Giá vàng tiếp tục tăng, các ngân hàng mua gom tích trữ

Theo dữ liệu từ LSEG, giá vàng giao ngay hiện dao động quanh ngưỡng 3.328,3 USD/ounce, đánh dấu mức tăng gần 27% từ đầu năm 2025. Trong bối cảnh này, nhu cầu tích lũy vàng của các ngân hàng trung ương toàn cầu không ngừng gia tăng. Đáng chú ý, ngày càng nhiều quốc gia đang lựa chọn phương thức mua vàng trực tiếp từ các mỏ nội địa thay vì qua thị trường quốc tế.

Theo khảo sát mới nhất từ Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), xu hướng trên đang lan rộng, đặc biệt tại các nước có trữ lượng khai thác, bao gồm các quốc gia ở châu Phi, Mỹ Latinh và châu Á.

Giám đốc toàn cầu phụ trách mảng ngân hàng trung ương tại WGC Shaokai Fan nhận định: “Một xu hướng nổi bật là các ngân hàng trung ương ở châu Phi và Mỹ Latinh đang ngày càng tích cực tận dụng nguồn vàng từ các mỏ nhỏ trong nước. Đây là hệ quả tất yếu khi giá vàng đang đạt mức cao kỷ lục”.

Theo khảo sát, 19 trên 36 ngân hàng trung ương được hỏi cho biết họ đang thu mua vàng từ các mỏ khai thác thủ công hoặc quy mô nhỏ trong nước và thanh toán bằng nội tệ. Khảo sát cũng dự báo sự gia nhập xu hướng của thêm 4 ngân hàng khác.

So với 2024, mức độ tham gia đã tăng lên rõ rệt, khi chỉ có 14 trên 57 ngân hàng trung ương xác nhận đang mua vàng nội địa.

Những cái tên nổi bật trong danh sách này gồm Colombia, Tanzania, Ghana, Zambia, Mông Cổ và Philippines. Đơn cử, Ngân hàng Trung ương Ghana đã ký kết thỏa thuận với các công ty khai thác trong nước để mua 20% sản lượng vàng của họ từ tháng 4/2025.

Trong khi đó, tại Tanzania, chính phủ yêu cầu các công ty xuất khẩu vàng phải bán ít nhất 20% sản lượng cho ngân hàng trung ương, áp dụng từ tháng 9/2024.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo WGC, lợi thế lớn nhất của việc thu mua vàng trong nước là chi phí. Việc này giúp các ngân hàng trung ương tiết kiệm chi phí trung gian, vận chuyển quốc tế. Đặc biệt, xu hướng này giúp các ngân hàng có khả năng thanh toán bằng nội tệ, một bước đi giúp duy trì cán cân dự trữ ngoại hối ổn định. Nhất là trong bối cảnh các ngoại tệ như USD, Euro hay Bảng Anh ngày càng tăng giá như hiện tại.

Ông Fan chia sẻ: “Giờ đây, các ngân hàng có thể tăng lượng dự trữ vàng mà không cần hy sinh các tài sản dự trữ khác như đồng USD”.

Bên cạnh yếu tố chi phí, sự linh hoạt trong chính sách tiền tệ cũng là lý do quan trọng khiến các ngân hàng ưa chuộng vàng nội địa.

Trước đó, vàng thường được mua thông qua các giao dịch trên thị trường phi tập trung quốc tế với các thỏi vàng đạt tiêu chuẩn “London Good Delivery” (LGD). Các giao dịch này không chỉ yêu cầu thanh toán bằng ngoại tệ mà còn đi kèm chi phí lưu kho và phí tinh luyện.

Trên thực tế, không phải quốc gia nào cũng đủ năng lực xử lý và tinh luyện vàng đạt chuẩn LGD. Do đó, việc phải chi trả để sở hữu nhà máy tinh luyện đạt chuẩn yêu cầu LGD cũng sẽ là một gánh nặng chi phí cho các quốc gia nếu còn giao dịch vàng theo phương thức cũ.

Ở chiều ngược lại, các quốc gia có năng lực tinh luyện trong nước có thể hưởng lợi kép: vừa tiết kiệm chi phí xử lý, vừa tăng giá trị chuỗi cung ứng trong nước.

“Mua vàng từ mỏ nội địa, sau đó tinh luyện và lưu trữ tại chỗ giúp quốc gia kiểm soát tốt hơn toàn bộ chu trình tích trữ vàng”, ông Fan bình luận.

Hình ảnh bên trong mỏ khai thác vàng tại Colombia (Ảnh: gtreview.com)
Hình ảnh bên trong mỏ khai thác vàng tại Colombia (Ảnh: gtreview.com)

Ngoài yếu tố tài chính, hình thức này còn tạo ra lợi ích kinh tế xã hội tại địa phương. Với nhu cầu tiêu thụ trong nước còn hạn chế, các ngân hàng trung ương đóng vai trò như “người mua cuối cùng”, đảm bảo đầu ra cho các doanh nghiệp khai khoáng, hỗ trợ tạo việc làm và ổn định ngành công nghiệp khai thác quy mô nhỏ.

Dù vậy, xu hướng này không hoàn toàn không có rủi ro. Một số chuyên gia lo ngại về tính minh bạch và rủi ro danh tiếng khi mua vàng từ các mỏ khai thác thủ công. Bà Nicky Shiels, trưởng bộ phận nghiên cứu tại MKS PAMP, cảnh báo: “Nếu không có hệ thống giám sát và chứng nhận nghiêm ngặt, các ngân hàng trung ương có thể gặp rủi ro về hình ảnh khi các mỏ khai thác thủ công vốn thường bị chỉ trích vì điều kiện lao động kém, tác động môi trường và nguy cơ rửa tiền, buôn lậu".

Trước những lo ngại trên, ông Fan lạc quan cho biết chính ngân hàng trung ương có thể là chìa khóa để “làm sạch” chuỗi cung ứng vàng. Theo ông, một người mua lớn và đáng tin cậy như ngân hàng trung ương có thể giúp tạo ra kênh tiêu thụ hợp pháp cho các thợ mỏ nhỏ, chuyển hướng vàng khỏi các mạng lưới tội phạm, đồng thời nâng cao khả năng truy xuất nguồn gốc.

Việc đẩy mạnh mua vàng nội địa không chỉ là giải pháp tài chính ngắn hạn mà còn là bước đi dài hạn nhằm nâng cao khả năng tự chủ của mỗi quốc gia trong điều hành chính sách tiền tệ. Khi bất ổn ngày càng khó lường, vàng lại càng trở nên quý giá.

Trong làn sóng tích trữ vàng đang lan rộng toàn cầu, các ngân hàng trung ương không chỉ tìm kiếm an toàn cho dự trữ quốc gia, mà còn góp phần tái định hình chuỗi cung ứng vàng toàn cầu theo hướng bản địa hóa và tự chủ hơn.

Minh Huệ

Vietnamfinance
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục