“Lo lắng” trước thực trạng PCCC trong các tòa cao ốc !

“Hiện nay, các chủ chung cư tỏ ra vô cùng thờ ơ, không chịu thực hiện các quy định của về phòng cháy chữa cháy (PCCC). Tầm quan trọng của việc PCCC chỉ được các chủ đầu tư ý thức khi hỏa hoạn đã xảy ra”

Đó là ý kiến, nhận xét của ông Phạm Sỹ Liêm,  Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng trong cuộc trao đổi với phóng viên xoay quanh việc thực hiện luật PCCC tại các khu chung cư.

Chủ đầu tư “phớt lờ” quy định về PCCC.

Theo thống kê của Cục Phòng cháy Chữa cháy và Cứu nạn Cứu hộ, Bộ Công An, trong năm 2016 cả nước đã xảy ra 3006 vụ cháy, trong đó có 1229 vụ cháy tại các cơ sở, 1290 vụ cháy nhà dân, 169 vụ cháy phương tiện giao thông, và 318 vụ cháy rừng, làm chết 98 người, bị thương 180 người, thiệt hại về tài sản trị giá ước tính trên 1240 tỷ đồng và 1800 ha rừng….

Trong năm qua, các vụ hỏa hoạn tại các nhà cao tầng, các khu chung cư xảy ra rất nhiều như: Cháy ở chung cư Xa La, Hà Đông, Hà Nội vào ngày 29/11;  vào ngày 1/11/2016 xảy ra vụ cháy quán karaoke 68 Trần Thái Tông làm 13 người chết... Bên cạnh đó cũng có rất nhiều những công trình chung cư không đảm bảo an toàn về PCCC như chung cư 27 Lạc Trung, Hai Bà Trưng; chung cư số 7 Trần Phú, phường Văn Quán Hà Đông; chung cư CT6, khu đô thị Văn Khê, phường La Khê, Hà Đông… Các sự cố cháy nổ, các chung cư không đảm bảo về an toàn PCCC khiến người dân vô cùng hoang mang, lo lắng.

Trao đổi với phóng viên, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) cho rằng, nguyên nhân chính của tình nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng xảy ra nhiều tại các khu chung cư chính là do hiện nay có rất nhiều những chủ chung cư không thực hiện nghiêm chỉnh các quy định về PCCC.

Cũng theo ông Châu, một tiền lệ nguy hiểm khác có thể dẫn đến tình trạng cháy nổ ở khu chung cư chính là việc các chủ đầu tư đưa các hộ dân vào sống trong tình trạng chung cư đang thi công dở dang, thi công sai giấy phép xây dựng, hệ thống phòng cháy, chữa cháy chưa sử dụng được là một tiền lệ nguy hiểm, gây mất an toàn nghiêm trọng cho người dân.

Cụ thể, ông Châu thẳng thắn lấy ví dụ như việc doanh nghiệp tư nhân Thăng Long (chủ đầu tư) và Công ty Long Hưng Phát (đơn vị phát triển dự án) đã đưa hơn 20 hộ dân vào cư ngụ tại chung cư Bảy Hiền (số 9 Phạm Phú Thứ, phường 11, quận Tân Bình) trong khi chu cư này chưa đảm bảo các yêu cầu về phòng cháy chữa cháy ... là tiền lệ vô cùng nguy hiểm.

“Lo lắng” trước thực trạng PCCC trong các tòa cao ốc ! - Ảnh 1
Hàng loạt các vụ cháy chung cư đã xảy ra trong năm qua khiến người dân vô cùng hoang mang, lo lắng.

Đồng quan điểm, ông Phạm Sỹ Liêm,  Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng, hiện tại, các chủ chung cư tỏ ra vô cùng thờ ơ, không chịu thực hiện các quy định của về PCCC. Tầm quan trọng của việc PCCC chỉ được các chủ đầu tư ý thức khi hỏa hoạn đã xảy ra.

Đáng chú ý, ông Liêm cho rằng công tác kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng đối với việc thực hiện đầy đủ các biện pháp PCCC của các chủ đầu tư diễn ra chưa hiệu quả.

“Để các chủ đầu tư thực hiện một cách có hiệu quả các biện pháp đảm bảo an toàn PCCC  tại các khu dân cư thì các cơ quan chức năng phải tập trung kiểm tra, giám sát. Các quy định về PCCC dù có rõ ràng đến đâu mà cơ quan chức năng không thực hiện kiểm tra, giám sát thì các chủ đầu tư cũng không làm. Hoặc dù có làm thì cũng làm không đến nơi đến chốn, làm không hiệu quả. Dẫn đến cháy nổ mới thường xuyên xảy ra”, ông Liêm nói.

Dẫn nguồn số liệu của Sở Cảnh sát Phòng cháy, ông Châu cho biết trong năm 2016, chỉ có 366 trong số 682 chung cư (chiếm 53,6%), đã được nghiệm thu hệ thống phòng cháy, chữa cháy, còn lại đều chưa được nghiệm thu. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng cháy nổi thường xuyên xảy ra.

Một vấn đề đáng lo ngại khác, ảnh hưởng rất lớn đến quá trình phòng cháy chữa cháy được ông Châu nêu ra chính là việc cấp phép cho những dự án chung cư nằm sâu trong ngõ hẻm, thiếu đường thoát hiểm khi sự cố xảy ra hoặc có đường vào nhưng mặt đường lại không đáp ứng nên xe chữa cháy hạng nặng không thể vào…

Thêm vào đó, ông Châu chỉ ra hàng loạt các khó khăn trong việc tiếp cận, chữa cháy cho những tòa nhà cao tầng, bởi các thiết bị chữa cháy như thiết bị xe thang chữa cháy mà các thành phố đang dùng trên thực tế không thể vươn lên được đến các tầng cao, mặt đường không thể đáp ứng được độ nún để các xe chữa cháy vào...

Từ đó, vị chủ tịch của HoREA đề xuất có những biện pháp xử lí thật nặng để các chủ chung cư có thể thực hiện nghiêm chỉnh các quy định về PCCC.

Chế tài không đủ mạnh để răn đe chủ đầu tư

Dưới góc độ của luật, Luật sư Trần Minh Hùng cho rằng: “Hiện tại, các tiêu chuẩn và chế tài chưa đủ mạnh để có thể đủ sức răn đe các chủ đầu tư, bắt buộc các chủ đầu tư phải thực hiện đầy đủ các quy định về luật PCCC.”

Hiện nay, mặc dù đã ban hành luật PCCC nhưng lại chưa xây tiêu chuẩn bắt buộc và hướng dẫn thiết kế cho các công trình nhà cao tầng về tiêu chuẩn cụ thể của các thiết bị phòng cháy chữa cháy… nên dẫn đến tình trạng bị “lách luật”, “làm luật”, điều đó dẫn đến người sử dụng hàng ngày phải đối mặt với nguy cơ mất an toàn nghiêm trọng.

“Lo lắng” trước thực trạng PCCC trong các tòa cao ốc ! - Ảnh 2
Luật sư Trần Minh Hùng

Hơn nữa, khi sự cố cháy nổ xảy ra thì việc xác định trách nhiệm của chủ đầu tư, các tổ chức trong giai đoạn nào, sẽ  phải chịu phạt đến đâu thì pháp luật chưa quy định cụ thể trong luật PCCC mà chỉ quy định chung chung nên tình trạng các chủ đầu “nhờn luật” cũng là điều dễ hiểu.

Từ đó, Luật sư Hùng cho rằng, để chủ đầu tư có thể thực hiện nghiêm chỉnh các quy định về PCCC thì  hoàn thiện và bổ sung các quy định pháp luật chặt chẽ hơn nữa về trách nhiệm, biện pháp phòng cháy chữa cháy đối với các tòa nhà chung cư. Cần có các chế tài đủ mạnh để có thể răn đe những chủ đầu tư cố tình “phớt lờ” các quy định về phòng cháy chữa cháy.

Huyền Trang

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục