Loạt ngân hàng họp ĐHĐCĐ thường niên 2023

Trong tuần qua, hàng loạt ngân hàng tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2023 và công bố kế hoạch kinh doanh trong năm.

Eximbank: Mục tiêu lợi nhuận 5.000 tỷ đồng, quý 1 đạt 900 tỷ đồng 

Mới đây, ngày 14/4, Ngân hàng Eximbank (mã EIB) tổ chức đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2023 thông qua kế hoạch kinh doanh năm nay, với mục tiêu lãi trước 5.000 tỷ đồng, tăng trưởng hơn 34%.  

Trong năm này, Eximbank đặt mục tiêu lợi nhuận 5.000 tỷ đồng.
Trong năm này, Eximbank đặt mục tiêu lợi nhuận 5.000 tỷ đồng.

Tổng giám đốc Eximbank ông Trần Tấn Lộc cho biết, lợi nhuận trước thuế quý 1 đạt trên 900 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước. Vì thế, theo Eximbank, ngân hàng có cơ sở đặt kế hoạch lợi nhuận đưa ra cho năm 2032 tăng gần 35% so với năm trước. Ông Trần Tấn Lộc cho rằng, với kế hoạch lợi nhuận trước thuế 5.000 tỷ đồng được đưa ra đã tính toán kỹ, cũng đã dự đoán tình hình kinh tế khó khăn, và đã có phương án thực hiện tối thiểu lợi nhuận trên. 

Trước đó, về kết quả kinh doanh năm 2022, Eximbank đã vượt nhiều chỉ tiêu đề ra với tổng tài sản đạt 185.056 tỷ đồng, tăng hơn 11,6% so với thực hiện của năm 2021 và vượt 3% chỉ tiêu kinh doanh. Huy động vốn đạt 148.615 tỷ đồng, bằng 101% kế hoạch năm. Lợi nhuận trước thuế công ty đạt 3.709 tỷ đồng, vượt 48% chỉ tiêu đề ra và tăng 207,7% so với thực hiện năm 2021. Với kết quả này, lợi nhuận của Eximbank năm 2022 gấp ba lần so với đạt được của năm 2021. 

Eximbank cho biết, năm 2022 ngân hàng đã giảm mạnh danh mục đầu tư trái phiếu, đặc biệt trái phiếu doanh nghiệp, ưu tiên vốn cho vay phục vụ tiêu dùng thiết yếu, sản xuất kinh doanh đã giúp cho ngân hàng tăng hiệu quả kinh doanh, góp phần an toàn thanh khoản, hạn chế được rủi ro đánh giá lại tài sản đầu tư khi lãi suất tăng nhanh. Cơ cấu danh mục cho vay tập trung tăng trưởng vào phân khúc khách hàng SME, cá nhân, cho vay nhu cầu sản xuất, kinh doanh. Kiểm soát chặt chẽ danh mục cho vay theo định hướng giảm dần hạn mức các khoản vay không có tài sản bảo đảm, giảm tỷ trọng nhóm rủi ro cao. 

Lợi nhuận trước thuế hợp nhất Eximbank năm 2022 là 3.709 tỷ đồng, sau khi trích lập các quỹ, lợi nhuận còn lại của năm 2022 là 2.304 tỷ đồng. Sau khi hoàn tất đợt phát hành cổ phiếu để trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận năm 2017, 2018, 2019, 2020, 2021 thì vốn điều lệ của Eximbank là 14.814 tỷ đồng.

Do vậy, Eximbank cần tăng vốn điều lệ thông qua chia cổ tức bằng cổ phiếu. Eximbank dự kiến phát hành gần 265,6 triệu cổ phiếu để trả cổ tức, tương ứng tỷ lệ 18% (cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ được nhận tối đa 18 cổ phiếu mới). Vốn điều lệ dự kiến sau khi phát hành sẽ tăng từ 14.814 tỷ đồng lên 17.470 tỷ đồng. Lợi nhuận chưa phân phối còn lại sau khi chia cổ tức hơn 125 tỷ đồng, được giữ lại để củng cố và nâng cao năng lực tài chính Ngân hàng.

Thời gian thực hiện trong năm 2023, sau khi được sự chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền. Đồng thời, Eximbank cho biết, sẽ bán toàn bộ 6,09 triệu cổ phiếu quỹ. Hiện số lượng cổ phiếu quỹ của Eximbank là 6,09 triệu cổ phiếu, các cổ phiếu này đã được mua từ năm 2014 và được nắm giữ đến thời điểm hiện tại.

Căn cứ theo quy định này, đối với số cổ phiếu quỹ đã mua trước đây, Eximbank được quyền quyết định chọn một trong hai phương án xử lý là bán cổ phiếu quỹ hoặc dùng cổ phiếu quỹ làm cổ phiếu thưởng. Eximbank vừa mới phát hành xong cổ phiếu để tăng vốn điều lệ.

Do đó, HĐQT trình ĐHĐCĐ thông qua phương án xử lý bán toàn bộ cổ phiếu quỹ mà Eximbank đang sở hữu. Đồng thời, giao và ủy quyền cho HĐQT thực hiện các thủ tục theo quy định Nhà nước. 

Ngân hàng ACB: Mục tiêu lợi nhuận trước thuế hơn 20.000 tỷ đồng, chia cổ tức 25% 

Sáng ngày 13/4, Ngân hàng TMCP Á Châu (HOSE: ACB) tiến hành đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thông qua các chỉ tiêu kinh doanh 2023. Năm 2023, ACB đề ra mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 20.058 tỷ đồng. Đồng thời, ngân hàng dự chi cổ tức cho cổ đông tỷ lệ 25% bằng tiền mặt và cổ phiếu.

Sau khi hoàn thành phát hành cổ phiếu trả cổ tức năm 2022, vốn điều lệ của ACB dự kiến tăng từ 33.774 tỷ đồng lên 38.840 tỷ đồng.
Sau khi hoàn thành phát hành cổ phiếu trả cổ tức năm 2022, vốn điều lệ của ACB dự kiến tăng từ 33.774 tỷ đồng lên 38.840 tỷ đồng.

Cụ thể, về kế hoạch kinh doanh, ACB đề ra mục đến cuối năm 2023 đạt 668.788 tỷ đồng tổng tài sản, tăng 10% so với đầu năm. Tiền gửi mục tiêu đạt 495.411 tỷ đồng (bao gồm giấy tờ có giá) và dư nợ cho vay đạt 453.836 tỷ đồng, tăng lần lượt 8,1% và 9,7%. Mức tăng hạn mức tín dụng thực tế sẽ được điều chỉnh khi được NHNN cấp bổ sung). Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 2%. 

Về phân phối lợi nhuận, HĐQT trình ĐHĐCĐ thông qua việc chia cổ tức năm 2022 tổng tỷ lệ 25%, trong đó 15% bằng cổ phiếu và 10% bằng tiền mặt. Cụ thể, ACB dự kiến phát hành hơn 5 triệu cổ phiếu để chia cổ tức 2022 với tỷ lệ 15%, cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ được nhận thêm 15 cổ phiếu mới.

Nguồn vốn thực hiện từ lợi nhuận có thể sử dụng chia cổ tức sau khi đã trích lập đầy đủ các quỹ và lợi nhuận năm trước còn lại chưa chia (theo kết quả kiểm toán tại thời điểm 31/12/2022). Người sở hữu quyền nhận cổ phiếu sẽ không được phép chuyển nhượng quyền này. Cổ phiếu phát hành thêm sẽ được tự do chuyển nhượng. Thời gian thực hiện dự kiến trong quý 3/2023. Sau khi hoàn thành phát hành cổ phiếu trả cổ tức, vốn điều lệ của ACB dự kiến tăng từ 33.774 tỷ đồng lên 38.840 tỷ đồng. 

Dựa trên kế hoạch kinh doanh năm 2023, ACB dự trình chia cổ tức 2023 với tỷ lệ 25% (15% bằng cổ phiếu và 10% bằng tiền mặt). Kết thúc năm 2022 với mức lợi nhuận trước thuế hợp nhất là 17.100 tỷ đồng, đạt 114% kế hoạch năm. Đến cuối năm 2022, tín dụng đạt 413.700 tỷ đồng, tăng 14,3% và huy động đạt 414.000 tỷ đồng, tăng 9% so với năm 2021. ACB tiếp tục là ngân hàng có tỷ suất sinh lời ROE đứng đầu thị trường với mức 26,5%.  

Ngân hàng SHB : Dự kiến tiếp tục tăng vốn điều lệ lên hơn 40.000 tỷ đồng, lợi nhuận 10.200 tỷ đồng   

Tại ĐHĐCĐ thường niên SHB diễn ra chiều 11/4, ngân hàng này công bố những kế hoạch phát triển trong năm 2023 và những kết quả đạt được của quý 1. Tổng giám đốc SHB cho biết, tính đến cuối năm 2022, SHB đang nắm giữ 19.000 tỷ đồng trái phiếu chính phủ, chiếm 60% lượng chứng khoán nắm giữ đến ngày đáo hạn.

ĐHĐCĐ SHB đã thông qua phương án chi trả cổ tức cho năm 2022 với tỷ lệ 18%, trong kế hoạch tăng vốn điều lệ lên hơn 36.600 tỷ đồng.
ĐHĐCĐ SHB đã thông qua phương án chi trả cổ tức cho năm 2022 với tỷ lệ 18%, trong kế hoạch tăng vốn điều lệ lên hơn 36.600 tỷ đồng.

Ngoài ra, ngân hàng còn nắm giữ hơn 13.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp. Trong danh mục trái phiếu doanh nghiệp mà ngân hàng nắm giữ, có 60% là trái phiếu thuộc mảng năng lượng tái tạo có kỳ hạn 3 - 5 năm, 40% còn lại là trái phiếu bất động sản, liên quan đến một số Dự án đầu tư khu công nghiệp và nhà ở. Các dự án đều có thanh khoản tốt. Hiện các doanh nghiệp phát hành đang thanh toán gốc và lãi đầy đủ cho các trái chủ, trong đó có SHB. 

Liên quan đến việc tìm kiếm đối tác nước ngoài để tăng thêm năng lực tài chính, Chủ tịch SHB chia sẻ, trước đây, SHB chủ trương tìm các đối tác dài hạn, có năng lực tài chính tốt, đầu tư lâu dài, không chỉ đầu tư vốn mà còn tham gia quản trị, điều hành cùng SHB. Tuy nhiên, qua thực tế tiếp xúc với khách hàng, hầu hết khách hàng đều muốn đầu tư trung hạn 3 - 5 năm, do đó, SHB đang thay đổi chiến lược tìm kiếm đối tác chiến lược nước ngoài.   

Năm 2023, SHB dự định chia cổ tức 15% bằng cổ phiếu. Nhiều cổ đông đề nghị chia một phần cổ tức bằng tiền mặt. Trước đề nghị này của cổ đông, lãnh đạo SHB cho rằng, mức cổ tức 15% là dự kiến trước những khó khăn trong năm 2023. Nếu doanh thu, lợi nhuận tăng trưởng tốt hơn, SHB sẽ chia cổ tức bằng cao hơn. Việc chia cố tức bằng cổ phiếu là nhằm tăng vốn điều lệ, nâng cao năng lực tài chính. SHB sẽ cân nhắc vấn đề cổ tức tiền mặt trong các năm sau. 

Về kết quả kinh doanh quý 1/2023, bà Ngô Thu Hà, Tổng giám đốc SHB cho biết, đến hết quý 1/2023, tín dụng SHB tăng trưởng hơn 6% trong khi hạn mức tín dụng của cả năm là 7,9%, tăng trưởng tín dụng của SHB đạt khoảng 6%, lợi nhuận ước đạt 3.600 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2022. Được biết, room tín dụng SHB được Ngân hàng Nhà nước cấp đầu năm là 7,9%.  

Theo báo cáo của Ban điều hành tại ĐHCĐ, tổng tài sản của SHB năm 2022 đã đạt gần 551 nghìn tỷ đồng; tổng nguồn vốn huy động đạt hơn 407 nghìn tỷ đồng; dư nợ cấp tín dụng gần 399 nghìn tỷ đồng; bộ đệm vốn tự có đạt 62.577 tỷ đồng theo chuẩn Basel II. Hiệu quả kinh doanh của SHB tiếp tục được nâng cao trong năm qua, với lợi nhuận trước thuế đạt hơn 9.689 tỷ đồng, tăng 55% so với năm 2021; tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 24,7%, thuộc Top đầu các NHTM hiệu quả nhất Việt Nam; hiệu quả vận hành hàng đầu thị trường với tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) ở 22,7%.

Các chỉ số an toàn, thanh khoản, quản lý rủi ro của SHB đều đạt tốt hơn so với các mức quy định của Ngân hàng Nhà nước và theo các chuẩn mực quốc tế. Với kết quả trên, ĐHĐCĐ SHB đã thông qua phương án chi trả cổ tức cho năm 2022 với tỷ lệ 18%, trong kế hoạch tăng vốn điều lệ lên hơn 36.600 tỷ đồng.

Trong đó, tổng tài sản dự kiến đạt quanh 600.000 tỷ đồng; vốn điều lệ tăng mạnh lên hơn 36.600 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế dự kiến trên 10.200 tỷ đồng; tỷ lệ cổ tức dự kiến 15% và theo đó dự kiến tiếp tục tăng vốn điều lệ lên hơn 40.000 tỷ đồng.  

Hoài Thương

TCDN
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục