Trong báo cáo tài chính riêng lẻ quý II/2022 của Công ty Cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) vừa được công bố cho thấy, kết quả kinh doanh không khả quan. Tổng doanh thu hoạt động của VDSC chỉ đạt 146 tỷ đồng, giảm 54,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Quý II/2022 ghi nhận tình trạng kinh doanh bết bát nhất trong lịch sử hoạt động của công ty này. Cụ thể:
Doanh thu nghiệp vụ môi giới chứng khoán giảm từ 80 tỷ đồng xuống 63 tỷ đồng; doanh thu bảo lãnh, phát hành, lưu ký chứng khoán cũng giảm từ 24 tỷ đồng xuống 2 tỷ đồng. Lỗ từ các tài sản tài chính (FVTPL) quý II/2022 tăng mạnh từ 14 tỷ đồng lên gần 270 tỷ đồng; chi phí hoạt động của Rồng Việt cũng tăng 29,1% lên 145,9 tỷ đồng. Trong quý này, công ty cắt lỗ loạt danh mục đầu tư dẫn đến hạch toán lỗ các tài sản tài chính FVTPL tăng vọt lên 269,8 tỷ đồng.
Sau khi khấu trừ các chi phí, Chứng khoán Rồng Việt lỗ sau thuế 233 tỷ đồng trong quý II, trong khi cùng kỳ lãi 148,7 tỷ đồng.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2022, Chứng khoán Rồng Việt báo lỗ trước thuế 136,2 tỷ đồng, trong khi nửa đầu năm ngoái công ty này vẫn lãi khủng trên 310 tỷ đồng.
Danh mục tự doanh của Rồng Việt gồm: DBC, TCB, CTG, HPG, ACB, HSG, OCB… Tuy nhiên, sau nửa năm tất cả các khoản đầu tư này đều lỗ: DBC đầu tư gần 200 tỷ đồng hiện tại còn gần 130 tỷ đồng; TCB đầu tư 129 tỷ đồng nay còn gần 95 tỷ đồng, ACB từ hơn 67 tỷ đồng xuống còn gần 62 tỷ đồng…
Không chỉ Chứng khoán Rồng Việt, Chứng khoán Tiên Phong (ORS) cũng trải qua quý II/2022 không thành công khi lỗ sau thuế gần 129 tỷ đồng. Đây cũng là lần đầu tiên ORS báo lợi nhuận âm kể từ khi niêm yết vào năm 2019.
Một trường hợp nữa bết bát hơn là Công ty Cổ phần Chứng khoán Châu Á Thái Bình Dương (APS) khi lợi nhuận sau thuế giảm mạnh tới 9.330%, từ lãi gần 4 tỷ đồng cùng kỳ đến lỗ 362,7 tỷ đồng trong kỳ này.
Chứng khoán Liên Việt (LVS) cũng không khả quan khi báo lỗ 21 tỷ đồng trong quý II/2022; Chứng khoán Bảo Minh (BMS) báo lỗ hơn 133 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi hơn 128 tỷ đồng…