Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (VietBank, mã: VBB) đã công bố báo cáo tài chính quý 4/2022 với nhiều khoản mục có biến động.
Trong quý 4, hầu hết các các mảng hoạt động của VietBank đều sụt. Lợi nhuận sau thuế trong quý giảm mạnh hơn 52,45% so với cùng kỳ xuống 100,395 tỷ đồng.
Thu nhập lãi thuần giảm 33,2% xuống còn 466,5 tỷ đồng, lãi thuần từ hoạt động kinh doanh khác giảm 53,1% xuống 81,3 tỷ đồng.
Mặt khác, mảng kinh doanh ngoại hối của ngân hàng lỗ gần 7 tỷ đồng và mảng chứng khoán đầu tư lỗ hơn 400 tỷ đồng trong quý 4, trong khi chỉ có lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tăng 12,7% so với cùng kỳ lên 37,2 tỷ đồng.
Lũy kế cả năm 2022, lợi nhuận trước thuế VietBank chỉ đạt 649 tỷ đồng, nhích nhẹ 2,1% so với cùng kỳ. Trong đó, thu nhập lãi thuần tăng 21,3% so với năm trước lên 1.802 tỷ đồng. Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tăng 35,4% lên 119 tỷ đồng. Trong khi mảng kinh doanh ngoại hối ghi nhận lãi gấp gần 5 lần so với năm trước lên 55,6 tỷ đồng, thì ngược lại, lãi thuần từ chứng khoán đầu tư ghi nhận giảm 87% so với năm trước, từ 475,6 tỷ xuống còn 61,7 tỷ đồng.
Tính đến 31/12/2022, tổng tài sản của VietBank đạt 111.936 tỷ đồng, tăng 8,3% so với cuối năm 2021. Trong đó, cho vay khách hàng tăng gần 26% lên hơn 63.632 tỷ đồng. Số dư tiền gửi của khách hàng tăng 13,8% so với năm trước, đạt 75.988 tỷ đồng.
Cùng chiều với đà tăng dự nợ tín dụng, nợ xấu của ngân hàng này tại thời điểm 31/12/2022 đã tăng 26% so với đầu năm lên 2.324 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ tín dụng vẫn duy trì ở mức cao với 3,65%. Đáng chú ý, nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) đã tăng gần gấp đôi so với cuối năm 2021 lên 1.814 tỷ đồng.
Trong quý, VietBank đã thực hiện nộp hơn 218 tỷ đồng tiền thuế. Trong đó, thuế TNDN đạt hơn 158 tỷ đồng, thuế TNCN đạt hơn 32 tỷ đồng, thuế GTGT đạt hơn 18 tỷ đồng, còn lại là các loại thuế khác. Kết thúc quý, số thuế VietBank chưa nộp còn gần 28 tỷ đồng.
Trước đó, tháng 7/2022, VietBank đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận bằng văn bản về việc tăng vốn điều lệ tối đa thêm 1.003 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo phương án tăng vốn điều lệ đã được đại hội đồng cổ đông thông qua. Nếu thành công, vốn điều lệ của VietBank sẽ tăng từ mức 4.777 tỷ đồng lên 5.780 tỷ đồng.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 21/2, giá cổ phiếu VBB giảm nhẹ, hiện đang ở mức 10.200 đồng/cp.
Đánh giá từ các chuyên gia về tình hình nợ xấu của ngân hàng cho thấy, những khoản nợ xấu cao có thể đẩy ngân hàng rơi vào tình trạng mất vốn, mất thanh khoản và mất lòng tin của khách hàng. Khi nợ xấu gia tăng đồng nghĩa với nguồn vốn đầu tư sẽ bị đóng băng, không có khả năng thu hồi, kéo theo đó là khả năng thanh toán chắc chắn sẽ giảm. Khủng hoảng trong thanh toán chính là nguyên nhân dễ dẫn đến sự phá sản của các ngân hàng. Nhất là với nợ xấu tăng cao còn làm suy giảm năng lực tài chính của ngân hàng, ảnh hưởng đến sự ổn định của khu vực tài chính.
Ngoài ra, nợ xấu gia tăng, đồng nghĩa với lợi nhuận của ngân hàng sẽ suy giảm. Khi ngân hàng không đạt được kế hoạch lợi nhuận với những khoản nợ khó đòi trong nhiều quý và chính ngân hàng cũng trở thành những con nợ với những khoản nợ khổng lồ và buộc phải đi đến kết cục bị phá sản hay bị thôn tính sáp nhập.
|