“Phát súng hiệu” từ thị trường thế giới
Gói kích thích kinh tế khổng lồ được Trung Quốc công bố vừa qua đã tạo ra khoảnh khắc đảo chiều của giá thép thế giới, thoát khỏi xu hướng giảm suốt từ quý IV/2021. Trước đó, nhiều tổ chức cả trong và ngoài nước đã “việt vị” khi dự báo thời điểm đảo chiều của giá thép, bởi đến thời điểm dự báo, giá thép thế giới vẫn… không ngừng giảm.
Đối với một ngành có tính chu kỳ cao như ngành thép, lợi nhuận của các doanh nghiệp thép về cơ bản diễn biến đồng pha với giá thép, còn xu hướng lợi nhuận của doanh nghiệp thì lại thường đồng pha với xu hướng giá cổ phiếu của doanh nghiệp đó. Chính vì vậy, việc giá thép thế giới đảo chiều là “phát súng hiệu” cho các nhà đầu tư để ý đến cổ phiếu thép. Trên thực tế, giá các cổ phiếu thép tại Việt Nam diễn biến tương đối khả quan sau khi Trung Quốc công bố gói kích thích kinh tế khổng lồ.
Khi đã nghĩ đến việc đầu tư cổ phiếu thép, có hai câu hỏi lớn mà nhà đầu tư cần trả lời: Mua cổ phiếu thép nào và khi nào mua?
Mua cổ phiếu thép nào còn phụ thuộc vào khẩu vị rủi ro của nhà đầu tư. Lựa chọn phổ thông là cổ phiếu của các doanh nghiệp thép tiêu biểu nhất, đó là HPG của Tập đoàn Hòa Phát, HSG của Tập đoàn Hoa Sen và NKG của Công ty Thép Nam Kim. Trong khi HSG và NKG có tính đầu cơ cao hơn do chịu ảnh hưởng lớn từ giá thép thế giới (đặc biệt là giá thép cán nóng – HRC) thì HPG lại ổn định hơn.
Tuy nhiên, tình huống hiện tại khiến cho ngay cả nhà đầu tư có khẩu vị rủi ro cao cũng chùn bước trước HSG và NKG. Đó là bởi ngày 26/7/2024, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 1985/QĐ-BCT về việc điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép HRC có xuất xứ từ Ấn Độ và Trung Quốc. Quyết định điều tra dựa trên hồ sơ yêu cầu do Tập đoàn Hòa Phát và Tập đoàn Formosa nộp, cáo buộc các nhà sản xuất thép HRC từ Ấn Độ và Trung Quốc đang bán phá giá sản phẩm này sang Việt Nam, gây thiệt hại cho ngành sản xuất trong nước.
Sự kiện này đã đẩy Hoà Phát và Hoa Sen – Nam Kim vào thế “đối đầu”, bởi Hoa Sen – Nam Kim là hai doanh nghiệp chuyên sản xuất tôn mạ, đầu vào quan trọng nhất là thép HRC. Nếu áp thuế chống bán phá giá với thép HRC đồng nghĩa với việc chi phí sản xuất có khả năng tăng cao. Trớ trêu hơn là Hoa Sen – Nam Kim có thể phải mua thép HRC từ chính đối thủ Hoà Phát. Ở chiều ngược lại, Hòa Phát “lợi đủ đường” nếu đề xuất áp thuế chống bán phá giá thép HRC được thực hiện. Rõ ràng, đặt lên bàn cân, nhà đầu tư sẽ dồn sự chú ý nhiều hơn vào cổ phiếu HPG, thay vì HSG và NKG.
Theo ước tính của Công ty Chứng khoán Funan, quá trình điều tra và đưa ra kết quả chính thức sẽ mất thời gian 12 – 18 tháng, tức là có thể ngay trong năm sau. Do đó, việc tính toán tới tác động từ sự kiện này trong việc ra quyết định đầu tư cổ phiếu thép trong giai đoạn tới là rất cần thiết.
Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) kỳ vọng khả năng cao Bộ Công Thương sẽ áp thuế chống bán phá giá thép HRC nhập khẩu từ Trung Quốc và Ấn Độ vì 3 lý do. Thứ nhất, trong nửa đầu năm 2024, sản lượng thép HRC nhập khẩu lên đến gần 6 triệu tấn, lượng nhập khẩu này bằng 173% so với sản xuất trong nước trong khi nhu cầu tiêu thụ nội địa chỉ khoảng hơn 3 triệu tấn. Thứ hai, thép HRC xuất khẩu của Việt Nam cũng chịu điều tra chống bán phá giá từ các quốc gia như Ấn Độ, EU, Úc... Thứ ba, dự án Dung Quất 2 của Hoà Phát sẽ đi vào hoạt động từ năm 2025 và chạy toàn bộ công suất trong năm 2027, cung cấp cho nhu cầu nội địa thêm gần 8,6 triệu tấn HRC/năm, nâng mức sản lượng HRC sản xuất nội địa lên 14 triệu tấn, có thể đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ nội địa mà không cần nhập khẩu.
Còn theo đánh giá của Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), năng lực sản xuất và cung cấp thép HRC tại thị trường nội địa còn hạn chế (ước tính tổng công suất HRC của Formosa và Hoà Phát tới năm 2026 đạt hơn 14 triệu tấn/năm, thấp hơn nhu cầu hiện tại là 15-16 triệu tấn/năm), do đó, việc áp thuế chống bán phá giá có thể gây cản trở tới khả năng tiếp cận nguồn cung và sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp nội địa. Vì vậy, KBSV cho rằng xác suất để đề xuất này được áp dụng ở mức trung bình (khoảng 50-60%).
Khi nào mua?
Chọn thời điểm mua (timing) luôn là công đoạn khó nhất trong đầu tư, không chỉ do diễn biến giá cổ phiếu thường khó lường mà còn bởi việc mua cổ phiếu lúc nào còn phụ thuộc vào thời gian dự kiến nắm giữ cổ phiếu của nhà đầu tư.
Với một ngành có tính chu kỳ cao như thép, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp thép cũng có tính chu kỳ rõ nét, trong đó có Hòa Phát. Được mệnh danh là một “xe lu” trên thị trường thép, doanh thu và lợi nhuận của Hòa Phát đã thoát đáy từ sớm và xu hướng đi lên rất rõ ràng.
Về doanh thu, quý III/2024, Hòa Phát ghi nhận hơn 34.000 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 4 quý gần nhất, tổng doanh thu của “vua thép” đạt khoảng 139.000 tỷ đồng, tăng 4,3% so với kỳ 4 quý trước đó, đánh dấu lần thứ tư liên tiếp tổng doanh thu tăng trưởng xét theo kỳ 4 quý.
Tương tự là lợi nhuận. Quý III/2024, lợi nhuận sau thuế của Hòa Phát đạt 3.022 tỷ đồng, tăng 51% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 4 quý gần nhất, tổng lợi nhuận sau thuế của tập đoàn này đạt 12.180 tỷ đồng, tăng 9,2% so với kỳ 4 quý trước đó, cũng là lần thứ tư liên tiếp tổng lợi nhuận tăng trưởng xét theo kỳ 4 quý.
Xu hướng đi lên đã rõ, nhưng dư địa tiếp tục đi lên liệu có còn nhiều hay không? Một trong những chỉ số tài chính hết sức quan trọng khi xem xét tình hình kinh doanh của doanh nghiệp thép là tỷ suất lợi nhuận gộp. Dữ liệu tài chính cho thấy mặc dù hồi phục liên tiếp trong những quý gần đây nhưng tỷ suất lợi nhuận gộp của Hòa Phát vẫn còn cách khá xa mức thấp nhất trong giai đoạn 2015 - 2021, chứ chưa nói đến mức trung bình của giai đoạn này. Điều này là dễ hiểu bởi giá thép dù hồi phục nhưng vẫn ở vùng giá thấp, hàm ý rằng Hòa Phát còn khá nhiều dư địa để tiếp tục cải thiện lợi nhuận gộp khi giá thép tiếp tục chặng đường về “trạng thái bình thường”.
Tương tự, hiệu quả sinh lời (đo lường thông qua tỷ lệ lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu) của Hòa Phát vẫn đang ở vùng “đáy của đáy” và còn cách khá xa mức thấp nhất trong giai đoạn 2015 - 2021. Với một doanh nghiệp có lợi thế cạnh tranh vượt trội như Hòa Phát, nếu có thêm lực đẩy từ việc áp thuế chống bán phá giá với thép HRC nhập khẩu, dư địa cải thiện hiệu quả sinh lời là rất rộng mở.
Dù các dấu hiệu tạo đáy và đi lên là rất rõ ràng và quan trọng là đã hình thành xu hướng, nhưng đầu tư theo chu kỳ thường không dành cho nhà đầu tư có tầm nhìn ngắn hạn. Kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp nặng tính chu kỳ giống như leo lên một con dốc dài, có lúc dốc thoai thoải nhưng có lúc độ nghiêng lại rất lớn. Nếu nhà đầu tư mua cổ phiếu vào lúc “dốc thoai thoải” thì có thể mất khá nhiều thời gian chờ đợi sự bứt phá.
Với trường hợp Hòa Phát, các tín hiệu trong nước, ngoài nước và bản thân doanh nghiệp cho thấy thời kỳ đi lên đã rõ ràng. Nhưng nhà đầu tư nếu rót tiền vào cổ phiếu HPG nên chuẩn bị tâm thế nắm giữ trên 1 năm. Vốn dĩ, cơ cấu đòn bẩy tài chính của Hòa Phát vẫn giữ được sự cân bằng trong 10 năm qua dù phải đầu tư đại dự án Dung Quất 2, chi phí lãi vay có xu hướng giảm rõ rệt, cho thấy rủi ro tài chính nhìn chung là thấp, phù hợp cho tầm nhìn đầu tư trung và dài hạn.
Vietnamfinance
In bài viết