Lợi nhuận nhóm doanh nghiệp dịch vụ hàng không ‘toả sáng’

9 tháng đầu năm 2022, lượng khách tăng giúp các nhóm doanh nghiệp dịch vụ hàng không ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan, có doanh nghiệp ghi nhận lãi tăng nhiều lần.

 

Lợi nhuận nhóm doanh nghiệp dịch vụ hàng không ‘toả sáng’ - Ảnh 1

Đại dịch Covid-19 trong hai năm 2020 và 2021 khiến ngành hàng không gần như bị tê liệt. Trong đó các hãng hàng không và các công ty dịch vụ hàng không là những đơn vị chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.  Đến 9 tháng đầu năm 2022, tình hình dịch được kiểm soát tốt với sự phục hồi của du lịch trong và ngoài nước, các hãng hàng không được cất cánh trở lại, nhóm dịch vụ hàng không hưởng lợi lớn khi đồng loạt báo lãi tăng trưởng mạnh.

Đầu tiên phải kể tới CTCP Dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (SASCO, UPCOM: SAS) lãi kỷ lục 9 tháng qua.

Cụ thể, trong kỳ SAS ghi nhận doanh thu thuần hơn 414 tỷ đồng, cao gấp 7 lần cùng kỳ; lợi nhuận gộp gấp 9 lần đạt 216 tỷ đồng. Trừ đi các chi phí và giá vốn, SAS lãi 35 tỷ đồng, gấp gần 17 lần. Lũy kế 9 tháng, doanh thu thuần SAS đạt 841 tỷ đồng, lãi ròng 121 tỷ đồng. Qua đó, SAS đã hoàn thành 63% chỉ tiêu doanh thu và vượt 52% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Lợi nhuận nhóm doanh nghiệp dịch vụ hàng không ‘toả sáng’ - Ảnh 2

Tiếp đến, CTCP Dịch vụ hàng hóa Sài Gòn (Saigon Cargo Services, mã: SCS) với lãi ròng quý 3/2022 đạt 148 tỷ đồng, tăng 22,6% so với cùng kỳ năm trước. Sau 9 tháng, SCS đã hoàn thành 68% kế hoạch doanh thu và 79% kế hoạch lợi nhuận, do đó, theo Ban lãnh đạo, công ty hoàn toàn có khả năng hoàn thành kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2022 là 668 tỷ đồng.

Trường hợp tại CTCP Dịch vụ Hàng hóa Nội Bài (mã: NCT) lại khác. Tuy báo lãi ròng quý 3/2022 giảm 9% so với cùng kỳ, xuống còn 56,4 tỷ đồng nhưng tính chung 9 tháng đầu năm 2022 doanh nghiệp vẫn lãi ròng 170 tỷ đồng, hoàn thành gần 73% chỉ tiêu cả năm.

Bên cạnh đó, Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam - Công ty CP (ACV) ghi nhận thoát lỗ. Theo đó, quý 3/2022 doanh nghiệp dịch vụ hàng không này thu về 4.187 tỷ đồng doanh thu, cao gấp 11 lần cùng kỳ. Sau khi khấu trừ các loại chi phí, ACV lãi ròng 2.397 tỷ đồng tăng gấp nhiều lần so với số lỗ 822 tỷ đồng của quý 3/2021. Lũy kế 9 tháng năm 2022, ACV đạt doanh thu thuần 9.769 tỷ đồng, tăng 157% và lãi ròng hơn 2.395 tỷ đồng, tăng cao khi cùng kỳ năm trước bị lỗ hơn 822,5 tỷ đồng.

Lợi nhuận nhóm doanh nghiệp dịch vụ hàng không ‘toả sáng’ - Ảnh 3

Tương tự, CTCP Suất ăn Hàng không Nội Bài (mã: NCS) cũng may mắn thoát lỗ sau 9 tháng thua lỗ liên tiếp. Cụ thể, trong quý 3/2022, doanh nghiệp dịch vụ hàng không này ghi nhận doanh thu thuần đạt 135 tỷ đồng, gấp gần 5 lần so với cùng kỳ. Giá vốn hàng bán tăng gấp 150% so với cùng kỳ nên lợi nhuận gộp ghi nhận 24 tỷ đồng; trong khi cùng kỳ năm trước NCS kinh doanh dưới giá vốn khiến quý 3/2021 lỗ gộp hơn 17 tỷ đồng.

Khấu trừ đi các khoản chi phí, lợi nhuận sau thuế quý 3/2022 đạt gần 9 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lỗ hơn 25 tỷ đồng. Như vậy, sau 9 quý kinh doanh thua lỗ, quý 3 này NCS đã có lãi trở lại. Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu bán hàng NCS đạt gần 282 tỷ đồng, tăng 171% so với cùng kỳ, gia tăng chủ yếu từ doanh thu cung cấp suất ăn. Lợi nhuận sau thuế NCS còn âm 3 tỷ đồng, song vẫn cải thiện đáng kể so với con số âm 69 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước.

Quý 3/2022 thực sự là quý bùng nổ về doanh thu và lợi nhuận của Công ty CP Dịch vụ Hàng không Taseco (Taseco Airs, mã: AST), “cú hích” giúp doanh nghiệp thoát lỗ và đem về 10 tỷ đồng lãi trước thuế trong 9 tháng.

Cụ thể, doanh thu thuần tăng mãnh liệt gấp 10 lần so với cùng kỳ năm trước, đạt 185 tỷ đồng. Trong quý, doanh thu tài chính tăng 56%, đạt 2,5 tỷ đồng; chi phí tài chính giảm còn 782 triệu đồng nhưng chi phí quản lý và chi phí bán hàng tăng. Kết quả, Taseco Airs có 17,4 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, trong khi cùng kỳ lỗ 43,5 tỷ đồng. Luỹ kế 9 tháng, doanh thu thuần tăng cao gấp 3 lần đạt 387 tỷ đồng;  lợi nhuận trước thuế đạt 10 tỷ đồng, vượt trội so với khoản lỗ 110 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.

Theo dự báo của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), thị trường hàng không thế giới sẽ phục hồi vượt mức trước khi có dịch Covid-19 vào đầu năm 2024 với tổng số hành khách dự kiến đạt 4 tỷ lượt khách; thị trường nội địa sẽ phục hồi sớm hơn, ngay trong năm 2022 với mức phục hồi khoảng 93%, riêng thị trường nội địa Việt Nam dự báo phục hồi ở mức 96%. Với xu hướng phục hồi tích cực của thị trường và triển vọng kinh tế toàn cầu, dự báo thị trường hàng không nước ta trong năm nay và sang năm 2023 sẽ có những phục hồi mạnh mẽ. 

 

Hoàng Long (t/h)

Sở hữu trí tuệ
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục