Chính thức hoạt động từ năm 1996, khoảng thời gian 18 năm là khá dài, song đối với các doanh nghiệp Việt Nam, họat động cho thuê tài chính - một hình thức tài trợ tín dụng trung và dài hạn - vốn đã được hình thành và được sử dụng từ rất lâu trên thế giới dường như còn rất mới mẻ. Nguyên nhân là do nền kinh tế Việt Nam mới mở cửa chưa được bao lâu, thói quen giao dịch tín dụng với các Ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng khác hầu như không thay đổi của các doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng, thói quen đó trong thời gian dài vẫn tồn tại ngoài các yếu tố như: lãi suất đi thuê chưa thật sự hấp dẫn, hoạt động cho thuê tài chính trên thực tế còn vướng một số chính sách cơ chế cần sửa đổi, tháo gỡ cho phù hợp với sự phát triển chung của toàn xã hội,… thì một phần lớn là do thông tin về họat động cho thuê tài chính, các tiện ích mà các công ty cho thuê tài chính mang lại cho khách hàng khi sử dụng dịch vụ thuê tài chính chưa thật đầy đủ.
Thực tế, chiếm đại đa số khách hàng giao dịch với các công ty cho thuê tài chính hiện tại là do sự giới thiệu từ “Ngân hàng mẹ”, nơi sáng lập ra phần lớn các công ty cho thuê tài chính hiện nay, và từ các nhà cung cấp các lọai máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải,… còn lượng khách hàng tìm đến do uy tín, họat động, thương hiệu được quảng bá,… của các công ty cho thuê tài chính là rất ít. Nhiều doanh nghiệp chưa hiểu rõ bản chất cấp tín dụng của dịch vụ cho thuê tài chính, chưa thấy rõ được hiệu quả, lợi ích từ dịch vụ cho thuê tài chính mang lại.
Thuê tài chính mang lại nhiều lợi ích cho cả cá nhân và doanh nghiệp...
Thuê tài chính giúp cho bạn tiếp cận được với rất nhiều loại tài sản, từ những thiết bị văn phòng như máy photocopy, máy tính, đến các phương tiện và các dây chuyền sản xuất hiện đại. Mặc dù thuê tài chính không trực tiếp chuyển vốn cho bạn, nhưng hình thức này hoàn toàn có thể giúp bạn giảm lượng tiền bạn cần để khởi sự hoặc mở rộng doanh nghiệp.
Thuê tài chính cũng giúp doanh nghiệp bắt kịp với công nghệ. Điều này đặc biệt quan trọng nếu ngành kinh doanh của bạn phải dựa nhiều vào các công nghệ tân tiến như thế hệ máy tính mới nhất, các công cụ truyền thông, dây chuyền công nghệ mới hoặc các thiết bị khác. Nhiều hợp đồng thuê ngắn hạn có thể sẽ tiết kiệm hơn là việc sau một hai năm lại mua thiết bị mới.
Nếu bạn cần có máy móc, thiết bị ngay lập tức, việc đi thuê sẽ được chấp thuận nhanh hơn nhiều so với các khoản vay tín dụng, và không cần nhiều thủ tục giấy tờ phiền hà, các yêu cầu về tín dụng cũng dễ chịu hơn. Nhất là với các doanh nghiệp đang ở giai đoạn khởi đầu, việc thuê tài chính sẽ dễ dàng hơn nhiều so với việc đi vay ngân hàng.
Cho thuê tài chính đặc biệt có lợi với những công ty có ý định giữ lại tài sản sau khi hết thời hạn thuê. Trong một hợp đồng thuê tài chính, tài sản sẽ hiện dần lên trong bảng cân đối và khoản nợ thì sẽ được hoàn trả dần trong thời gian thuê.
Khi bạn lựa chọn thuê thiết bị thay vì mua, bạn tránh được một khoản tiền trả ngay lớn. Bằng cách dãn khoản thanh toán ra theo vòng đời của tài sản, bạn có thể bù đắp được chi phí thiết bị với các khoản sinh lời từ việc đầu tư đó. Thêm vào đó, việc trả các khoản thanh toán cố định hàng tháng giúp cân đối được các khoản phải trả dự tính, tạo thuận lợi cho việc thu xếp nguồn vốn và báo cáo số liệu.
Sau cùng, việc thuê tài sản cũng có thể sẽ tốn kém hơn việc đi mua, nhưng nếu dòng tiền là một vấn đề quan trọng, vậy thì thuê tài chính sẽ là một lựa chọn rất hấp dẫn.
Tuy vậy vẫn tồn tại nhiều rủi ro
Ở các nước, hoạt động CTTC hoạt động rất sôi nổi, cạnh tranh rất gay gắt với các NHTM để giành khách hàng, nhưng ở Việt Nam số lượng công ty CTTC ra đời rất ít, hoạt động rất trầm lắng. Sau khi NHNN ban hành quyết định thu hồi giấy phép hoạt động của Công ty CTTC ANZ/V-TRAC 100% vốn nước ngoài do hoạt động kém hiệu quả vào năm 2013, hiện chỉ còn 3 công ty nước ngoài là Công ty TNHH CTTC Quốc tế Việt Nam, Công ty CTTC Kexim và Công ty TNHH CTTC Quốc tế Chailease cùng với 8 thành viên trực thuộc Hiệp hội CTTC nhưng hiệu quả hoạt động không cao.
Đáng chú ý là các công ty CTTC luôn nằm trong nhóm có tỷ lệ nợ xấu rất cao. Một báo cáo hồi năm 2012 cho thấy năm 2010 chiếm 46% tổng dư nợ, 2011 là 45% và năm 2012 là 46%. Cuối năm 2013, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM, cho biết tại TPHCM, tỷ lệ nợ xấu tại nhóm các công ty CTTC chiếm cao nhất là 43,22%, tiếp theo là nhóm các công ty tài chính chiếm 22,92%, còn lại là nhóm NHTM và NH liên doanh.
Nguyên nhân khiến các công ty CTTC gặp khó khăn là bởi theo các văn bản quy định về hoạt động đối với lĩnh vực này được ban hành khá lâu và chưa có những điều chỉnh mới để phù hợp với tình hình thực tế. Đa số đơn vị CTTC là công ty con của các NHTM nhưng quy định của NHNN đối với việc NHTM cho công ty CTTC vay khá khắt khe.
Công ty CTTC chỉ được huy động vốn thông qua việc nhận tiền gửi có kỳ hạn từ 1 năm trở lên, trong khi việc huy động vốn dài hạn ngay cả NH cũng gặp khó nên nguồn vốn để các công ty này hoạt động còn rất hạn chế.
Huy động khó khăn, vốn điều lệ của các công ty CTTC hiện dao động từ 150-500 tỷ đồng, nhưng theo quy định về tỷ lệ an toàn vốn các đơn vị này chỉ được sử dụng 85% tổng nguồn vốn huy động để thực hiện CTTC và dư nợ tối đa đối với mỗi khách hàng là 25% vốn điều lệ.
Trong khi các quy định về nguồn vốn siết chặt thì hoạt động thuê tài sản lại chưa chặt chẽ, nên các công ty CTTC đối mặt với rủi ro ở mức cao.
Cụ thể, khi DN thuê máy móc thiết bị sử dụng hết thời hạn hợp đồng nhưng vẫn không chuyển giao lại cho đơn vị cho thuê hoặc trả lại tài sản thuê với tình trạng hư hỏng nặng, thậm chí có trường hợp còn tẩu tán tài sản. Khi rơi vào trường hợp này, đơn vị cho thuê có thể khởi kiện nhưng quy trình khởi kiện, thi hành án rất dài, tốn kém chi phí, khiến nhiều công ty bị mất thanh khoản, chỉ còn hoạt động cầm chừng để thu hồi nợ.
Dư nợ của các công ty CTTC ngày càng giảm
Hiện nay số liệu báo cáo cụ thể hoạt động kinh doanh của các công ty CTTC còn rất hạn chế. Kết thúc năm 2013, chỉ có một vài đơn vị tổng kết lợi nhuận, như công ty CTTC của Sacombank đạt lợi nhuận trước thuế 74,8 tỷ đồng, bằng 101,4% kế hoạch, Công ty CTTC ACB Leasing đạt lợi nhuận trước thuế 68,9 tỷ đồng với tổng dư nợ cho thuê đạt 973 tỷ đồng và tỷ lệ nợ quá hạn ở mức thấp 0,04%.
Trong khi đó, mới đây Kiểm toán Nhà nước đã trình Quốc hội báo cáo kiểm toán hoạt động kinh doanh năm 2012 của các NHTM quốc doanh, trong đó đã chỉ ra một NH đầu tư vào công ty CTTC thua lỗ, không bảo toàn được vốn. Theo thống kê chung về tình hình hoạt động CTTC trong năm 2013, dư nợ của các công ty hoạt động trong lĩnh vực này chỉ đạt hơn 14.678 tỷ đồng, giảm 5,55% so với năm 2012.
Trong 8 thành viên của Hiệp hội CTTC đang có 5 công ty đang hoạt động đúng chức năng với dư nợ hơn 5.453 tỷ đồng, 3 công ty CTTC còn lại đã ngưng kinh doanh và chuyển trọng tâm vào việc xử lý nợ xấu, nợ quá hạn với tỷ lệ lên đến 75-90% tổng dư nợ.
Theo một chuyên gia kinh tế, vốn cho DNNVV là một bài toán khó vì DNNVV không có tài sản thế chấp, không có báo cáo tài chính rõ ràng minh bạch nên NH khó cho vay.
Trong khi đặc thù của công ty CTTC khác với NH, DNNVV có thể thuê máy móc, thiết bị để sản xuất trong một thời gian theo thỏa thuận hợp đồng mà không cần tài sản đảm bảo.
Đặc biệt trong bối cảnh nhiều DN trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, thực phẩm, sản xuất hàng tiêu dùng, công nghiệp chế tạo đang muốn mở rộng sản xuất kinh doanh để đón đầu các cơ hội đến từ TPP, ASEAN+1… nhưng không đủ tài sản thế chấp để vay NH đầu tư có thể tìm đến công ty CTTC.
Nhưng để cung cầu gặp nhau phải có cơ chế đặc thù hỗ trợ hai bên và có thị trường riêng, vì nếu công ty CTTC cũng hướng đến khách hàng của NHTM sẽ khó có thể được DN lựa chọn. Chính vì vậy, khi lực tài chính yếu, việc quản trị điều hành của công CTTC còn hạn chế, sản phẩm dịch vụ nghèo nàn là nguyên nhân khiến thị phần ngày càng sụt giảm.
Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định 39/2014/NĐ-CP về hoạt động của công ty tài chính và công ty CTTC, trong đó có quy định các trường hợp chấm dứt trước hạn hợp đồng cho thuê như khi thuê không thanh toán tiền thuê hoặc vi phạm một trong các điều khoản, điều kiện: bên thuê bị tuyên bố phá sản, giải thể, tài sản cho thuê bị mất, hỏng không thể phục hồi sửa chữa.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, nếu quy định như vậy đơn vị cho thuê vẫn thiệt hại, rủi ro nợ xấu vẫn cao, dễ đẩy các công ty CTTC rời khỏi thị trường.
N.N.(Tổng hợp)