dân cư Tp.HCM. Do đó, họ có đủ khả năng chi trả cho những căn hộ trung bình và cao cấp để được hưởng những tiện nghi và dịch vụ tại nhà. 

Tuy vậy, vẫn có một bộ phận lớn khách hàng nước ngoài lại không chọn mua căn hộ chung cư, vì họ yêu cầu nhà ở phải có sân vườn, nên thường sẽ chọn mua nhà biệt lập. Tất nhiên, đối tượng khách hàng này sẽ chịu bỏ ra mức chi trả cao hơn rất nhiều để chọn mua nhà ở những khu biệt thự như quận 7, quận 2,… Còn lại vẫn chấp nhận ở nhà thuê với mức giá khá cao so với giá thuê nhà trung bình của người Việt Nam.

Vì vậy, thực tế thì các doanh nghiệp BĐS vẫn chưa thể nhận biết rõ ràng khách hàng nước ngoài tập trung chính vào phân khúc nhà ở nào, nên cũng không thể mạo hiểm “đánh” riêng vào nhóm đối tượng này. Tuy nhiên, một số CĐT vẫn kỳ vọng đây là nhóm đối tượng khách hàng tiềm năng đối với các dự án mới của họ trong thời gian tới, khi mà những khó khăn, vướng mắc của luật nhà ở sửa đổi được tháo gỡ, nhu cầu giao dịch nhà ở từ nhóm khách nước ngoài sẽ tăng cao hơn.

Thời điểm này, các doanh nghiệp vẫn chưa có những động thái cụ thể nào cho thấy họ tập trung khai thác riêng khách hàng nước ngoài. 

Nhưng trong tháng 9 vừa qua, những dự án lớn cũng đã được quảng bá mạnh và mở bán rầm rộ hơn như: cụm 7 dự án mới của tập đoàn BĐS Novaland là Sunrise Cityview, Sunrise Riverside, The Park Avenue, Orchard Parkview, Duxton, Golden Mansion, Newton Residence; dự án căn hộ EveRich 3 và 4 của tập đoàn BĐS Phát Đạt; Dự án Diamond Lotus của Phúc Khang Corporation, hay 100 căn hộ Block C của dự án Him Lam Chợ Lớn… Tất cả đều đã được mở bán và thu hút rất nhiều khách hàng nước ngoài đến tham quan, tìm hiểu. Tuy chỉ một số ít khách hàng nước ngoài đã đồng ý ký kết được hợp đồng, nhưng cũng góp phần đẩy giao dịch và thanh khoản chuyển biến theo chiều hướng tích cực hơn.

Tình hình kinh tế Việt Nam đang trên đà phát triển mạnh mẽ, do chính sách nhà nước đã mở cửa thông thoáng hơn khi hội nhập nền kinh tế thế giới, nhất là một thành phố sôi động và luôn dẫn đầu về thị trường lao động vào loại nhất cả nước như Tp.HCM. Chính vì thế, nơi này luôn thu hút được rất nhiều nguồn vốn và nguồn nhân lực ở trong cũng như ngoài nước khiến số lượng dân nhập cư vào thành phố ngày một nhiều và nhu cầu về nhà ở cũng theo đó mà tăng lên.

Bên cạnh đó, Luật nhà ở (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua ngày 25/11/2014 đã chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2015, tạo cơ hội cho người Việt Nam đang sống tại nước ngoài (Việt Kiều), người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam được quyền sở hữu nhà dài hạn tại Việt Nam. Điều này giống như “chiếc đòn bẩy” góp phần thúc đẩy nhu cầu mua nhà của nhóm khách hàng này lên cao.

Ngày 20/9, tại buổi ra mắt dự án Diamond Lotus của Phúc Khang Corporation, người viết có dịp được tiếp cận với một số khách hàng là người nước ngoài đến tìm hiểu về dự án này. Ông Yang (người Đài Loan hiện đang là chuyên viên tài chính) cho biết: “Tôi chuyển đến làm việc tại Tp.HCM đã được 7 năm và được công ty cấp nhà ở nên tôi không mấy quan tâm về vấn đề này. Tuy nhiên, luật nhà ở mới cho phép những người nhập cư như tôi được quyền mua nhà tại Việt Nam đã thôi thúc tôi sở hữu một căn hộ cho riêng mình. Vì thế, tôi đã tìm hiểu rất nhiều dự án mở bán gần đây nhưng vẫn chưa quyết định chọn mua do luật mới chưa có những hướng dẫn cụ thể để mua được nhà một cách hợp pháp và đảm bảo an toàn tài sản”.

Ngoài ra, ông Yang cũng chia sẻ, ông muốn tìm một căn hộ ở quận 2 hoặc quận 7 vì gần nơi làm việc, nhưng vẫn chưa tìm được. Hiện tại, hầu hết những dự án nằm ở hai quận này thuộc vào phân khúc căn hộ cao cấp và rất đắt đỏ. Thực tế, không phải người ngoại quốc nào cũng có thể mua được một căn hộ đảm bảo những yêu cầu về xây dựng giống như tiêu chuẩn cuộc sống tại nước bản xứ mà vẫn phù hợp với khả năng tài chính của họ. Anh Harrison Tripple người Canada, là giáo viên dạy ngoại ngữ vẫn còn băn khoăn chưa mua được nhà cũng vì lý do trên.

“Tôi sang Việt Nam từ năm 2010 và thuê nhà ở tại Tp.HCM. Hiện nay, tôi đã đính hôn với một cô gái người Việt và quyết định sẽ làm thủ tục mua nhà định cư tại đây, vì tôi rất thích thành phố này. Tuy nhiên, tôi vẫn chưa biết phải làm thủ tục như thế nào vì tài khoản tiết kiệm của tôi đăng ký tại Canada. Hơn nữa, những căn hộ tôi đã đi xem, nếu vừa mức chi trả thì lại quá ít không gian sinh hoạt ngoài trời. Trong khi tôi lại quen với kiểu nhà có không gian xanh và thoáng đãng ở Canada. Tìm được một căn hộ như thế ở gần trung tâm thành phố và có mức giá phù hợp với khả năng tài chính hiện tại của tôi thì thật rất khó”, anh Harry chia sẻ.

Theo dự báo của giới chuyên gia, thị trường BĐS sẽ tiếp tục đón nhận thêm nhiều sản phẩm BĐS mới trong tương lai. Trong 2 năm tới, thị trường sẽ được bổ sung thêm khoảng 59.000 căn hộ đến từ 90 dự án hiện có và các dự án dự kiến sẽ triển khai. Chắc chắn nhóm đối tượng khách hàng là người nước ngoài sẽ có thêm nhiều sự lựa chọn, cùng với đó, cuộc cạnh tranh giữa các doanh nghiệp BĐS sẽ tiếp tục trở nên quyết liệt hơn.

Mai Hoa - (Tổng hợp theo Nhịp sống kinh doanh, VTV)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục