Lộ hàng loạt dấu hiệu sai phạm của nhóm cổ đông Hải Phát tại Cienco5

(Kinhdoanhnet) - Cố tình liên tục vi phạm các quy định về trách nhiệm người đại diện phần vốn; thực hiện nhiệm vụ sai quy định pháp luật, điều lệ công ty; "tiếp tay" cho nhóm cổ đông lớn thao túng hoạt động của Cienco 5 nhằm tranh giành quyền kiểm soát Dự án KĐT Thanh Hà với Cienco 5 Land sau khi thất bại trong việc mua cổ phần của cty này...

Đó là hàng loạt những dấu hiệu sai phạm nghiêm trọng của nhóm cổ đông Hải Phát đã được hé lộ trong Văn bản Báo cáo Bộ Trưởng Bộ Giao thông Vận tải của Tổ kiểm tra theo quyết định số 1376/QĐ-BGTVT ngày 13//5/2016 vửa qua.

Lộ hàng loạt dấu hiệu sai phạm của nhóm cổ đông Hải Phát tại Cienco5 - Ảnh 1

Hải Phát từng bước thao túng Cienco5 nhằm giành quyền kiểm soát Dự án KĐT Thanh Hà

Cienco 5 là doanh nghiệp thuộc Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) có trụ sở chính tại TP Đà Nẵng. Đầu năm 2016, khi Cienco 5 thực hiện việc thoái vốn nhà nước, một số doanh nghiệp bất động sản đã dành sự quan tâm đặc biệt đến doanh nghiệp này nhằm nuôi hy vọng có thể sở hữu dự án Thanh Hà - một trong những dự án có quy mô lớn nhất quận Hà Đông. Trong đó, gây nhiều "tai tiếng" và lùm xùm nhất có lẽ là Công ty Hải Phát.

Ngay sau khi mới trúng đấu giá 23,18% cổ phần của Cienco5, trị giá hơn 202 tỷ đồng, ngày 11/3/2016, Công ty Hải Phát đã cùng các cổ đông khác thực hiện việc sửa đổi điều lệ của Cienco5, với các thay đổi quan trọng như tăng số lượng thành viên HĐQT từ 5 người lên 7 người; thay đổi tỷ lệ biểu quyết thông qua nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông từ 75% xuống còn 51%. Hai thay đổi này được cho là từng bước để nhóm cổ đông mới kiểm soát Cienco5.

Tuy nhiên, trên thực tế, theo phân tích của Luật sư Huỳnh Hoài Nam, Trưởng Văn phòng Luật sư Nam Giang cho biết, tại thời điểm ngày 11/3/2016, Công ty Hải Phát chưa phải là cổ đông hợp pháp của Công ty Cienco 5. Bởi sau khi thực hiện xong các nghĩa vụ đấu giá mua cổ phần, Công ty Hải Phát phải tiếp tục làm việc với Bộ Giao thông vận tải/Cienco5 để được ghi nhận quyền sở hữu cổ phần theo các quy định của Luật chứng khoán và luật doanh nghiệp.

Theo đó, Khoản 5 điều 2, Nghị định 58/NĐ-CP ngày 20/7/2012 của Chính phủ hướng dẫn Luật chứng khoán nêu rõ: “Cổ phần đã phát hành là cổ phần đã được nhà đầu tư thanh toán đầy đủ và những thông tin về người sở hữu được ghi đúng, nghi đủ vào sổ đăng ký cổ đông”. Như vậy, trong trường hợp đấu giá sở hữu nhà nước, Cienco 5 phải dựa vào xác nhận của Hose và Bộ GTVT, để ghi giảm số lượng cổ phần của Bộ GTVT và tăng số lượng CP của Công ty Hải Phát trong Sổ đăng ký cổ đông của Cienco 5, sau đó dựa vào đó để cấp giấy chứng nhận sở hữu cổ phần cho các bên liên quan.

Chiếu theo các quy định của pháp luật, phải đến ngày 25/3/2016, việc đăng ký cổ đông này mới hoàn thành công nhận Hải Phát trở thành cổ đông hợp pháp của Cienco 5. Chính vì vậy, tại thời điểm này, Công ty Hải Phát chưa có quyền biểu quyết và số phiếu biểu quyết của cổ đông nhà nước lúc này vẫn là 63,18%. Do đó, việc Công ty này tham gia biểu quyết nhằm sửa đổi điều lệ của Cienco5 là sai quy định của pháp luật.

Lộ hàng loạt dấu hiệu sai phạm của nhóm cổ đông Hải Phát tại Cienco5 - Ảnh 2
Quy mô "khủng" của dự án KĐT Thanh Hà khiến nhiều đại gia BĐS ao ước đã thuộc về Mường Thanh 

Chưa dừng lại ở đó, dường như quá “nôn nóng”  để giành quyền kiểm soát Cienco5, cổ đông Hải Phát đã tiếp tục thực hiện việc sửa đổi điều lệ lần thứ hai, diễn ra ngày 4/4/2016, loại bỏ quy định thời hạn 5 năm không được chuyển nhượng cổ phần của cổ đông chiến lược ra khỏi điều lệ. Động thái này được thực hiện để dọn đường cho việc Công ty Hải Phát mua lại 15,5% cổ phần của Công ty Nam Trí – nhà đầu tư chiến lược của Cienco5.

Sau giao dịch với Công ty Nam Trí, cổ phần của Công ty Hải Phát tại Cienco5 đã tăng lên gần 39%, cộng với số cổ phần 15,5% của Công ty Việt Phương, nhóm cổ đông này đã trở thành cổ đông lớn, kiểm soát Cienco 5 và lấn át cổ đông nhà nước chỉ còn 40%. Ngày 28/4/2016, nhóm cổ đông này đã tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông bất thường, bầu thêm 3 thành viên HĐQT là đại diện của các cổ đông này, chính thức kiểm soát HĐQT Cienco 5.

Tuy nhiên, theo quy định của Điều lệ Cienco 5 được đăng trên website và Luật Doanh nghiệp năm 2014 thì việc sửa đổi điều lệ phải được Đại hội đồng cổ đông thông qua tại phiên họp, chứ không phải là được thông qua theo hình thức lấy ý kiến bằng phiếu như những gì các cổ đông của Cienco5 đã làm vào ngày 11/3 và 4/4/2016. Hay nói cách khác, trình tự, thủ tục lấy ý kiến bằng văn bản cho cả hai lần thứ nhất và thứ hai đã vi phạm Luật chứng khoán và Điều lệ công ty.

Theo Văn bản Báo cáo Bộ Trưởng Bộ Giao thông Vận tải về kết quả làm việc với Người đại diện phần vốn nhà nước tại Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 5 - CTCP của Tổ kiểm tra được thành lập theo ý kiến chỉ đạo của Bộ Trưởng cũng khẳng định: Cả hai lần sửa đổi điều lệ này, người đại diện của công ty đã không báo cáo xin ý kiến cơ quan đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước chấp thuận theo quy định trước khi biểu quyết.

Bên cạnh đó, việc phát hành văn bản lấy ý kiến cổ đông vào ngày 25/2/2016 của Chủ tịch HĐQT cũng có dấu hiệu của việc lùi ngày trên văn bản so với ngày phát hành thực tế để đảm bảo đủ ít nhất 15 ngày như quy đinh và đủ điều kiện ban hành điều lệ ngày 11/3/2016.

Hàng loạt những việc làm trái pháp luật của nhóm cổ đông Công ty Hải Phát đều nhằm một mục đích cao nhất là thâu tóm quyền lực tại Cienco5, từ đó giành quyền kiểm soát Dự án KĐT Thanh Hà với Cienco 5 Land sau khi thất bại trong việc mua cổ phần của cty này… 

Theo nguồn tin của PV được biết, trước đó, công ty Hải Phát cũng đã đàm phán để mua lại cổ phần của cổ đông lớn tại Cienco 5 Land nhưng bất thành. Kết quả là 95% cổ phần tại Cienco 5 Land đã rơi vào tay những ông chủ khác (Tập đoàn Mường Thanh). Điều này đồng nghĩa với việc, Cienco 5 đã mất quyền chi phối đối với dự án bất động sản Thanh Hà. Có lẽ đó chính là lý do khiến doanh nghiệp này lựa chọn cách đi “đường vòng” đầy mạo hiểm như vậy!

Mặt khác, điều đáng nói ở đây là sau hàng loạt những động thái tạo thuận lợi cho nhóm cổ đông Hải Phát nắm quyền lực tại Cienco5 như việc cố tình liên tục vi phạm các quy định về trách nhiệm người đại diện phần vốn; thực hiện nhiệm vụ sai quy định pháp luật, điều lệ công ty; "tiếp tay" cho nhóm cổ đông lớn (Việt Phương, Hải Phát) thao túng hoạt động của Cienco 5… rõ ràng người đại diện của Bộ GTVT là ông Bạch Ngọc Du, Chủ tịch HĐQT Cienco 5 không thể không có trách nhiệm. Tuy nhiên, ngay sau khi thương vụ chuyển nhượng cổ phần cho Hải Phát đã xong, ông Bạch Ngọc Du đã tìm đường đi cho riêng mình, xin chuyển đến Tổng Cty 319, Bộ Quốc phòng?!

Nhằm tránh các hệ quả nghiêm trọng có thể xảy ra tiếp theo tại Cienco 5 do những “thành phần bất ổn” của nhóm cổ đông Hải Phát, đề nghị Bộ GTVT sớm vào cuộc điều tra làm rõ những sai phạm của nhóm cổ đông này.

Báo Kinh doanh và Pháp luật sẽ tiếp tục thông tin về vấn đến này trong các số báo tiếp theo. 

Mạnh Huy - Phương Linh -Minh Lý

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục