Loạt “ông lớn” bất động sản đổ bộ Đà Nẵng
Thời gian gần đây, nhiều “ông lớn” bất động sản liên tục đổ bộ Đà Nẵng khi đã có những đề xuất, nghiên cứu ý tưởng, đầu tư hàng loạt dự án “khủng” lên đến hàng chục ha tại địa phương này.
Đặc biệt, Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP. Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã mở ra một không gian phát triển mới, đầy triển vọng cho Đà Nẵng. Theo Đồ án Quy hoạch này, Đà Nẵng sẽ hình thành 2 vành đai kinh tế, gồm: vành đai phía Bắc là vành đai "công nghiệp công nghệ cao và cảng biển - logistics"; vành đai phía Nam là vành đai "đổi mới sáng tạo và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao".
Đáng chú ý, đô thị Đà Nẵng sẽ hình thành 12 phân khu chức năng. Mỗi quy hoạch phân khu sẽ gắn liền với loạt dự án lớn, tạo ra nhiều động lực và dư địa phát triển cho Đà Nẵng. Thông tin từ Sở Xây dựng TP Đà Nẵng cho biết, đã có nhiều tập đoàn lớn đã đề xuất nghiên cứu ý tưởng đầu tư vào 12 phân khu quy hoạch của Đà Nẵng.
Trong đó, Tập đoàn Sun Group tham gia ý tưởng với Dự án Khu tổ hợp đô thị thông minh - phi thuế quan với diện tích 1.110 ha (thuộc Phân khu Đô thị sườn đồi). Sun Group còn đề xuất tham gia nghiên cứu và đầu tư Khu đô thị ven sông Tây Nam Nhà máy nước Cầu Đỏ (khoảng 50 ha).
Tập đoàn BRG cũng đề xuất tài trợ ý tưởng quy hoạch phân khu khu vực khoảng 11.573 ha và đề xuất tài trợ ý tưởng quy hoạch tổng thể phát triển không gian 9 xã phía Nam Hòa Vang, khoảng 25.042 ha.
IPPG được Đà Nẵng thống nhất tiếp nhận ý tưởng quy hoạch Phân khu Đô thị sườn đồi (khoảng 2.729 ha). Bên cạnh đó, IPPG còn đề xuất ý tưởng quy hoạch Dự án Khu tổ hợp đô thị thông minh - phi thuế quan (khoảng 850 ha) và đề nghị tài trợ chi phí quy hoạch Phân khu Khu đô thị sân bay.
Đối với khu dự trữ phát triển, bên cạnh Tập đoàn Vingroup tự khảo sát khoảng 450 ha tại xã Hòa Châu - Hòa Tiến, cũng có sự tham gia của Công ty cổ phần Phát Đạt...
Mới đây, tại diễn đàn Đầu tư Đà Nẵng 2022 diễn ra vào ngày 25/6, Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng đã công bố danh mục dự án thu hút đầu tư vào thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2022-2026, định hướng đến 2030; trong đó, nhiều dự án hạ tầng lớn đã thu hút sự quan tâm, chú ý của các nhà đầu tư chiến lược trong nước và quốc tế.
Theo đó, từ nay đến năm 2030, thành phố Đà Nẵng đang thu hút đầu tư 7 dự án trọng điểm, gồm các dự án: cảng Liên Chiểu; Khu phức hợp Trung tâm tài chính, thương mại, vui chơi giải trí, casino và chung cư cao cấp; không gian Sáng tạo Đà Nẵng; trung tâm thương mại quốc tế; bệnh viện Quốc tế; viện dưỡng lão; trường liên cấp quốc tế.
Dự báo, dòng vốn đầu tư lớn sẽ tiếp tục được doanh nghiệp, nhà đầu tư rót vào Đà Nẵng, khi các quy hoạch được triển khai xong. Bởi vậy, Đà Nẵng đang ráo riết đẩy nhanh hoàn thành quy hoạch giai đoạn mới.
Hoạt động M&A dự án sôi động
Năm 2021, CTCP Tập đoàn Sunshine công bố Sunshine Homes hoàn tất thủ tục M&A giai đoạn 2 dự án The Empire, hay còn gọi là Cocobay Đà Nẵng của Tập đoàn Empire (Tập đoàn Thành Đô). Giai đoạn 2 dự án Cocobay Đà Nẵng có tổng diện tích 21 ha, có một mặt giáp biển. Theo Tập đoàn Sunshine, dự kiến sau khi hoàn tất mua lại, Sunshine Homes sẽ triển khai xây dựng một Tổ hợp nghỉ dưỡng phức hợp tiêu chuẩn 6 sao có tên gọi Sunshine Heritage Đà Nẵng I với tổng mức đầu tư 5.000 tỷ đồng.
Ngoài dự án Sunshine Heritage Đà Nẵng I, Sunshine Homes đang đàm phán và sẽ tiếp tục sẽ triển khai loạt dự án tại Đà Nẵng với quy mô lớn.
Cũng trong năm 2021, CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt (Mã: PDR) đã hoàn tất thương vụ M&A một dự án nằm liền kề cầu Rồng và sông Hàn. Doanh nghiệp cho biết, đây là dự án có quy mô lớn, là một trong những khu đất kim cương hiếm hoi còn lại trên cung đường đẹp và đắc giá bật nhất Đà Nẵng.
Ngoài dự án trên, Phát Đạt cũng công bố nhận chuyển nhượng 99% vốn góp (tương đương 198 tỷ đồng) tại CTCP Đầu tư Bắc Cường, qua đó toàn quyền quyết định việc đầu tư phát triển và kinh doanh dự án trên khu đất gần 2.735 m2, tọa lạc tại 223-225 Trần Phú, phường Phước Ninh, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng. Phía Phát Đạt cho biết, khu đất này tiếp giáp ba mặt tiền đường chính, gồm Trần Phú, Bạch Đằng và Lê Hồng Phong.
Một ông lớn khác không thể không nhắc đến trong M&A dự án ở Đà Nẵng thời gian qua là CTCP Tập đoàn Danh Khôi. Doanh nghiệp này đã mua 100% vốn của Công ty TNHH MTV Đầu tư Sun Frontier với giá trị 92 triệu USD, qua đó phát triển dự án Tháp ven sông nằm ở mặt tiền đường Bạch Đằng, quận Hải Châu. Tổng mức đầu tư của dự án khoảng 3.109 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Danh Khôi cũng đã mua lại dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp ven biển Non Nước tại đường Trường Sa, phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn từ CTCP Đầu tư du lịch Hà Nội Non Nước. Dự án này có quy mô 7 ha, được Danh Khôi đổi tên thành Aria Đà Nẵng Hotel & Resort.
Alphanam Group cũng thâu tóm thành công dự án Golden Square Đà Nẵng. Dự án này trước đó do CTCP Địa ốc Đông Á làm chủ đầu tư, khởi công từ năm 2008, tổng vốn 1.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau khi xây xong phần móng và hai tầng nổi thì khu đất dự án bị bỏ hoang. Sau hơn 10 năm “bất động” Golden Square chính thức về tay Alphanam Group.
Hay Landora Group “nhảy” vào dự án khu nghỉ dưỡng và nhà ở cao cấp The Empire Đà Nẵng, trở thành đơn vị phát triển toàn diện dự án này. Bao gồm tất cả các sản phẩm thuộc nhiều phân khu: biệt thự thấp tầng, trung tầng và các tổ hợp chung cư cao cấp.
Trong đó, Golf View Luxury Apartment là dự án khởi đầu cho sự hợp tác phát triển toàn diện khu đô thị nghỉ dưỡng và nhà ở cao cấp The Empire đã được ký kết và triển khai từ quý II/2019. Dự án được đầu tư với tổng mức đầu tư khoảng 1.000 tỷ đồng, quy mô 32 tầng, cung cấp 700 căn hộ ra thị trường.
Có thể thấy, bằng những cách khách nhau, nhiều ông lớn bất động sản đã và đang tìm cách có mặt tại Đà Nẵng để mở rộng quỹ đất, đầu tư, phát triển dự án trong bối cảnh giá nhà đất tại thị trường này không ngừng tăng cao, nhưng quỹ đất đẹp có vị trí nằm gần bờ biển đều đã có chủ.
Bất động sản Đà Nẵng ngày càng "đắt đỏ"
Những năm qua, thị trường bất động sản liên tục chứng kiến đà tăng giá “khủng khiếp” của hầu hết các phân khúc bất động sản tại Đà Nẵng.
Đặc biệt từ tháng 3/2017, dự án hầm chui sông Hàn đầu tư hơn 4.000 tỷ đồng được đưa ra bàn thảo và lãnh đạo Đà Nẵng quyết tâm triển khai. Giới đầu cơ nhà đất chớp cơ hội này, đẩy giá đất tại khu vực đầu cầu hầm chui khu vực Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà lên gấp 2-3 lần.
Sau đó, Thủ tướng Chính phủ không đồng ý chủ trương làm hầm chui, giá nhà đất khu vực này nhanh chóng giảm nhiệt và dự án hầm chui sông Hàn dần rơi vào quên lãng. Tuy nhiên “sóng ngầm” sốt đất lại nhanh chóng chuyển hướng lên phía tây bắc Đà Nẵng, thuộc quận Liên Chiểu.
Thông tin dự án cảng Liên Chiểu được giới đầu cơ nhà đất bàn tán xôn xao vào đầu năm 2017, và cơn sốt đất khu vực này đã âm ỉ kể từ thời điểm đó đến khi thông tin Đà Nẵng triển khai dự án cảng Liên Chiểu và ga hàng hóa Kim Liên đã bùng phát mạnh mẽ, mặc dù khu đó những dự án này vẫn còn năm trên giấy.
Cùng với đó, thông tin hàng loạt dự án cơ sở hạ tầng khác sẽ triển khai tại quận Liên Chiểu như: Hầm Hải Vân đang triển khai tuyến hầm số 2; đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi và sẽ sớm đưa vào hoạt động… lan truyền rộng rãi đã thổi bùng những cơn sốt đất Đà Nẵng thời điểm đó, đẩy giá bất động sản khu vực này không ngừng tăng cao.
Đến khoảng đầu năm 2019, sốt đất Đà Nẵng tăng cao đỉnh điểm, lượng giao dịch tăng đột biến. Đặc biệt là khu vực Hòa Quý, Cẩm Lệ, các khu vực vùng ven giao dịch khá “nhộn nhịp” bởi cơn sốt đất chưa từng có tại đây. Những lô đất tại Nam Hòa Xuân cũng bị kéo giá lên đến 30 triệu đồng/m2, hay tại khu vực Ngũ Hành Sơn thời điểm đó giá bị đẩy lên chạm mốc 25 triệu/m2…
Sau cơn sốt đất năm 2019, thị trường bất động sản trải qua thời gian dài trầm lắng do khó khăn chung của thị trường và bối cảnh dịch bệnh. Cho đến đầu năm 2022 thị trường Đà Nẵng đã có những tín hiệu tích cực. Nhà đầu tư bắt đầu “rót vốn” rục rịch quay trở lại và kỳ vọng vào sự khởi sắc của bất động sản Đà Nẵng trong năm 2022.
Có thể thấy, từ các cơn sốt đất liên tục bùng phát, giá nhà đất Đà Nẵng cũng liên tục biến động và không ngừng tăng cao. Cho đến nay, bất động sản Đà Nẵng được xác định là một trong những khu vực có mặt bằng giá ở mức cao và đà tăng giá vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.
Tại một số khu vực có vị trí đắc địa, giá đất hiện ở mức khá cao, điển hình như: dọc tuyến đường Võ Nguyên Giáp, những khu vực có vị trí đắc địa như Phước Mỹ, thuộc quận Sơn Trà, có nơi giá đất lên đến 185 triệu đồng/m2; dọc tuyến Đường Phạm Văn đồng, có khu vực lên đến hàng 100 triệu đồng/m2; một số con đường như Chi Lăng, Lê Hồng Phong, Hoàng Hoa Thám, Lý Thái Tổ, Nguyễn Thái Học, Phạm Phú Thứ… có giá trung bình 80 triệu đồng/m2.
Với phân khúc căn hộ chung cư, nhiều dự án có giá bán cao kỳ lục. Trong đó, mức giá cao nhất đã lên đến 120 triệu đồng/m2. Cụ thể, giá bán cao nhất thuộc về dự án căn hộ Filmore và Royal Đà nẵng với giá rao bán ra thị trường đã lên đến 120 triệu đồng/m2, cao hơn mức giá của dự án Heritage Treasure được chào bán cách đây vài năm.
Cả hai dự án đều được phát triển bởi các doanh nghiệp đến từ TP. HCM là Công ty CP Phát triển bất động sản Filmore và Danh Khôi Holdings. Trong đó, Filmore là một tòa tháp 29 tầng nổi với 268 căn hộ trong khi Royal cao 25 tầng với 206 căn hộ. Hai dự án này nằm đối diện nhau qua một con đường ở quận trung tâm Hải Châu và nằm cạnh bờ sông Hàn.
Một doanh nghiệp khác cũng đến từ TP. HCM là Gotec Land cũng tham vọng không kém khi phát triển dự án tháp đôi Asiana Luxury Residences trên đường Nguyễn Tất Thành.
Dự án gồm hai tòa nhà 35 tầng với 487 căn hộ cao cấp được chào bán với giá từ 60 triệu đồng/m2. Mức giá này cũng tương đương với dự án căn hộ The Sang Residence ở quận Ngũ Hành Sơn, với 298 căn hộ được chào bán 50-60 triệu đồng/m2.
Cùng tầm nhìn ra sông Hàn, từ vài năm trước, những căn hộ dự án Heritage Treasure có giá từ 70 - 110 triệu đồng/m2, hay dự án Risemount Apartment được chào bán ở mức 60 - 80 triệu đồng/m2.
Có thể thấy, mức giá căn hộ cao cấp tại Đà Nẵng đang ngày càng đắt đỏ hơn theo thời gian. Mặt bằng giá mới được thiết lập hiện thay cho thấy căn hộ tại Đà Nẵng hay giá đất Đà Nẵng tại những vị trí đắc địa cũng đắt đỏ không thua kém gì giá đất và các dự án căn hộ cao cấp ở Hà Nội và TP HCM.
Nguyên nhân giá bất động sản Đà Nẵng không ngừng tăng được xác định do quỹ đất sạch ngày càng hạn hẹp, nguồn cung khan hiếm, chủ trương giới hạn xây dựng chung cư cao tầng tại các khu vực trung tâm khiến nguồn cung phân khúc này không đủ đáp ứng,… trong khi nhu cầu thị trường vẫn luôn hiện hữu….
Sở hữu trí tuệ
In bài viết