Từ đầu năm 2022 đến nay, chỉ có sáu doanh nghiệp chào sàn HOSE và năm doanh nghiệp chào sàn HNX. Trong khi đó, số doanh nghiệp niêm yết trên hai sàn này lại đang thưa dần sau mùa công bố báo cáo tài chính năm 2021.
Theo số liệu thống kê từ VSD, từ đầu năm tới nay có 18 cổ phiếu hủy niêm yết trên sàn HOSE và HNX để chuyển sang thị trường UPCom. Trong đó có nhiều cổ phiếu bất động sản và xây dựng đã "nhận án" hủy niêm yết như ROS của CTCP Xây dựng FLC Faros; VXB của CTCP Vật liệu xây dựng Bến Tre; Cổ phiếu C92 của CTCP Xây dựng và Đầu tư 492;...
Đáng chú ý, thời gian gần đây, sàn HNX và HOSE liên tiếp có thông báo đến nhiều doanh nghiệp về lưu ý về việc cổ phiếu của doanh nghiệp có khả năng hủy niêm yết, trong đó có không ít doanh nghiệp nhóm bất động sản - xây dựng.
Đầu tháng 9/2022, Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HOSE) vừa có văn bản lưu ý khả năng hủy niêm yết đối với cổ phiếu UDC của CTCP Xây dựng và Phát triển Đô thị Tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu. Theo HOSE, cổ phiếu UDC sẽ bị hủy niêm yết bắt buộc nếu kinh doanh thua lỗ trong 3 năm liên tục.
Trên thực tế, UDC kinh doanh thua lỗ trong 2 năm qua (năm 2020 và 2021), hiện thuộc trường hợp chứng khoán bị kiểm soát và tiếp tục lỗ bán niên 2022. Nếu Công ty này lỗ cả năm 2022 thì sẽ có 3 năm kinh doanh thua lỗ liên tục. Tính đến thời điểm 30/06/2022, UDC lỗ lũy kế gần 49 tỷ đồng.
Cuối tháng 8/2022, HOSE đã có văn bản lưu ý CTCP Đầu tư và Xây dựng HUD1 (HOSE: HU1) về khả năng cổ phiếu bị hủy niêm yết.
Cụ thể theo như văn bản từ HOSE, cổ phiếu HU1 đã bị đưa vào diện kiểm soát từ ngày 13/04/2022 với lý do tổ chức kiểm toán có ý kiến ngoại trừ 2 năm liên tiếp trên BCTC 2020 và 2021. Tuy nhiên, khi HOSE công bố thông tin ngày 30/08/2022, BCTC bán niên soát xét 2022 của HU1 vẫn tiếp tục tồn tại ý kiến kiểm toán ngoại trừ.
Căn cứ theo quy định, cổ phiếu của một công ty đại chúng sẽ bị hủy niêm yết nếu xảy ra trường hợp tổ chức kiểm toán không chấp nhận kiểm toán, hoặc từ chối cho ý kiến với BCTC năm gần nhất, hoặc có ý kiến kiểm toán ngoại trừ với BCTC năm trong 3 năm liên tiếp. Do vậy, HOSE đưa ra văn bản lưu ý hủy niêm yết với HU1, nếu như BCTC kiểm toán 2022 tiếp tục xuất hiện ý kiến kiểm toán ngoại trừ.
Theo BCTC hợp nhất bán niên soát xét 2022 của HU1, công ty con của HU1 là CTCP Đầu tư và Xây dựng HUD1.02 đã dừng hoạt động, trong khi số liệu sử dụng để lập BCTC hợp nhất bán niên là số liệu của năm 2021 chưa được kiểm toán. Đây là cơ sở để đơn vị kiểm toán là CPA Vietnam đưa ra kết luận ngoại trừ.
Sau 6 tháng đầu năm 2022, HU1 báo lợi nhuận sau thuế đạt hơn 2,3 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ gần 264 triệu đồng. Công ty lý giải nguyên nhân là do kết quả kinh doanh và doanh thu xây lắp trong kỳ có sự tăng trưởng. Đồng thời cùng kỳ 2021, Công ty mẹ có trích lập dự phòng khoản công nợ khó đòi (4,7 tỷ đồng), dẫn đến ghi nhận lỗ trong BCTC bán niên 2021.
Một trường hợp khác, ngày 18/8 vừa qua, HOSE cũng đã có văn bản gửi Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng HUD3, mã chứng khoán HU3, lưu ý về khả năng huỷ niêm yết.
Theo đó, ngày 13/4, HOSE đã ban hành Quyết định số 218/QĐ-SGDHCM về việc đưa cổ phiếu Công ty này vào diện kiểm soát kể từ 20/4.
Lý do tổ chức kiểm toán có ý kiến kiểm toán ngoại trừ đối với Báo cáo tài chính năm đã được kiểm toán trong 2 năm liên tiếp là 2020 và 2021, thuộc diện chứng khoán bị kiểm soát theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 38 Quy chế niêm yết và giao dịch chứng khoán niêm yết.
Ngày 12/8, HOSE đã nhận được và công bố thông tin Báo cáo tài chính soát xét bán niên năm 2022 của Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng HUD3. Theo đó, Báo cáo tài chính soát xét bán niên năm 2022 của Công ty vẫn tồn tại ý kiến kiểm toán ngoại trừ.
Một doanh nghiệp khác cũng nhận được thông báo từ HNX về việc cổ phiếu có khả năng bị hủy niêm yết là cổ phiếu PVL của CTCP Đầu tư Nhà Đất Việt do báo cáo tài chính năm trong 3 năm 2019, 2020, 2021 có ý kiến kiểm toán ngoại trừ.
Niêm yết trên sàn chứng khoán là mục tiêu của nhiều doanh nghiệp khi muốn có thêm một kênh huy động vốn, tăng tính kết nối với cổ đông, tạo thanh khoản cho cổ phiếu và gia tăng giá trị doanh nghiệp. Tuy nhiên, nếu không đáp ứng được tiêu chí chất lượng hoạt động và các ràng buộc về điều kiện niêm yết thì việc doanh nghiệp phải rời sàn là tất yếu.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp buộc phải rời sàn cũng phản ánh cơ chế sàng lọc hàng hóa của thị trường chứng khoán. Về tổng thể, trong định hướng phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước luôn coi việc cơ cấu lại cơ sở hàng hóa, thanh lọc cổ phiếu kém chất lượng và tạo thêm cổ phiếu tốt là một trong những nhiệm vụ quan trọng.
Sở hữu trí tuệ
In bài viết