Thị trường tài chính tiêu dùng đầy béo bở
Dù đã để mắt tới thị trường tài chính tiêu dùng từ lâu nhưng cho đến nay MBBank vẫn chưa thể tham gia sâu vào thị trường này ngoài việc sáp nhập thành công Công ty tài chính Sông Đà với tỷ lệ sở hữu vốn 100%. Trong khi các ngân hàng khác như HDBank hay VPBank đã bắt tay và khai thác mạnh mẽ thị trường và dần dần đã định hình được thương hiệu cũng như thị phần lớn trong mảng kinh doanh đầy mới mẻ này.
Thực tế, HDBank và VPBank cũng là hai cái tên ngân hàng đang làm mưa làm gió tại thị trường tài chính tiêu dùng hiện nay. Cụ thể, HDBank đã tham gia vào thị trường tài chính tiêu dùng từ khá sớm, sau khi mua lại Công ty tài chính Société Générale (SGVF) và đổi tên thành Công ty tài chính HDFinance, sau đó HDBank đã ký kết hợp đồng bán lại 49% vốn sở hữu lại cho đối tác tới từ Nhật Bản là Tập đoàn tài chính Credit Saison, đổi tên thành Công ty tài chính HD Saison tấn công mạnh vào thị trường tài chính tiêu dùng và hiện đã xây dựng được thương hiệu của riêng mình và thu về rất nhiều thành công.
Trong khi đó tại VPBank, sau khi mua lại Công ty TNHH MTV Tài chính Than – Khoáng sản Việt Nam (CMF) của Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản (Vinacomin), VPBank đã chuyển toàn bộ hoạt động tín dụng tiêu dùng sang công ty con này và lấy tên gọi là FE Credit từ tháng 2/2015. Dù không phải bán vốn sở hữu của mình tại Công ty tài chính FE Credit và vẫn giữ nguyên tỷ lệ sở hữu vốn 100% này nhưng VPBank vẫn đang là cái tên “thống lĩnh” thị trường tín dụng tiêu dùng với việc là ngân hàng sở hữu thị phần lớn nhất về mảng tài chính tiêu dùng.
Dù chỉ mới được các ngân hàng đẩy mạnh khai thác nhưng mảng tài chính tiêu dùng đã khẳng định được khả năng sinh lời và được xem là mỏ vàng của các ngân hàng hiện nay. Nếu như từ khi đẩy mạnh tham gia vào thị trường tài chính tiêu dùng kết quả lợi nhuận của HDBank đã ghi nhận những kết quả ấn tượng. Thì tại VPBank, sự đóng góp của mảng tín dụng tiêu dùng thông qua công ty con là FE Credit còn lớn hơn rất nhiều.
VPBank là cái tên gặt hái được nhiều thành công nhất từ mảng tín dụng tiêu dùng thông qua công ty con FE Credit. Ảnh minh hoạ
Trước khi tham gia vào thị trường tín dụng tiêu dùng VPBank chỉ là một ngân hàng cỡ nhỏ với quy mô dư nợ chỉ vào khoảng 78.379 tỷ đồng, và lợi nhuận ngân hàng ở mức 1.609 tỷ đồng năm 2014. Sau khi tham gia vào thị trường tín dụng tiêu dùng vào năm 2015 VPBank đã ngay lập tức ghi nhận những chỉ số ấn tượng, không chỉ sở hữu đà tăng ấn tượng về tổng tài sản và quy mô tín dụng khi tăng lần lượt 19% và 50% mà kết quả lợi nhuận của ngân hàng còn có sự nhảy vọt lên top 3 ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân có kết quả lợi nhuận cao nhất năm 2015 khi đạt 3.096 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Và xem xét kỹ về cơ cấu lợi nhuận năm 2015 của VPBank thì đóng góp trong số đó là gần 1/3 lợi nhuận tới từ FE Credit tương đương gần 1.000 tỷ đồng lợi nhuận ngay năm đầu tiên.
Thậm trí, 9 tháng đầu năm 2016, VPBank còn vươn lên vị trí dẫn đầu về kết quả lợi nhuận trong khối ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân khi đạt hơn 3.100 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế vượt mặt MBBank. Cùng với đà tăng trưởng mạnh mẽ nhiều khả năng vị trí số một về kết quả lợi nhuận năm 2016 trong khối sẽ khó tuột khỏi tay VPBank.
MBBank bắt tay với đối tác tời từ Nhật Bản để tấn công thị trường tín dụng tiêu dùng
Hơn ai hết, MBBank hiểu rõ tầm quan trọng của tín dụng tiêu dùng vào cơ cấu lợi nhuận của ngân hàng thời gian gần đây, và có lẽ đây cũng là nguyên nhân chính ảnh hưởng tới kết quả lợi nhuận của MBBank nhiều năm liền gần như không tăng trưởng.
Mới đây, MBBank đã đánh dấu bước chân đầu tiên thể hiện tham vọng của mình trong mảng tín dụng tiêu dùng đầy béo bở này bằng việc chính thức bắt tay với một ngân hàng tới từ Nhật Bản là Shensei Bank để chuyển nhượng 49% vốn sở hữu tại Mcredit cho Shensei Bank và thành lập Công ty TNHH Tài chính tiêu dùng MB Shinsei.
MBBank sẽ là cái tên tiếp theo tham gia vào thị trường tài chính tiêu dùng. Ảnh minh hoạ
Với những thành công mà HDBank đã thu được từ HD Saison hay VPBank đã thu được từ FE Credit, nhiều khả năng MBBank cũng sẽ vận hành MB Shensei theo cách tương tự mà HD Saison hay FE Credit đang hoạt động trên thị trường đó là đẩy toàn bộ mảng tín dụng tiêu dùng sang công ty tài chính con này. Điều này càng rõ ràng hơn khi quy mô tín dụng của MBBank 9 tháng đầu năm nay đã tăng trưởng tới 20%, tạo tiền đề cho việc chuyển giao mà không quá ảnh hưởng tới dư nợ tín dụng ngân hàng.
Dù tham gia sau nhưng với vị thế và danh tiếng cùng với nguồn vốn lớn, chắc chắn MBBank sẽ sớm xây dựng được thương hiệu của mình và sớm gặt hái được thành công trong thị trường kinh doanh vẫn còn rất mới mẻ này.
Quang Thắng