Lối thoát nào cho VINACHEM?

Là một trong những doanh nghiệp lớn với khối tài sản lên tới hơn 57 ngàn tỷ đồng nhưng Tập đoàn Hóa chất Việt Nam – Vinachem lại đang chìm trong cảnh thua lỗ và “ôm” khoản nợ khủng. Liệu có con đường nào đưa Vinachem trở lại thời kỳ tươi sáng.

“Nỗi đau” từ doanh nghiệp phân bón

Nhìn lại chặng đường gần 7 năm hoạt động của Vinachem, năm 2016 sẽ là cột mốc khó quên của doanh nghiệp này. Việc 4 công ty con trong ngành phân bón thua lỗ cả ngàn tỷ đã biến Vinachem từ đơn vị làm ăn có lãi thành “con nợ” của Ngân hàng và “ôm” khoản lỗ lũy kế cả trăm tỷ đồng.

Vinachem hiện có tổng cộng 23 công ty con và 13 công ty liên kết hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau bao gồm sản xuất kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; hóa chất cơ bản và hóa chất tiêu dùng; công nghiệp hóa chất, hóa dược, hóa dầu; công nghiệp chế biến cao su; công nghiệp khai thác mỏ… Trong đó, hiện có 18 công ty đã đưa cổ phiếu giao dịch trên sàn HOSE, HNX và UPCoM.

Năm 2016, Vinachem ghi nhận doanh thu thuần 38.887 tỷ đồng, giảm 4% so với năm 2015, trong khi giá vốn hàng bán lại tăng gần 3%, khiến lãi gộp của Vinachem chỉ ở mức 5.600 tỷ đồng, giảm 29% so với năm trước. Mặt khác, các chi phí trong kỳ đều giữ ở mức cao khiến Vinachem báo lỗ ròng lên tới 1.337 tỷ đồng và xóa đi toàn bộ thành quả những năm trước đó. Công ty phải ghi nhận khoản lỗ lũy kế 1.348 tỷ đồng.

Điều đáng chú ý là nguyên nhân gây ra thua lỗ chủ yếu đến từ 4 đơn vị thành viên là CTCP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc, CTCP DAP - Vinachem; CTCP DAP số 2 - Vinachem, Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình với tổng khoản lỗ phát sinh từ 4 đơn vị trên lên tới hơn 3.000 tỷ đồng

Cụ thể, năm 2016, Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc lỗ ròng gần 1.041 tỷ đồng, nâng khoản lỗ lũy kế lên 1.720 tỷ đồng. Với DAP – Vinachem, đơn vị này ghi nhận lỗ trước thuế hơn 469 tỷ đồng, kéo khoản lãi lũy kế chuyển thành con số âm khoảng hơn 400 tỷ đồng. Hoàn cảnh tương tự cũng xảy đến với DAP số 2 – Vinachem với khoản lỗ gần 800 tỷ đồng.

Đáng chú ý nhất là đơn vị Đạm Ninh Bình, sở hữu nhà máy được Vinachem mới đầu tư xây dựng đã lỗ lớn ngay từ khi đi vào hoạt động. Tính trong giai đoạn 2013-2016, công ty này lỗ hơn 3.300 tỷ đồng; riêng trong năm 2016 lỗ gần 1.080 tỷ.

Bộ tứ ở trên đều nằm trong số 12 doanh nghiệp yếu kém đang được Bộ Công Thương xây dựng, hoàn thiện các phương án xử lý để trình Thường trực Chính phủ thảo luận và sớm gửi Bộ Chính trị cho ý kiến.

Nguyên nhân dẫn đến sự thua lỗ trên, xuất phát từ tình trạng chung của thị trường phân bón và gánh nặng đầu tư của các doanh nghiệp. Năm 2016 là giai đoạn thị trường phân bón đã bước vào bão hòa, cạnh tranh khốc liệt giữa các doanh nghiệp trong ngành cùng với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc đã kéo giá phân đạm giảm sâu. Trong khi đó, nguồn cung phân đạm Việt Nam gia tăng do các đơn vị đầu tư mở rộng năng suất tại các nhà máy, dẫn đến thừa cung trên thị trường.

Mặt khác, khi các nhà máy đi vào hoạt động phải chịu gánh nặng chi phí khấu hao cùng với lãi vay lớn đã tạo áp lực lên doanh nghiệp. Tính đến cuối năm 2016, Vinachem đang phải “gánh” khoản nợ 29.573 tỷ đồng, chiếm 79% nợ phải trả. Trong đó, nợ vay ngắn hạn ở mức 10.888 tỷ đồng và nợ vay dài hạn 18.685 tỷ đồng, lần lượt chiếm 37% và 63% cơ cấu nợ vay.

Khoản nợ vay đáng chú ý nhất là tại Dự án Đạm Ninh Bình do Tập đoàn Hoá chất (Vinachem) làm chủ đầu tư. Đây là dự án có công suất 560.000 tấn/năm, vốn đầu tư khoảng 667 triệu USD, tương đương 12.000 tỉ đồng, do Vinachem sở hữu 100% vốn. Để có tiền đầu tư, Vinachem đã vay Eximbank Trung Quốc 250 triệu USD, lãi suất ưu đãi 4%/năm, cố định trong vòng 15 năm, với điều kiện phải ký hợp đồng với nhà thầu HQC của Trung Quốc. Tính đến ngày 31/3/2017, dư nợ của khoản vay là 162,5 triệu USD, trong đó Vinachem đã trả nợ gốc 7 kỳ với tổng số tiền 87,5 triệu USD.

Theo đó, Vinachem phải tập trung nguồn lực của Tập đoàn để ưu tiên trả nợ cho khoản vay nước ngoài của dự án Đạm Ninh Bình, trả nợ đầy đủ ngay từ kỳ ngày 21/07/2017.

Tìm cơ hội trong khó khăn, “thắp” hy vọng từ cổ phần hóa

Mới đây, Vinachem vừa báo cáo Bộ Tài chính về lộ trình cổ phần hóa, theo đó trong quý 4/2017, các cấp có thẩm quyền sẽ ban hành quyết định cổ phần hóa Tập đoàn.

Theo đề án tái cơ cấu giai đoạn 2017-2020, sau khi cổ phần hóa, Vinachem sẽ giảm sở hữu vốn nhà nước xuống còn 51-65% vốn điều lệ, điều này đồng nghĩa với việc Nhà nước sẽ bán 49% vốn tại Tập đoàn. Đồng thời, Vinachem cũng dự kiến phát hành cổ phiếu cho đối tác chiến lược và tăng vốn thêm 5.000 tỷ đồng nhằm cơ cấu lại một phần nợ vay và cải thiện tình hình tài chính.

Vinachem dự kiến quý I hoặc quý II/2019, Tập đoàn sẽ tổ chức bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng qua sở giao dịch chứng khoán, đồng thời bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược. Vinachem sẽ niêm yết hoặc đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán vào quý IV/2019.

Bên cạnh đó, Vinachem cũng sẽ thoái vốn tại một số công ty con, liên kết, việc này sẽ giúp Tập đoàn có thêm nguồn thu cho hoạt động kinh doanh và cải thiện tình hình tài chính.

Trước mắt trong năm 2017, Vinachem đặt mục tiêu doanh thu 43.567 tỷ đồng, tăng 4% so với năm trước, dự kiến sẽ không còn lỗ và có lợi nhuận 155 tỷ đồng.

Bên cạnh hoạt động chính, một số công ty con của Tập đoàn trong các lĩnh vực khác nhau vẫn hoạt động ổn định, trong đó có thể kể đến CTCP Pin ắc quy Miền Nam (PAC), CTCP Cao su Đà Nẵng (DRC), CTCP Công nghiệp cao su Miền Nam (CSM), CTCP Phân bón Bình Điền (BFC)… các đơn vị này đều có lợi nhuận mỗi năm và đem về dòng tiền cổ tức cho Tập đoàn.

Đối với “bộ tứ phân bón”, năm 2017 với việc thị trường phân bón có những biến động tích cực, nhu cầu phân bón hồi phục nhờ sự vực dậy của ngành nông nghiệp; đồng thời giá phân bón, giá ure tăng mạnh hồi đầu năm (do những tác động từ Trung Quốc), các đơn vị như Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc, DAP - Vinachem; DAP số 2 – Vinachem và Đạm Ninh Bình này được kỳ vọng sẽ có những chuyển biến so với năm trước.

Ngoài ra, với chính sách được kỳ vọng là đưa phân bón sang mặt hàng chịu thuế 0%, có thể giúp doanh nghiệp tiết kiệm đến 2.500 tỷ đồng chi phí mỗi năm (theo Bộ Công thương), tạo sức cạnh tranh về giá với hàng nhập khẩu. Ngoài ra, Chính phủ đặt mục tiêu thắt chặt quản lý nhằm hạn chế nạn phân bón giả và nhập lậu trong năm 2017 sẽ góp phần tạo môi trường phát triển tốt cho doanh nghiệp.

Liệu rằng tương lai Vinachem sẽ ra sao và cái kết nào đang chờ đợi “ông lớn” này?

Theo Phan Tùng/Người đồng hành

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục