Nhiều ngân hàng sắp phát hành lượng cổ phiếu khủng để chia cổ tức cho cổ đông
Vừa qua một số ngân hàng đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thông qua kế hoạch phát hành cổ phiếu trả cổ tức năm 2021 như Ngân hàng NamABank với tỷ lệ 29%, Ngân hàng VietBank mức 21%, Ngân hàng Bản Việt với tỷ lệ 15%;…
Ngoài ra, Hội đồng quản trị Ngân hàng OCB mới đây vừa thông báo sẽ triển khai việc tăng vốn điều lệ năm 2022 thêm 4.127 tỷ đồng bằng hình thức phát hành cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu.
Theo đó, tỷ lệ phát hành sẽ là 30% (cổ đông cứ sở hữu 10 cổ phiếu được nhận về 3 cổ phiếu mới), số lượng cổ phiếu sẽ phát hành là gần 413 triệu đơn vị. Thời gian thực hiện trong năm 2022 căn cứ theo sự chấp thuận của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Nguồn vốn sử dụng lấy từ vốn chủ sở hữu tại ngày 31/12/2021, xác định theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2021 đã được kiểm toán.
Tương tự, Ngân hàng VPBank cũng vừa thông báo sẽ phát hành tối đa hơn 2,23 tỷ cổ phiếu theo theo tỷ lệ 50%, tăng vốn điều lệ từ 45.056 tỷ đồng lên 67.434 tỷ đồng.
Theo đó, VPBank vừa được chấp thuận tăng vốn điều lệ thêm tối đa 22.377 tỷ đồng dưới hình thức phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ từ nguồn vốn chủ sở hữu. Kế hoạch này dự kiến sẽ thực hiện vào quý 3/2022.
Ngoài ra, ngân hàng cũng dự kiến phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài tối đa 15% vốn điều lệ, nâng tổng tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại VPBank lên tối đa 30% vốn điều lệ. Với phương án này số lượng cổ phiếu phát hành tối đa là 1,19 tỷ cổ phiếu.
Mức giá phát hành sẽ do Hội đồng Quản trị quyết định theo thoả thuận, đàm phán giữa hai bên nhưng không thấp hơn giá trị sổ sách của VPBank. Số cổ phiếu này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng ít nhất 1 năm kể từ ngày hoàn tất đợt phát hành.
Trước đó, ngân hàng MB cũng thông báo dự kiến phát hành thêm hơn 755 triệu cổ phiếu để chia cổ tức năm 2021 với tỷ lệ 20%, tương ứng cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ được nhận 20 cổ phiếu mới. Ngày đăng ký cuối cùng chốt danh sách cổ đông nhận cổ tức là ngày 23/8. Nguồn vốn chia cổ tức là từ lợi nhuận sau thuế để lại lũy kế của năm 2021.
Sau đợt phát hành cổ phiếu để trả cổ tức này, MB nâng tổng số lượng lên hơn 4,5 tỷ cổ phiếu, đưa vốn điều lệ tăng từ mức 37.783 tỷ đồng lên hơn 45.339 tỷ đồng.
Còn tại ngân hàng SHB cũng vừa hoàn thiện hồ sơ trình NHNN phương án tăng vốn điều lệ mà Đại hội đồng cổ đông thường niêm năm 2022 thông qua, từ 26.674 tỷ đồng lên 36.459 tỷ đồng trong năm 2022.
Phương án tăng vốn gồm 3 phần, trong đó có chi trả cổ tức năm 2021 cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 15% bằng cổ phiếu dự kiến phát hành trong quý III/2022. Ngoài ra, SHB sẽ chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo phương thức thực hiện quyền với tỷ lệ 100:20 với giá chào bán 12.500 đồng/cổ phiếu và chào bán cổ phiếu ESOP với tổng lượng phát hành là 45,12 triệu cổ phiếu mới.
Với mức vốn 36.459 tỷ đồng sau khi hoàn thành, SHB dự kiến sẽ đứng trong Top 3 ngân hàng cổ phần có vốn tư nhân lớn nhất về vốn điều lệ.
Tương tự như SHB, ngân hàng MSB cũng cho biết đã gửi hồ sơ lên NHNN để chờ chấp thuận phương án tăng vốn điều lệ. Trong đó, ngân hàng có kế hoạch phát hành 458,25 triệu cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 30% và tối đa 14,25 triệu cổ phiếu ESOP.
Các phương án tăng vốn điều lệ của hầu hết ngân hàng được hoàn thành thông qua việc phát hành cổ phiếu chia cổ tức, bán cho cổ đông hiện hữu, chào bán riêng lẻ, phát hành cổ phiếu cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài.
Tăng vốn điều lệ, cổ đông nhỏ chịu áp lực?
"Cuộc đua" tăng vốn điều lệ của ngành ngân hàng diễn ra mạnh mẽ từ cuối năm 2021 nhằm thực hiện Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025.
Theo đề án này, đến năm 2025, nhóm ngân hàng có tiềm lực tài chính, năng lực cạnh tranh, quy mô lớn phải có vốn điều lệ tối thiểu đạt 15.000 tỷ đồng. Còn nhóm ngân hàng có tiềm lực tài chính, năng lực cạnh tranh, quy mô nhỏ - trung bình và ngân hàng thương mại có vốn nước ngoài, vốn điều lệ tối thiểu đạt 5.000 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, tăng vốn điều lệ nhằm đảm bảo hệ số an toàn vốn (CAR), đáp ứng những yêu cầu quản lý rủi ro theo tiêu chuẩn Basel 2.
Theo các chuyên gia, việc tăng vốn điều lệ sẽ giúp tăng cường năng lực tài chính cho các ngân hàng. Tuy nhiên, tăng vốn cũng trở thành một trong những gánh nặng đối với các ngân hàng khi phải đối diện với áp lực đảm bảo lợi nhuận, chỉ số tài chính cũng phải tăng theo trong môi trường rủi ro tín dụng và kinh tế có nhiều biến động như. Hơn nữa, việc tăng mạnh một lượng cổ phiếu ra thị trường cũng gây áp lực với giá cổ phiếu ngân hàng vốn đã giảm mạnh trong thời gian qua.
Đáng chú ý, để đảm bảo tăng vốn thành công, các ngân hàng thường ‘đào vốn’ mạnh nhất từ nhóm cổ đông hiệu hữu với cách phổ biến: giữ lại cổ tức để tăng vốn, bán thêm cổ phiếu, cổ phiếu ưu đãi – thưởng… Thực tế, cách làm này có thể gây áp lực lớn cho các cổ đông nhỏ vì họ phải liên tục góp thêm vốn trong khi không nhận được cổ tức bằng tiền mặt. Trước mắt, lợi ích chưa thấy đâu nhưng tiền bỏ thêm, tài sản lại bị méo mó khi giá cổ phiếu giảm sau mỗi lần tăng vốn. Tuy nhiên, nhiều lãnh đạo ngân hàng giải thích về dài hạn có lợi cho cổ đông khi sở hữu lượng cổ phiếu ngân hàng lớn.
Trên thực tế, năm 2021, nhiều ngân hàng thuận lợi tăng vốn hàng nghìn tỷ đồng khi trúng thời điểm giá cổ phiếu lên đỉnh cao sau nhiều năm loanh quanh mức trên dưới mệnh giá. Tuy nhiên, sau khi ngân hàng tăng vốn giá cổ phiếu lại giảm sâu tới từ 30 đến 50%. Mới đây, ngân hàng lại có kế hoạch tăng vốn nữa khiến không ít cổ đông cảm thấy rất mệt mỏi khi phải nộp thêm tiền.
Thậm chí, cũng có ngân hàng nhiều năm không trả cổ tức với lời bao biện để gia tăng tiềm lực ngân hàng, cổ đông sẽ có lợi dài hạn và khi ngân hàng mạnh lên thì cổ phiếu sẽ tăng giá. Thế nhưng, thực tế từ khi lên sàn trừ đợt tăng giá mạnh theo thị trường năm 2021 thì giá cổ phiếu ngân hàng này liên tục giảm, đặc biệt sau mỗi lần tăng vốn, giá cổ phiếu lại giảm mạnh hơn nữa.
Sở hữu trí tuệ
In bài viết